Ông Hideo Kumano, kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life, cho biết: “Rất có khả năng BOJ sẽ chìm trong báo động đỏ”.
Các nhà phân tích nói thêm rằng tính độc lập của tổ chức này có thể bị đe dọa nếu trở thành một đơn vị thua lỗ.
Họ lưu ý rằng BOJ hiện trong cuộc đua cắt giảm quy mô nắm giữ trái phiếu của mình để có thể giảm các nghĩa vụ tiền gửi và rủi ro đi kèm.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản có bảng cân đối kế toán trị giá 750 nghìn tỷ Yên (4,7 nghìn tỷ USD). Phần lớn số tài sản nắm giữ của tổ chức này liên quan đến các khoản tiền gửi phải trả lãi từ các tổ chức tài chính tư nhân.
Tổng số tiền này hiện khoảng 470 nghìn tỷ Yên, tương đương khoảng 3 nghìn tỷ USD và lãi suất phải trả là khoảng 0,1%.
Do BOJ đang tìm cách tăng lãi suất ngắn hạn nên các khoản thanh toán lãi có thể sẽ tăng lên. Nếu ngân hàng trung ương tăng lãi suất lên 1%, họ phải trả gần 5 nghìn tỷ Yên tiền lãi hằng năm. Tổng lợi nhuận của các ngân hàng Nhật Bản trên toàn quốc là khoảng 4,1 nghìn tỷ Yên trong năm tài chính 2022.
Khi lãi suất tăng, ngân hàng trung ương sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản tiền gửi, dẫn đến sự chênh lệch giữa số tiền phải trả và số tiền nhận được từ trái phiếu mà mình nắm giữ.
Tại thời điểm nào đó, tổ chức này có thể bắt đầu mất tiền.
Ông Takahide Kiuchi, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura, ước tính trong một báo cáo được công bố vào tháng 1 rằng BOJ sẽ gặp khó khăn nếu tăng lãi suất chuẩn lên 0,6%.
Hầu hết lợi nhuận của BOJ được trả cho chính phủ, và kể từ khi Đạo luật Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - giúp ngân hàng trung ương có được vị độc lập hơn - được thông qua vào năm 1998, BOJ chưa có năm nào bị thâm hụt.
Trong năm tài chính 2023, chính phủ đã nhận được số tiền kỷ lục 2,17 nghìn tỷ Yên từ ngân hàng trung ương, khoản tiền này tương đương gần 2% tổng ngân sách của chính phủ.
Ông Kumano cho biết khi thảo luận về hậu quả của việc lãi suất tăng nhanh: “Chính phủ sẽ mất doanh thu và điều đó sẽ gây ra thiệt hại lớn”.
Ông nói thêm rằng việc BOJ có thực sự lỗ hay không sẽ phụ thuộc vào tốc độ tăng lãi suất và tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Theo các nhà phân tích, sự độc lập của ngân hàng trung ương có thể bị đe dọa nếu thay vì lợi nhuận lại trở thành thua lỗ vì tổ chức này có thể phải đối mặt với các cuộc tấn công chính trị.
Kumano, cựu quan chức BOJ, cho biết: “Nếu chính phủ bắt đầu nói rằng thâm hụt là không tốt thì quyền tự do hoạch định chính sách sẽ bị hạn chế”.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng từng phải giải quyết vấn đề này. Năm ngoái, tổ chức này đã ghi nhận số lỗ hoạt động 114,3 tỷ USD do lãi suất tăng nhanh và tổ chức này phải trả nhiều tiền lãi tiền gửi hơn.
FED cũng không quá coi trọng việc khả năng thua lỗ sẽ cản trở họ thực hiện sứ mệnh của mình.
Ngay cả khi “thu nhập ròng tạm thời chuyển sang âm, FED vẫn có thể đáp ứng mọi trách nhiệm của mình”, cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ đã viết trong một ghi chú hồi tháng 7/2022.
Tháng 9 năm ngoái, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã đưa ra một số đảm bảo về khả năng ngân hàng trung ương thực hiện công việc của mình trong trường hợp xảy ra thua lỗ.
Ông lưu ý: “Khả năng thực hiện chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương không bị suy giảm do sự suy giảm tạm thời về lợi nhuận và vốn”.
“Các ngân hàng trung ương là duy nhất xét về cơ cấu lợi nhuận và chức năng là nhà phát hành tiền giấy. Các ngân hàng trung ương có những khía cạnh không thể so sánh được với các tổ chức tài chính tư nhân hoặc các tập đoàn kinh doanh,” ông Ueda nói thêm.
BOJ đã sẵn sàng cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán của mình. Họ đang có kế hoạch cắt giảm việc mua trái phiếu chính phủ, điều này dẫn đến việc giảm ròng số nợ sở hữu do trái phiếu trên sổ sách đã đáo hạn.
Việc giảm mua trái phiếu phù hợp với nỗ lực của họ nhằm cho phép lãi suất dài hạn được thị trường định hướng nhiều hơn. Việc giảm ròng trái phiếu sở hữu cũng có thể giúp ổn định đồng Yên, hiện được giao dịch ở mức thấp nhất trong 38 năm qua.
Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu giảm thiểu rủi ro lãi suất cũng có thể buộc ngân hàng trung ương phải cắt giảm việc mua trái phiếu chính phủ.
BOJ hiện mua khoảng 6 nghìn tỷ Yên trái phiếu mỗi tháng. Họ cho biết sẽ trình bày kế hoạch giảm lượng mua sau cuộc họp tháng 7.
Một số nhà phân tích cho rằng sự thiếu rõ ràng về việc giảm mua trái phiếu là một lý do khiến đồng Yên chạm mức thấp gần đây, vì điều này cho thấy sự không chắc chắn về cam kết thắt chặt chính sách tiền tệ của BOJ.
V.A