Ngày 4/10, Học viện Ngân hàng phối hợp với Câu lạc bộ Khối đào tạo và nghiên cứu khoa học ngân hàng và Ban Hỗ trợ khởi nghiệp tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề: “Vai trò ngân hàng trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech”. Hội nghị nằm trong chuỗi các hoạt động triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) do Học viện Ngân hàng là đơn vị chủ trì.
Xu hướng chuyển đổi số, ngân hàng số
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Mai Thanh Quế - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, Việt Nam trong những năm trở lại đây đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính). Số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng hơn 2 lần, từ khoảng 40 công ty (năm 2016) lên tới 123 công ty (năm 2020). Các công ty này hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhưng thanh toán (payment) vẫn là phân khúc chính, chiếm khoảng 30% công ty Fintech tại Việt Nam tham gia.
Fintech ra đời được xem là làn sóng mới làm thay đổi toàn bộ cách thức cung ứng, vận hành các dịch vụ tài chính cũng như mô hình tổ chức đã có từ trước đến nay. Điều này đã được chuyên gia dự báo từ đầu những năm 1999, nhấn mạnh sự “phá hủy sáng tạo” sẽ nhanh chóng với ngành tài chính do sự liên quan mật thiết với internet. Cùng với sự ra đời của Fintech là sự xuất hiện của hàng loạt các công ty khởi nghiệp (start-up) kèm theo một hệ sinh thái, mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Tiến trình phát triển và các mức độ phát triển ngân hàng số.
Ông Quế cho biết, nhằm hỗ trợ cho Fintech phát triển trong lĩnh vực thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định công bố tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR code” cho lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, tạo điều kiện cho kết nối và hoạt động liên thông giữa các hệ thống, gia tăng các tính năng tiện ích cho người sử dụng, áp dụng theo tiêu chuẩn kỹ thuật chung đảm bảo đồng bộ hạ tầng dữ liệu tránh việc lãng phí nguồn lực, thời gian, chi phí và giảm thiểu các rủi ro có thể phát sinh. Trên thị trường, sự tương tác giữa ngân hàng với các công ty Fintech và giữa ngân hàng với hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của cơ quan quản lý và các chuyên gia.
“Từ thực tiễn nêu trên có thể thấy tiềm năng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam là rất lớn”, ông Quế bày tỏ. Theo ông Quế, để xóa bỏ rào cản và khó khăn hiện nay trong xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech rất cần sự chung tay của nhiều bên như Chính phủ, doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, các Quỹ đầu tư…. Từ đó, có thêm những cơ sở lý luận, thực tiễn giúp cho việc đề xuất giải pháp, thực thi giải pháp để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech góp phần thực hiện chiến lược tài chính quốc gia đến năm 2025 định hướng năm 2030.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, ngân hàng cần đóng vai trò tiên phong, là “bệ đỡ” cho thế hệ trẻ, tạo thị trường tiềm năng để giới trẻ có thể tiếp cận những công nghệ mới, giải quyết những vấn đề nội tại trong hệ thống ngân hàng bằng các biện pháp thông minh hơn, nhanh hơn. Đây cũng là giải pháp đầu tư cho tương lai khi chúng ta đặt cho giới trẻ những bài toán, những thách thức. Theo ông Quất, có những vấn đề theo xu hướng quốc tế chúng ta chưa phát hiện ra nhưng có bối cảnh mới, sự xuất hiện của công nghệ nảy sinh những mô hình kinh doanh mới – là những thách thức trong tương lai mà chúng ta có thể dự đoán được.
Là diễn giả tham gia hội thảo, ông Nguyễn Đình Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT LienvietPostbank khẳng định xu hướng tất yếu của ngân hàng thương mại Việt Nam là chuyển đổi số và ngân hàng số. Đây cũng là phương thức tốt nhất để các ngân hàng thương mại triển khai ngân hàng bán lẻ online. Việc xây dựng một hệ sinh thái tiêu dùng khép kín trên các ứng dụng ngân hàng online nhằm phụ vụ nhu cầu khách hàng và nâng cao trải nghiệm hách hàng. Các ngân hàng số sử dụng và phân tích dữ liệu chuyên sâu, tích hợp đa kênh dịch vụ, xây dựng sản phẩm dựa trên nhu cầu khách hàng nhằm tăng doanh thu và cắt giảm chi phí.
Ông Thắng cho biết, việc chuyển đổi số và ngân hàng số nhằm giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành, hiệu quả kinh doanh; nâng cao tính tuân thủ và minh bạch và tăng khả năng cạnh tranh. Đối với khách hàng, sẽ được sử dụng dịch vụ ngân hàng thuận tiện, an toàn, mọi lúc mọi nơi.
“Ngân hàng 4.0 là mức cao nhất trong việc chuyển đổi số và xây dựng ngân hàng số nhằm mang đến sự trải nghiệm khách hàng và tiến tới cá thể hóa. Tuy nhiên, chưa ngân hàng nào đạt được mức này cả”, ông Thắng chia sẻ.
Hiện nay, có 3 cấp độ chuyển đổi số và xây dựng ngân hàng số bao gồm: chuyển đổi từng phần (số hóa quy trình, kênh phân phối); xây dựng mảng kinh doanh số riêng; số hóa toàn bộ hoạt động ngân hàng.
Về việc triển khai chuyển đổi số và phát triển ngân hàng số của các ngân hàng thương mại, ông Thắng nhận định có 2 hướng triển khai, đó là các ngân hàng tự nghiên cứu, xây dựng chuyển đổi quy trình sản phẩm, dịch vụ số của ngân hàng. Ở một hướng tiếp cận mới, các ngân hàng tìm kiếm, thuê đơn vị tư vấn bên ngoài triển khai chuyển đổi số ngân hàng trong bối cảnh liên kết Fintech – ngân hàng ngày càng phổ biến. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 72% các công ty Fintech đã liên kết với các ngân hàng tại Việt Nam, chỉ có 14% phát triển dịch vụ mới và 14% sẵn sàng cạnh tranh với ngân hàng.
Ngân hàng – Fintech: Đối tác hay đối thủ?
Thống kê của Statista cho thấy, trên thế giới hiện có khoảng 10.000 công ty Fintech đang cạnh tranh với các ngân hàng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính (thanh toán, tín dụng, huy động vốn, quản lý tài sản….).
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 40 công ty Fintech tham gia lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P lending) và khoảng 40 công ty Fintech tham gia lĩnh vực thanh toán, với các ví điện tử lớn là Momo, Moca, ViettelPay, VNPay, Zalopay… với hàng chục triệu người sử dụng. Doanh thu của lĩnh vực Fintech năm 2020 đạt khoảng 10 tỷ USD và dự báo năm 2021 đạt khoảng 15 tỷ USD khi nhiều sản phẩm đang gia tăng mạnh, nhất là các thanh toán qua điện thoại di động, ví điện tử.
Đánh giá tác động của Fintech tới ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng thương mại, nguyên Chủ tịch HĐQT LienvietPostbank Nguyễn Đình Thắng cho rằng, Fintech có lợi thế nhờ tính linh hoạt cao, nhanh nhạy, khả năng tiếp cận thẳng với công nghệ tiên tiến ở các lĩnh vực dịch vụ tài chính ngân hàng số, dịch vụ đầu tư, bảo hiểm, chứng khoán, phân phối hàng hóa, logicstic, giao thông, nông nghiệp…. Trong tương lai, ngân hàng thương mại có thể là khách hàng của Fintech; là đối tác chiến lược của Fintech nhưng cũng có thể là đối thủ cạnh tranh của Fintech trong lĩnh vực dịch vụ cho vay tiêu dùng cá nhân và thanh toán.
Ông Thắng kiến nghị nhà nước nên có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của doanh nghiệp và người dân nhằm phát triển nền kinh tế số; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ngân hàng thương mại và xây dựng ngân hàng số. Ngoài ra, cần sớm ban hành văn bản pháp lý cho phép cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho ngân hàng và hệ sinh thái Fintech.
Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam
Đại diện cho một trong những ngân hàng tiên phong trong việc chuyển đổi số và xây dựng ngân hàng số, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, năm 2018, Vietcombank đã xây dựng và phê duyệt đề án chuyển đổi số. Năm 2019 đã thành lập trung tâm ngân hàng số nhằm quản lý tập trung, thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số và văn hóa ngân hàng số. Chi phí đầu tư công nghệ thông tin giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện đề án hàng năm tăng 30 – 50%, riêng nhân sự công nghệ thông tin chuyên trách tại trung tâm ngân hàng số khoảng 230 người, chưa kể tại các chi nhánh của ngân hàng. Vietcombank thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái với các đơn vị cung cấp dịch vụ, hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời định hướng kết nối đối tác Fintech nhằm tăng cường khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới cho khách hàng thông qua hệ sinh thái Vietcombank.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Mạnh Thắng, công nghệ tài chính đã có sự phát triển rất nhanh, làm thay đổi diện mạo hệ thống tài chính – ngân hàng, các công ty Fintech vừa là đối tác vừa đang dần trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trong việc cung cấp dịch vụ tài chính. Việc tuân thủ các quy định hiện hành về hợp tác với Fintech (như chia sẻ, liên kế, bảo mật, quản trị rủi ro…) cũng gặp nhiều khó khăn do các chính sách quản lý đối với lĩnh vực này chưa theo kịp và lường trước được sự phát triển nhanh chóng của Fintech. Ngoài ra, việc tìm kiếm các đối tác, nguồn nhân lực có đủ trình độ, kỹ năng để triển khai và phối hợp vận hành ngân hàng số là khó khăn thách thức đặt ra.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) nhận định, Fintech là mô hình kinh doanh mới sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ số không truyền thống. Dữ liệu người dùng sẽ là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất của các Fintech. Trong tương lai, Fintech sẽ trở thành kênh công nghệ kế nối quan trọng để phổ cập tài chính ở các quốc gia, thực hiện chiến lược tài chính bao trùm. Tuy nhiên, tiềm ẩn rủi ro lớn Fintech có thể gây ra là về ổn định tài chính, rủi ro cho người dùng, an toàn an ninh mạng, rủi ro về pháp lý, về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Chính vì thế, ông Hòe kiến nghị cần có tư duy hoạch định chính sách vượt trội, xây dựng riêng Nghị định sandbox bao trùm cho tài chính số. Ngoài ra, cần xây dựng 3 Nghị định chi tiết cho sandbox cho 3 khu vực ngân hàng – bảo hiểm – chứng khoán. “Kinh doanh thay đổi thì chính sách phải thay đổi”, ông Hòe bày tỏ và khuyến nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp xây dựng dự án tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương bởi đây sẽ là “khởi đầu” mở ra câu chuyện ngân hàng số.
Bảo Đăng
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ