Ngân hàng OCB huy động 1.200 tỷ đồng từ trái phiếu

30/09/2023 - 02:15
(Bankviet.com) Ngày 29/9, Sở giao dịch chứng khoán TP.Hà Nội (HNX) đã công bố kết quả phát hành trái phiếu của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB, HOSE: OCB).

Cụ thể, Ngân hàng OCB đã phát hành lô trái phiếu OCBL2326008 với khối lượng phát hành là 1.200 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/ trái phiếu. Theo đó, tổng giá trị phát hành của lô trái phiếu này là 1.200 tỷ đồng.

Ngân hàng OCB huy động 1.200 tỷ đồng từ trái phiếu
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB, HOSE: OCB).

Lô trái phiếu có thời hạn 3 năm, ngày đăng ký phát hành là 22/9/2023 và ngày đáo hạn là 22/9/2026, được phát hành ở thị trường trong nước và có lãi suất phát hành 6,4%/năm.

Được biết, đây là lô trái phiếu thứ 2 được ngân hàng này phát hành trong tháng 9 này và là đợt thứ 8 trong năm nay. Vưa qua, vào đầu tháng 9, ngân hàng này cũng phát hành lô trái phiếu mã OCBL2326007 với khối lượng phát hành là 1.000 trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng/ trái phiếu, tương ứng với tổng giá trị phát hành là 1.000 tỷ đồng.

Sau 8 đợt phát hành, Ngân hàng OCB đã huy động tổng cộng 9.200 tỷ đồng từ trái phiếu.

Trước đó, vào ngày 22/6, OCB đã công bố nghị quyết về việc chào bán và phát hành trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền hoặc không có bảo đảm/bảo lãnh thanh toán trong năm 2023.

Theo đó, ngân hàng này dự kiến sẽ phát hành tối đa 26.000 trái phiếu, mệnh giá tương ứng 1 tỷ đồng/trái phiếu. Như vậy, theo kế hoạch lượng trái phiếu này sẽ được phát hành thành 15 đợt, giá trị mỗi đợt từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng trong quý 2, 3 và 4/2023. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật.

Thời gian phân phối từng đợt của trái phiếu chào bán không vượt quá 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành đầu tiên.

Về mục đích sử dụng, số tiền thu về từ phát hành trái phiếu sẽ được dùng để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác phù hợp với quy định hiện hành.

Về tình hình kinh doanh tại OCB, theo dữ liệu tài chính quý 2/2023, Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt gần 1.261 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng OCB chỉ tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.818 tỷ đồng. Với các mảng kinh doanh, các mảng đều ghi nhận tăng trưởng trong quý 2 như lãi thuần hoạt động dịch tăng 9% lên 250,8 tỷ đồng.

Hai mảng chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều lỗ cùng kỳ năm trước nhưng đã ghi nhận lãi trong quý II năm nay. Mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận mức tăng mạnh nhất gấp gần 8 lần lên 62 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thu nhập lãi thuần tăng 6% lên 3.568 tỷ đồng, lãi thuần mảng chứng khoán đầu tư tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước lên 111 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản ngân hàng đạt 211.291 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cuối năm trước. Cho vay khách hàng cũng tăng 6,5% lên 127.572 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đạt 1.928 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cuối năm trước.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến thời điểm kết phiên giao dịch ngày 29/9, cổ phiếu OCB đang dừng ở mức 13.400 đồng/cp, giảm khoảng 23% so với thời điểm đầu năm (17.500 đồng/cp).

OCB được dự báo hoàn thành 97,9% kế hoạch năm 2023

Theo MBS, tăng trưởng tín dụng của OCB trong phần còn lại của năm 2023 sẽ duy trì đà tăng và đạt 12,5% cho cả năm dựa trên cơ sở đầu tư công được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm dẫn dắt tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tiêu dùng bán lẻ, xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu khả quan đáng kể. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trong 8 tháng đầu năm tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 19,2%). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm 13,1% so với cùng kỳ 8 tháng năm 2022.

Ngoài ra, hoạt động cho vay mua nhà và cho vay bán lẻ được kỳ vọng sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm 2023 khi nhu cầu tiêu dùng cao được tập trung vào hai quý cuối năm và các chính sách hỗ trợ gỡ khó cho ngành bất động sản đang được triển khai liên tục.

Theo MBS, trong nửa đầu năm 2023, biên lãi ròng (NIM) của Ngân hàng OCB đã suy giảm nhẹ về mức 3,8%. Tuy nhiên, chuyên gia MBS kỳ vọng NIM sẽ tăng lên mức 4% trong năm 2023 khi lãi suất huy động liên tục giảm kể từ quý 2/2023.

Theo MBS, điểm tích cực là NIM quý 2/2023 tại ngân hàng này ghi nhận mức tăng nhẹ trở lại so với quý 1. Trong đó, lãi suất cho vay trung bình 6 tháng tăng mạnh từ 10,3% cùng kỳ năm trước lên 12,7% cho thấy NIM giảm nhẹ chủ yếu do sự suy yếu mạnh của chi phí vốn - COF (tăng từ 3,9% lên 6,8%).

Tuy nhiên, việc lãi suất huy động liên tục giảm từ đầu năm 2023 và hiện tại đang về mức xấp xỉ đáy COVID-19. Theo đó, các chuyên gia MBS kỳ vọng rằng COF của OCB sẽ giảm về mức 5,1% cho cả năm 2023 (cao hơn 70 điểm cơ bản so với cả năm 2022). Ngoài ra, NIM cũng được kỳ vọng sẽ đạt 4% cho cả năm (tương đương với năm 2022.

Cùng với đó, MBS cũng lo ngại rủi ro đến từ nhu cầu tín dụng yếu. "Đặc biệt đối với các ngân hàng có quy mô nhỏ như OCB, việc phải giảm lãi suất nhằm cạnh tranh thị phần cho vay sẽ đồng thời khiến NIM giảm đi, bù đắp cho sự suy giảm của chi phí vốn", theo báo cáo của MBS.

Theo MBS, tỷ trọng nguồn thu ngoài lãi (NOI) tại OCB suy giảm trong 6 quý gần nhất, nguyên nhân chủ yếu do nguồn thu phí và lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chứng khoán (chiếm trung bình 75,5% tổng NOI trong 8 quý gần nhất) suy giảm mạnh.

Thu nhập lãi thuần của OCB đã tăng nhẹ 4,2% so với cùng kỳ cùng với các hoạt động ngoài lãi (NOI) tăng trưởng cao như đầu tư chứng khoán (tăng gần 5 lần), ngoại hối (tăng gần 6 lần) đã giúp lợi nhuận trước thuế tăng 47,2% so với cùng kỳ.

Cụ thể, thu nhập thuần ngoài lãi gia tăng mạnh chủ yếu nhờ các hoạt động kinh doanh vàng & ngoại hối (tăng 427% so với cùng kỳ) và hoạt động đầu tư chứng khoán (tăng 377% chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ), đưa tỷ trọng của 2 hoạt động này lên mức 50% tổng thu thuần ngoài lãi.

Với kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ còn một đợt giảm nữa trong năm 2023 đưa mức lãi suất điều hành về ngang bằng với mức đáy của giai đoạn dịch COVID-19, MBS cho rằng hoạt động đầu tư trái phiếu Chính phủ của OCB sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm 2023.

Các chuyên gia phân tích dự báo NOI của OCB sẽ đạt mức tăng trưởng 42,3% trong năm 2023 và 44,6% trong năm 2024 nhờ lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trái phiếu Chính phủ phục hồi.

Với những phân tích nói trên, MBS dự báo tổng thu nhập hoạt động kinh doanh (TOI) và lợi nhuận trước thuế của OCB trong năm 2023 lần lượt tăng 18,6% và tăng 33,9%. Theo đó OCB sẽ hoàn thành 97,9% kế hoạch đề ra trong năm 2023 dựa trên các giả định tăng trưởng tín dụng đạt 12,5%; NIM đạt 4%; Tỷ lệ NPL và LLR đạt lần lượt 3% và 50,1%;

Năm 2024, chuyên gia MBS kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ khả quan hơn với lợi nhuận trước thuế tăng 35,5% so với cùng kỳ 2023 nhờ vào tăng trưởng tín dụng đạt 15,8%; NIM tăng lên mức 4,2% (vẫn thấp hơn năm 2022 là 7,5%); CIR tăng lên mức 32% và chi phí trích lập dự phòng giảm vẫn duy trì tăng 19,4% so với 2023 khi nợ xấu vẫn còn khá cao so với trung bình ngành.

Vietcombank thông báo lùi lịch tổ chức Đại hội cổ đông bất thường sang cuối tháng 11

Mới đây, Ngân hàng Vietcombank vừa phát đi thông báo về việc thay đổi thời gian tổ chức Đại hội cổ đông bất thường sang ...

NHNN đã hút tổng cộng gần 90.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hút về thêm 20.000 tỷ đồng trong phiên 28/9 qua kênh tín phiếu. Sau 6 phiên giao dịch ...

Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hút ròng 90.000 tỷ qua kênh tín phiếu, bao giờ dừng lại?

Gần đây, thị trường tài chính Việt Nam ghi nhận tâm điểm đáng chú ý là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quay lại phát ...

Hoàng Long

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán