Cổ phiếu ngân hàng “ảm đạm” trước kỳ nghỉ lễ, thanh khoản toàn ngành giảm mạnh 30% | |
8 lãnh đạo cấp cao ngân hàng Á Châu (ACB) nhận thưởng hàng trăm nghìn cổ phiếu |
(Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo thị trường tiền tệ mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết Ngân hàng Nhà nước thông báo về việc bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng sẽ được công bố trong tuần này.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, điều này tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3-5%, tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.
Trong thông điệp của mình, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng không công khai mức nới room cho từng ngân hàng, song khả năng chỉ một số ngân hàng thương mại được nới room.
Trước đó, với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14%, có điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước phân bổ tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng ngân hàng trên 2 tiêu chí. Đó là kết quả xếp hạng từng ngân hàng theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018 gồm vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường.
Đồng thời, xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí ngân hàng tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng trong quá trình phân bổ, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng.
Như vậy, các ngân hàng có khả năng được nới room cao là Vietcombank, MB, HDBank (nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc), VietinBank, BIDV, Agribank,...
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản đều vay vốn từ ngân hàng, nhưng từ đầu tháng Tám đến nay tín dụng đang siết khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ không có vốn lớn để đầu tư nên toàn bộ đều vay vốn ngân hàng cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, nhất là vào các tháng cuối năm cần đẩy mạnh giao hàng nên nhu cầu vốn lại tăng cao. Từ nay đến cuối năm, lượng gạo xuất khẩu theo kế hoạch còn khoảng 2 triệu tấn, nếu bây giờ bị siết “room” tín dụng cũng khó cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác thì bị ngân hàng từ chối cho vay với lý do hết hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Về phía ngân hàng, theo chia sẻ của Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại, chi nhánh đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được phân bổ trong 6 tháng đầu năm. Trong 6 tháng cuối năm, chi nhánh này chỉ còn 70 tỷ đồng để đáp ứng các nhu cầu vay vốn của khách hàng. Điều này khiến cho chi nhánh rơi vào thế khó, bởi nhu cầu của khách hàng những tháng cuối năm thường tăng cao, đặc biệt là giai đoạn kinh tế ngày càng hồi phục.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), bày tỏ vui mừng khi Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong tuần này. Ông Tùng hy vọng OCB cũng nhận được mức cấp hạn mức bổ sung để nhanh chóng cho khách hàng vay.
Trong những tháng qua, trước bối cảnh hạn mức tín dụng gần chạm tỷ lệ được duyệt đầu năm, OCB cũng như các ngân hàng khác đành bóc ngắn cắn dài, chờ khách hàng vay cũ trả nợ rồi cho vay mới. Hiện nay nhiều khách hàng cũ đang có nhu cầu vay thêm nên trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước bổ sung nới room, ngân hàng sẽ giải quyết cho những hợp đồng này, đồng thời, giải ngân cho vay đối với những khách hàng thuộc nhóm ưu tiên hỗ trợ lãi suất 2%.
"Room" tín dụng không phải là câu chuyện của riêng một ngân hàng nào, mà là tình trạng chung không ít ngân hàng đang phải đối mặt. Việc tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm quá cao khiến nhiều ngân hàng phải xin nới hạn mức cho nửa cuối năm và đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Hoàng Hà