Ngân hàng Nhà nước bơm mạnh tiền vào hệ thống
Tiếp nối đà từ những phiên trước, ngày 23/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng bằng đồng VND tiếp tục tăng mạnh từ 0,48 – 0,57 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm hiện đã lên tới 5,18%/năm.
Như vậy, chỉ tính trong một tuần qua, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng tới 1,21 điểm %, một mức tăng rất đáng chú ý chỉ trong một thời gian ngắn.
Tương tự, lãi suất hầu hết kỳ hạn chủ chốt khác cũng tăng mạnh như kỳ hạn 1 tuần đã lên 5,3%/năm; kỳ hạn 2 tuần ở mức 5,4%/năm; kỳ hạn 1 tháng lên 5,46%/năm.
Dù vậy, chênh lệch lãi suất VND-USD kỳ hạn qua đêm hiện vẫn đang ở trạng thái âm.
Cùng với xu hướng tăng nhanh của lãi suất liên ngân hàng, thị trường cũng chứng kiến hoạt động “bơm tiền” mạnh trên kênh cầm cố thị trường mở (OMO) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Hôm qua, Nhà điều hành chào thầu 60.000 tỷ đồng với lãi suất giữ ở mức 4,5%.
Kết quả, có tới gần 43.064 tỷ đồng trúng thầu trong khi chỉ có 48,23 tỷ đồng đáo hạn. So với phiên trước đó, khối lượng trúng thầu OMO đã tăng hơn 18.000 tỷ đồng và là mức trúng thầu cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Song song, để hỗ trợ thanh khoản, kỳ hạn phát hành cũng được kéo dài từ 7 ngày lên 14 ngày.
Cũng trong phiên ngày 23/5, NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Kết quả, có 750 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 4,2%/năm, trong khi có 400 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Tựu chung lại, nhà điều hành đã bơm ròng 42.665,46 tỷ đồng ra thị trường trong phiên ngày hôm qua, với khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 56.690 tỷ đồng, khối lượng trên kênh cầm cố tăng lên mức 71.062,77 tỷ đồng.
Trong 2 phiên liên tiếp (ngày 22 - 23/5), NHNN liên tục điều chỉnh tăng lãi suất OMO và lãi suất phát hành tín phiếu. Động thái này của nhà điều hành được cho là nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn, từ đó giữ chênh lệch lãi suất USD và VND trên thị trường liên ngân hàng không bị mở rộng trở lại, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá.
Lãi suất là công cụ hữu hiệu nhất để kiểm soát đồng VND
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia kinh tế - tài chính, người sáng lập Think Future Consultancy, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng 4,9%, cao hơn cả mức mất giá của cả năm 2022 là 3,4%. Nếu tính từ khi NHNN bắt đầu phát hành tín phiếu để hút thanh khoản nhằm hỗ trợ tỷ giá (ngày 11/3), tỷ giá đã tăng 3,1%.
Theo ông Linh, năm nay, các hoạt động kinh tế ấm lên, kéo theo nhu cầu nhập khẩu cao, tỷ giá căng có lẽ là điều khó tránh khỏi.
Việc điều hành tỷ giá ổn định, rất cần sự linh hoạt, nhất là trong bối cảnh những yếu tố tác động bên ngoài khó lường. Lạm phát cao đã khiến Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa có động thái rõ ràng về việc có giảm lãi suất hay không. Một số nước như Indonesia thì lại vừa tăng lãi suất điều hành thêm 0,25% trong tháng 4/2024.
“Nhìn lại các năm vừa qua, chúng ta thấy có nhiều công cụ để kiểm soát tỷ giá mà NHNN có thể sử dụng. Các công cụ này có thể tóm gọn ở ba bước:
Bước 1 là hút thanh khoản, bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác để nâng lãi suất liên ngân hàng.
Bước 2 là bán dự trữ ngoại hối, có thể ít, có thể nhiều để thăm dò và ổn định thị trường.
Bước 3 là tăng lãi suất điều hành trong trường hợp các bước 1 và 2 chưa đủ để hạ nhiệt tỷ giá”, ông Linh nói.
Hiện nay, NHNN đã thực hiện bước 1 và 2. Vào ngày 19/4, NHNN đã thông báo bán dự trữ ngoại hối giao ngay (spot). Vào thời điểm đó, giá bán của NHNN được để ở mức 24.450 VND/USD, cao hơn so với tỷ giá tham chiếu 4,91%. Ngay khi có thông báo này, thanh khoản ngoại hối đã được cải thiện, một số đơn vị đã đẩy mạnh bán ra USD. Trong tuần cuối tháng 4/2024, tỷ giá đã chững lại và giảm, dù rất ít (giảm 0,06%) so với tuần trước đó.
Mặc dù các cơ quan quản lý đã rất nỗ lực để kiểm soát tỷ giá nhưng trong bối cảnh xuất siêu giảm và môi trường lãi suất thấp, giới chuyên môn dự báo áp lực lên cung cầu ngoại tệ sẽ còn kéo dài. Thực tế cho thấy, sau 4 tuần tạm lắng, tỷ giá lại bắt đầu nhích tăng, ví như ngày 22/5 vừa qua, tỷ giá ở chiều mua vào đã tăng lên 25.236đ/USD, tạo ra đỉnh cao mới.
Theo ông Linh, các giải pháp vừa qua là hút thanh khoản hay bán dự trữ ngoại hối sẽ khó đủ để tiếp tục ổn định tỷ giá trong thời gian dài. Trong bối cảnh đó, lãi suất có lẽ sẽ là công cụ hữu hiệu nhất để kiểm soát đồng VND.
Trần Thúy