Ngân hàng NCB bổ nhiệm hai tân Phó Tổng Giám đốc

09/12/2022 - 20:28
(Bankviet.com) Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa công bố quyết định bổ nhiệm hai Phó Tổng Giám đốc là ông Tạ Kiều Hưng và bà Đỗ Thị Đức Minh.

Ông Tạ Kiều Hưng sinh năm 1980, là Thạc sỹ Kinh tế, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, bằng MBA Chương trình Pháp - Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG).

Ngân hàng NCB bổ nhiệm hai tân Phó Tổng Giám đốc
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB)

Trước khi gia nhập NCB với vai trò Phó Tổng Giám đốc, ông Hưng đã có gần 20 năm giữ các vị trí quản lý cấp cao tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) như: Giám đốc Vùng, Giám đốc Phát triển Sản phẩm, Giám đốc Phát triển Kinh doanh, Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Cá nhân, Giám đốc Sáng kiến Phát triển Năng lực Lãnh đạo.

Gần đây nhất, ông Hưng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Chuyển đổi mảng Quản trị rủi ro Khách hàng Bán lẻ và Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Techcombank.

Cùng thời điểm, NCB bổ nhiệm bà Đỗ Thị Đức Minh vị trí Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng. Bà Đỗ Thị Đức Minh sinh năm 1975, tốt nghiệp Khoa Ngân hàng Tài chính - Đại học Kinh tế Quốc dân và Thạc sỹ Kinh tế tại Học viện Ngân hàng.

Với gần 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng, đã từng công tác tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao như: Phó Giám đốc Phụ trách khối Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư, Chánh Văn phòng HĐQT và gần đây nhất là Phó Tổng Giám đốc - Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, bà Minh sẽ có những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho quá trình điều hành của NCB trong thời gian tới.

NCB cũng đồng thời có quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc của bà Dương Thị Lệ Hà theo đề xuất cá nhân.

Đại diện NCB cho biết ngân hàng đang kiện toàn bộ máy ban điều hành với sự tham gia của các nhân sự giàu kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn sâu rộng, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc theo định hướng chiến lược.

"Việc củng cố đội ngũ lãnh đạo cấp cao hứa hẹn sẽ giúp NCB sớm có những bước tăng trưởng tốt trong thời gian tới", đại diện NCB kỳ vọng.

Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2022, Ngân hàng NCB lỗ sau thuế hơn 196 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 64 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Ngân hàng lỗ gần 181 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 164 tỷ đồng).

Nguyên nhân chính của việc sụt giảm lợi nhuận là thu nhập lãi thuần trong quý III ghi nhận lỗ 2,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước mang về gần 440 tỷ đồng. Lãi thuần mảng mua bán chứng khoán đầu tư giảm 55,7% mang về 24,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên nhờ các nguồn thu ngoài lãi đều ghi nhận con số khả quan như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 24 tỷ đồng, tăng 97%; lãi thuần hoạt động khác 3,2 tỷ đồng, khả quan hơn mức lỗ 49 tỷ của cùng kỳ; kinh doanh ngoại hối cũng có lãi 12 tỷ, trong khi cùng kỳ lỗ 863 triệu đồng. Riêng hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư sụt giảm 56% về còn 24 tỷ đồng.

Kỳ này, NCB chỉ còn trích 48 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng, giảm mạnh 64% so cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần của NCB chỉ đạt gần 451 tỷ đồng, giảm mạnh 59% so cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của NCB ghi nhận lỗ gần 180 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm. Sau khi trừ chi phí hoạt động 697 tỷ và hơn 214 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, cùng 40 tỷ đồng xử lý theo phương án cơ cấu lại ngân hàng.

Trong báo cáo giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phía NCB cho biết thu nhập phi tín dụng của ngân hàng 9 tháng đầu năm tăng 173 tỷ đồng, tương đương 122%. Trong đó thu nhập thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng 76 tỷ đồng, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 34 tỷ đồng, thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên mức tăng phi tín dụng không thể bù đắp được mức giảm của thu nhập lãi, giảm 637 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng gần 69 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế của NCB âm gần 181 tỷ đồng và giảm 344 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Về tài sản, đến cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 78.198 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng ở mức 45.164 tỷ đồng, tăng trưởng 8,5%. Tiền gửi khách hàng không có nhiều biến động, ở mức hơn 64.334 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu trong kỳ của ngân hàng tăng cao. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng gấp 5,3 lần so với cùng kỳ từ 1.249 tỷ đồng lên 6.648 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu từ 3% cuối năm trước lên 14,72%.

Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gấp 4 lần từ 603 tỷ đồng lên 2.462 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng từ 181 tỷ đồng lên 2.831 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gấp hơn 3 lần lên 1.353 tỷ đồng.

Đức Chiến

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán