Với tiềm lực mạnh và nguồn vốn chủ sở hữu lớn, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân đang có khả năng tăng mạnh vốn điều lệ vượt qua nhóm ngân hàng quốc doanh.
Theo Quyết định 397/QĐ-NHNN, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt danh sách 17 ngân hàng có tầm quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2021. Trong đó, ngoài 4 ngân hàng quốc doanh Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank còn có 13 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước khác.
Nhóm ngân hàng này hiện chiếm 70% dư nợ cho vay trong hệ thống và cũng là các ngân hàng có quy mô lớn nhất thị trường xét cả về tài sản và vốn điều lệ. Trong đó, toàn bộ đều có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng.
Ba vị trí dẫn đầu về vốn điều lệ hiện vẫn thuộc về các ngân hàng quốc doanh gồm BIDV (40.220 tỷ), VietinBank (37.234 tỷ) và Vietcombank (37.089 tỷ). Nhà băng tư nhân duy nhất lọt vào top 5 vốn điều lệ là Techcombank với 35.049 tỷ, xếp trên cả Agribank (30.614 tỷ).
Nhóm ngân hàng tư nhân xếp sau lần lượt là MBBank (27.988 tỷ); VPBank (25.300 tỷ); ACB (21.616 tỷ); Sacombank (18.852 tỷ) và SHB (17.510 tỷ).
Đổi ngôi ngân hàng vốn điều lệ lớn nhất
Đáng chú ý, trong số các ngân hàng kể trên, 12 nhà băng đã có kế hoạch tăng vốn năm nay, mức tăng dao động từ vài nghìn cho tới hơn chục nghìn tỷ đồng.
Ngược lại, 5 nhà băng chưa có kế hoạch tăng vốn gồm Agribank; Techcombank; Sacombank; VPBank và TPBank.
Trong đó, Agribank là ngân hàng 100% vốn Nhà nước nên việc tăng vốn không thể quyết định qua Đại hội đồng cổ đông. Sacombank đang trong diện tái cơ cấu nên việc dùng cổ tức để tăng vốn phải chờ ý kiến của NHNN.
Còn lại, Techcombank, VPBank và TPBank đều đã có chiến lược khác nhau về chỉ tiêu này.
Với 12 ngân hàng đã có kế hoạch tăng vốn, VietinBank là nhà băng tham vọng nhất với kế hoạch tăng gần 16.800 tỷ đồng vốn năm nay, đưa chỉ tiêu này đến cuối năm vượt mức 54.000 tỷ đồng.
Mức vốn điều lệ tương đương 2,33 tỷ USD này có thể giúp VietinBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống vào cuối năm, vượt xa kế hoạch của cả Vietcombank và BIDV.
Cụ thể, Vietcombank đã trình cổ đông và được thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 50.000 tỷ đồng, cao hơn 13.300 tỷ so với hiện tại. Trong khi đó, BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.300 tỷ, dự kiến đạt 48.524 tỷ đồng vào cuối năm.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, mức vốn tăng thêm cao nhất năm nay thuộc về MBBank với kế hoạch tăng gần 10.700 tỷ. Số này dự kiến đưa vốn điều lệ ngân hàng đến cuối năm đạt gần 38.700 tỷ.
Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MBBank nhấn mạnh tăng vốn là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của ngân hàng thời gian tới. Nếu đi đúng tiến độ, vốn điều lệ của MBBank có thể đạt 2 tỷ USD vào năm 2022 và đạt 5 tỷ USD trong giai đoạn sau 2025.
Các ngân hàng còn lại đều có kế hoạch tăng thêm 25-50% vốn điều lệ năm nay, trong đó SHB dự kiến tăng lên 26.674 tỷ (52%); ACB tăng lên 27.019 tỷ (25%); HDBank tăng lên 20.110 tỷ (25%)...
Lưu Lâm
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam