Ngân hàng HSBC phát hành thẻ bằng nhựa tái chế bảo vệ môi trường

20/01/2022 - 21:10
(Bankviet.com) HSBC là ngân hàng đầu tiên thực hiện chuyển đổi về chất liệu làm thẻ bảo vệ môi trường này. Ngân hàng cho biết việc HSBC chuyển sang phát hành thẻ rPVC sẽ giúp giảm phát thải nửa tấn các-bon và tiết kiệm 0,2 tấn nhựa mỗi năm.

Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam (HSBC Việt Nam) vừa cho ra mắt loại thẻ thanh toán bằng nhựa PVC tái chế (recycled Polyvinyl chloride – rPVC). Thẻ mới được làm từ 85% nhựa tái chế có nguồn gốc từ chất thải công nghiệp.

Đây là một trong những động thái nằm trong chiến lược giảm phát thải các-bon và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không (net-zero) trong vận hành và chuỗi cung ứng của Tập đoàn vào năm 2030 hoặc sớm hơn.

Ngân hàng này có tham vọng loại bỏ hoàn toàn thẻ PVC nhựa dùng một lần vào cuối năm 2026 và thay bằng thẻ nhựa rPVC.

Chương trình chuyển đổi thẻ sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 1/2022 với thẻ tín dụng Premier MasterCard, thẻ ghi nợ Premier và thẻ ghi nợ Visa Chuẩn. Việc chuyển đổi đối với các sản phẩm thẻ khác dự kiến sẽ áp dụng từ tháng 5/2022.

Nhằm tận dụng tối đa vòng đời sử dụng của thẻ hiện tại, khách hàng sẽ nhận được thẻ nhựa tái chế thay thế sau khi thẻ cũ hết hạn.

HSBC là ngân hàng đầu tiên thực hiện chuyển đổi về chất liệu làm thẻ bảo vệ môi trường này. Ngân hàng cho biết việc HSBC chuyển sang phát hành thẻ rPVC sẽ giúp giảm phát thải nửa tấn các-bon và tiết kiệm 0,2 tấn nhựa mỗi năm.

Tổng cộng, HSBC Việt Nam cùng các thị trường khác của Tập đoàn HSBC có thể giúp giảm phát thải 161 tấn các-bon và giảm 73 tấn rác thải nhựa mỗi năm trên toàn thế giới.

Ông Pramoth Rajendran, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Quản lý Tài sản và Tài chính Cá nhân, HSBC Việt Nam, chia sẻ: "Vật liệu bền vững mới như rPVC mở ra cho ngành dịch vụ tài chính cơ hội rõ ràng để thúc đẩy nỗ lực xây dựng một tương lai bền vững hơn".

Ngân hàng Thế giới (World Bank) xếp Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu. Tổ chức này ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến thu nhập quốc gia của Việt Nam giảm 3,5% vào năm 2050.

Trung tâm kinh tế của Việt Nam, TP HCM, là một trong những thành phố ở châu Á (cùng với thành phố Mumbai, Thượng Hải, Bangkok và Jakarta) đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao. Những số liệu này cho thấy các vấn đề liên quan đến bền vững và biến đổi khí hậu không còn là điều gì quá xa vời trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán