Ngân hàng trung ương đã nâng mục tiêu lãi suất cơ bản từ mức thấp kỷ lục 0,1% lên 0,35% và RBA báo hiệu nhiều đợt tăng sắp tới.
“Hội đồng quản trị đánh giá đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu dừng chương trình hỗ trợ tiền tệ bất thường, được đưa ra để giúp đỡ nền kinh tế Australia trong thời kỳ đại dịch,” Thống đốc RBA Philip Lowe cho biết trong một tuyên bố.
“Nền kinh tế đã được chứng minh là có khả năng phục hồi và lạm phát tăng nhanh hơn và ở mức cao hơn dự kiến. Cũng có bằng chứng cho thấy tăng trưởng tiền lương đang tăng lên. Với điều này, và mức lãi suất rất thấp, rất thích hợp để bắt đầu quá trình bình thường hóa các điều kiện tiền tệ.”
Việc nâng lãi suất được kỳ vọng sau khi lạm phát giá tiêu dùng tăng đột biến trong quý I/2022, với cả lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản đều leo lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, quy mô của mức tăng lớn hơn 10 điểm cơ bản so với mức tăng 0,15 điểm phần trăm, một điều bất ngờ khiến giá cổ phiếu tụt giảm và đồng đô la Úc tăng giá.
Các ngân hàng Commonwealth, ANZ và Westpac đã thông báo sẽ có những bước đi phù hợp với động thái của RBA và tăng tỷ lệ cho vay mua nhà lên cùng 25 điểm cơ bản.
Mặc dù hầu hết các nhà kinh tế đều mong đợi việc tăng lãi suất, song động thái tăng lãi suất này được đưa ra bất chấp sự đảm bảo trước đó của Thống đốc Lowe rằng việc nâng lãi suất còn phải chờ xem số liệu lạm phát cũng như dữ liệu tiền lương - các số liệu này sẽ chỉ có cho đến ngày 18/5.
Một số nhà kinh tế cho rằng việc không đưa ra tín hiệu về động thái tăng lãi suất có thể làm hỏng sự tin cậy của các bình luận trong tương lai từ Thống đốc Lowe và RBA.
Trong khi việc tăng lãi suất sẽ gây tổn hại cho những người đi vay, những người có tiền gửi sẽ vui mừng sau nhiều năm lãi suất ít hoặc không có lãi. Việc tăng lãi suất cho vay và tiền gửi sẽ được các ngân hàng thương mại thực hiện nhưng quy mô của việc tăng và tốc độ điều chỉnh chắc chắn sẽ cần xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt khi các đợt tăng lãi suất nhiều khả năng sẽ sớm được thực hiện.
Thống đốc Lowe nói: “Lạm phát đã tăng lên đáng kể và nhiều hơn dự kiến, mặc dù vẫn thấp hơn so với hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác”.
“Sự gia tăng của lạm phát phần lớn phản ánh các yếu tố toàn cầu. Tuy nhiên, những hạn chế về năng lực trong nước ngày càng đóng vai trò quan trọng và áp lực lạm phát ngày càng lớn, các công ty cần chuẩn bị sẵn sàng hơn để vượt qua sự gia tăng chi phí đối với giá tiêu dùng”, ông nhận định.
(Nguồn: The Guardian)