Ngân hàng Wooribank mới đây đã đưa ra cảnh báo về các rủi ro liên quan đến việc quét mã QR để thanh toán hóa đơn phí sinh hoạt. Ngân hàng cho biết theo thông tin từ các cơ quan truyền thông, nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với giá trị lên đến hàng tỷ đồng đã được thực hiện thông qua hình thức này.
Wooribank khuyến nghị khách hàng nâng cao cảnh giác trước các phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi. Các thủ đoạn phổ biến hiện nay bao gồm việc đối tượng giả mạo nhân viên của các đơn vị cung cấp dịch vụ như điện, nước, hoặc internet. Chúng thường liên hệ với khách hàng, thông báo về các khoản hóa đơn cần thanh toán gấp để tránh bị cắt dịch vụ. Sau đó, kẻ gian gửi mã QR chứa liên kết thanh toán với số tiền đã được định sẵn, thúc giục khách hàng thực hiện giao dịch ngay lập tức. Trong tình huống này, khách hàng dễ bị thao túng thông tin và chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo.
Những chiêu thức lừa đảo tinh vi như mã QR giả mạo và yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật đã xuất hiện, đòi hỏi người dùng nâng cao cảnh giác để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân (Hình minh họa) |
Cận Tết, nhu cầu giao dịch trực tuyến tăng cao, tạo điều kiện để các hành vi gian lận diễn ra thường xuyên hơn. Nhiều ngân hàng đã đồng loạt phát đi các thông báo nhằm cảnh báo khách hàng về những chiêu trò lừa đảo mới. Ngân hàng LPBank cũng đã lưu ý về hình thức lừa đảo qua mã QR, trong đó các đối tượng chuyển từ việc gửi đường link độc hại sang việc sử dụng mã QR được chèn trực tiếp vào email hoặc tin nhắn, giúp chúng tránh được các bộ lọc bảo mật.
Thủ đoạn của các đối tượng bao gồm giả danh nhân viên ngân hàng hoặc cơ quan chức năng, yêu cầu khách hàng quét mã QR để cung cấp thông tin bảo mật, thông tin cá nhân, hoặc tài khoản ngân hàng. Điều này có thể dẫn đến việc khách hàng bị đánh cắp tài khoản thông qua các phương thức như nhập mã OTP, Smart OTP hoặc sinh trắc học. Ngoài ra, tại các cửa hàng, kẻ gian thường dán đè mã QR giả lên mã chính thức tại quầy thanh toán hoặc các khu vực công cộng. Một số trường hợp còn ghi mã QR giả mạo lên hóa đơn, tờ rơi hoặc trang web của những thương hiệu quen thuộc nhằm đánh cắp thông tin và tiền bạc từ người dùng.
Các chuyên gia an ninh mạng đã đưa ra khuyến cáo để bảo vệ người dùng khỏi các rủi ro trên. Người dùng không nên cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ, mã OTP, hoặc thông tin đăng nhập ngân hàng điện tử cho bất kỳ ai, kể cả khi đó là nhân viên ngân hàng. Ngoài ra, việc truy cập vào các đường dẫn lạ qua email, tin nhắn, hoặc mạng xã hội cũng cần được hạn chế để tránh bị lừa đảo.
Trước khi quét mã QR để thực hiện giao dịch, người dùng cần kiểm tra kỹ thông tin tài khoản ngân hàng và đối chiếu với thông tin của chủ cửa hàng hoặc người nhận. Cần cảnh giác với các mã QR được chia sẻ tại những nơi công cộng hoặc qua các kênh trực tuyến. Việc tuân thủ các biện pháp an toàn này sẽ giúp người dùng tránh được các rủi ro tiềm ẩn và bảo vệ tài sản của mình hiệu quả hơn.
Tỷ giá Yên Nhật ngày 25/12/2024: Đồng Yên suy yếu, chính phủ Nhật Bản cảnh báo rủi ro đầu cơ Tỷ giá Yên Nhật tiếp tục giảm mạnh, giao dịch tại các ngân hàng trong nước từ 155,99 VND/JPY đến 176,78 VND/JPY. Trên thị trường ... |
Tỷ giá USD ngày 3/1/2025: Chỉ số DXY đạt đỉnh 2 năm, chuyên gia cảnh báo rủi ro suy giảm Thị trường ngoại hối ngày 3/1/2025 ghi nhận sự biến động nhẹ về tỷ giá USD tại Việt Nam, trong khi trên thế giới, chỉ ... |
Quang Vinh