Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt dịp Tết 2023 | |
Cổ phiếu ngân hàng phân hóa, KLB tăng trần phiên thứ hai liên tiếp |
Theo đó, Agribank vừa công bố phát hành 100 triệu trái phiếu với mã là AGRIBANK 223001, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu chào bán theo mệnh giá là 10.000 tỷ đồng.
Kỳ hạn trái phiếu là 8 năm, trả lãi định kỳ một năm/lần. Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 1,6%/năm vào 5 năm đầu và 3,1%/năm vào 3 năm cuối. Thời gian nhận đăng ký mua trái phiếu là từ 10/12 đến 29/12.
Ngân hàng “đua” hút vốn qua trái phiếu dịp cuối năm. Ảnh minh họa |
LienVietPostBank cũng đã thông qua phương án triển khai chào bán thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 và 10 năm.
Theo kế hoạch dự kiến, LienVietPostBank sẽ phát hành trái phiếu thành 3 đợt: Trong đợt 1 thực hiện trong quý IV/2022 - quý I/2023, phát hành 1.700 tỷ đồng trái phiếu 7 năm và 250 tỷ đồng trái phiếu 10 năm; sang đợt 2 dự kiến thực hiện trong quý I/2023, phát hành 1.300 tỷ đồng trái phiếu 7 năm và 200 tỷ đồng trái phiếu 10 năm; còn đợt 3 trong quý I, II/2023, phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu 7 năm và 50 tỷ đồng trái phiếu 10 năm.
Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, không kèm theo chứng quyền, là nợ thứ cấp và thoả mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của tổ chức phát hành.
Trước đó, hồi cuối tháng 11, VietinBank cũng đã thông qua việc sửa đổi phương án phát hành trái phiếu ra công chúng từ mức 8.000 tỷ đồng lên thành 9.000 tỷ đồng. Trong đó có 3.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm và 5.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
Theo kế hoạch, 9.000 tỷ đồng này sẽ được phát hành làm 2 đợt, lần lượt là 5.000 tỷ đồng thực hiện trong quý IV/2022 – quý I/2023 và đợt sau là 4.000 tỷ đồng thực hiện từ quý II/2023 đến quý III/2023.
Mục đích chào bán trái phiếu ra công chúng đợt này của cả Agribank, LienVietPostBank hay VietinBank đều nhằm bổ sung nguồn vốn huy động dài hạn, tăng vốn cấp 2, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức. Đồng thời, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
LienVietPostBank cho biết, nguồn vốn huy động được từ các đợt phát hành trái phiếu sẽ phân bổ vào các lĩnh vực từ thương mại; xăng dầu; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ cũng như cho vay nông nghiệp nông thôn và tiêu dùng.
Trong khi đó, VietinBank công bố trong kế hoạch sẽ dùng 9.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp 2 và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, nguồn vốn bổ sung sẽ được VietinBank thực hiện cho vay nền kinh tế, bao gồm các khoản cho vay được giải ngân trước và sau thời điểm phát hành trái phiếu, với các ngành nghề, lĩnh vực như: công nghệ chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt…
Tại HDBank, thay vì phát hành trái phiếu trong nước, một phương án phát hành 500 triệu USD trái phiếu cho nhà đầu tư quốc tế vừa nhận được sự đồng thuận cao với tỷ lệ tán thành đạt 79,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Trái phiếu chuyển đổi bổ sung vốn tự có cấp 2 của HDBank, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của ngân hàng này. Trước đó, HDBank đã phát hành thành công 325 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế cho các định chế tài chính uy tín hàng đầu thế giới.
Theo HDBank, vốn từ đợt phát hành sẽ giúp ngân hàng bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, phục vụ các kế hoạch tăng trưởng đã đề ra. Chưa dừng ở đó, với nguồn vốn huy động thêm từ phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế, HDBank sẽ nâng cao hơn nữa các chỉ số chất lượng tài sản, tỉ lệ an toàn vốn, sẵn sàng áp dụng sớm chuẩn mực Basel III.
Chia sẻ về kế hoạch phát hành trái phiếu, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng tăng vốn vẫn là nhu cầu thường trực của các ngân hàng, đây là một trong những biện pháp cần thiết nhằm củng cố tấm đệm vốn cho ngân hàng, gia tăng tỷ lệ an toàn vốn, nâng cao năng lực vốn tự có theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Vốn tự có của ngân hàng là cơ sở để tính toán tỷ lệ an toàn vốn (CAR), bao gồm tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 trừ đi các khoản giảm trừ quy định.
Trong đó, vốn điều lệ là vốn đã được cấp, vốn đã góp và thuộc về vốn cấp 1; còn vốn hình thành từ việc bán trái phiếu tăng vốn sẽ được ghi nhận vào vốn cấp 2. Như vậy, tăng vốn cấp 2 sẽ đồng thời làm cho vốn tự có của ngân hàng tăng lên, cải thiện tỷ lệ an toàn vốn, đáp ứng chuẩn mực về quản trị rủi ro quốc tế.
Mặt khác, từ ngày 1/10/2022, theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng điều chỉnh từ 37% xuống 34%. Việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài cũng giúp ngân hàng cân đối tốt hơn cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn trong bối cảnh này.
Tuy giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giúp ngân hàng gia cố "sức khỏe", chịu được cú sốc lớn hơn từ bên ngoài nhưng các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) lại cho rằng điều chỉnh này sẽ khiến chi phí vốn của các ngân hàng gia tăng, gây áp lực lên biên lãi ròng (NIM), do ngân hàng phải huy động vốn trung, dài hạn để cho vay đúng theo kỳ hạn.
Dữ liệu cập nhật từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tính đến hết tháng 11, nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.371 tỷ đồng, tương đương 53,8% tổng giá trị phát hành. Nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.829 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%.
Hoàng Hà