Gỡ khó tín dụng bất động sản: Những kiến nghị từ thực tế Nghệ An: Bất động sản hạ nhiệt sau cơn "sốt ảo" |
Doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn
Ông Nguyễn Đình Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Kim Thi ở TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) cho biết, thời điểm này công ty đang xây dựng khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam ở xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc với diện tích đất là gần 34.000m2, tổng mức đầu tư là 320 tỷ đồng, tuy nhiên thời điểm này đang gặp khó khăn về vốn.
Cho vay bất động sản của các ngân hàng trên địa bàn Nghệ An chỉ chiếm 8,1% tổng dư nợ. Ảnh: Một góc thành phố Vinh (Nghệ An) |
Thời gian qua, đối với các doanh nghiệp ở mảng bất động sản, đặc biệt là nhà ở xã hội chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nào. Chính vì vậy, giá thành của căn hộ được đẩy lên cao.
"Doanh nghiệp khó tiếp cận với các gói ưu đãi vì các điều kiện từ phía ngân hàng quá khắt khe. Sau khi cho vay, muốn được Nhà nước hỗ trợ lãi suất theo quy định thì phải làm rất nhiều thủ tục phức tạp... khó khăn tiếp nữa là lãi suất cho vay thời điểm này rất cao, yêu cầu tài sản đảm bảo cũng quá cao...", ông Nguyễn Đình Dũng cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Dũng: “Khi Chính phủ nói tháo gỡ cho bất động sản, xây dựng nhà ở xã hội được ưu tiên nhưng doanh nghiệp như chúng tôi không tiếp cận được vốn, ngân hàng thương mại nói không có room…”.
Đơn cử, với dự án nhà ở đang triển khai ở huyện Nghi Lộc, doanh nghiệp cần vay hơn 120 tỷ đồng, song khó vay thương mại trung, dài hạn nên phải vay tiêu dùng ngắn hạn lãi suất cao hơn 11%. Vay đầu tư kinh doanh nhưng phải vay ngắn hạn, đến hạn phải đảo nợ rất vất vả.
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, năm 2023 là thử thách sự sống còn của doanh nghiệp bất động sản |
Đại diện một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng: Về phía ngân hàng cần có chính sách rõ ràng, minh bạch với các gói ưu đãi, nhất là nhà ở xã hội. Lãi suất tín dụng cần cân đối chi phí để giảm thiểu lãi suất cho vay; cần linh hoạt hơn về tài sản đảm bảo... Chia sẻ với phóng viên, một số nhà đầu tư kinh doanh bất động sản cho rằng, để gỡ khó cho thị trường hiện nay, điểm cốt lõi là ngân hàng cần hạ lãi suất cả huy động và cho vay.
Đại diện sàn bất động sản Đất Xanh cho hay, thực tế hiện nay, lãi suất tiết kiệm mặc dù đã có hạ so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, nhưng vẫn đang hấp dẫn hơn nhiều kênh đầu tư khác nên dòng tiền chảy vào ngân hàng. Chỉ khi lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn, nhiều người sẽ cân nhắc đầu tư vào bất động sản. Đồng thời, ngân hàng cũng nên hạ lãi suất cho vay để gỡ khó cho cả chủ đầu tư và người mua.
Hiện nay, nhiều ngân hàng vẫn đang huy động với lãi suất trên 10%, cho vay 12%, thậm chí là 16%/năm. Trước áp lực lãi suất ngân hàng, thời điểm này tại Nghệ An nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã phải bán cắt lỗ để đẩy hàng trả nợ.
Ngân hàng vẫn cấp tín dụng cho bất động sản
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, địa phương này vẫn luôn nằm trong Top đầu cả nước về huy động và dư nợ. Cuối năm 2021, Nghệ An là tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ về huy động và dư nợ; đứng thứ 6 cả nước về huy động vốn và đứng thứ 4 về dư nợ cho vay.
Về dòng vốn tín dụng, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Nghệ An đến đầu tháng 2/2023 ước đạt 263.129 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 2.605 tỷ đồng, bằng 1% (tốc độ tăng năm 2022 là 2,2%). Trong đó, dư nợ trung, dài hạn ước chiếm 41,24% tổng dư nợ.
Room tín dụng hạn chế đẩy lãi vay bất động sản tăng cao |
Dư nợ một số chương trình tín dụng đến cuối tháng 1/2023, cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và địa bàn nông thôn ở Nghệ An ước là 124.867 tỷ đồng, chiếm 45,6% dư nợ toàn địa bàn; Cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ước đạt 20.126 tỷ đồng, chiếm 7,3% tổng dư nợ toàn địa bàn; Cho vay xuất khẩu ước đạt 3.150 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 0,8%; Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/01/2013 của Chính phủ ước còn 150 tỷ đồng; Cho vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ước còn 183 tỷ đồng.
Riêng với lĩnh vực bất động sản, dư nợ cho vay thấp, đến ngày 31/12/2022, cho vay đạt 21.955,6 tỷ đồng, chiếm 8,1% tổng dư nợ.
Đơn cử, tại các ngân hàng, đặc biệt là nhóm 4 “ông lớn” BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản nhìn chung rất thấp, chủ yếu cho vay cá nhân mua nhà, sửa chữa nhà ở… Chẳng hạn, dư nợ của Viettinbank chi nhánh Nghệ An hiện đạt trên 11.000 tỷ đồng, nhưng cho vay bất động sản chỉ chiếm 3-4% tổng dư nợ; hay dư nợ của BIDV chi nhánh Nghệ An đạt 22.000 tỷ đồng, nhưng cho vay bất động sản chỉ 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng trên địa bàn đều khẳng định: Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản; mà chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn… để đảm bảo an toàn hệ thống.
Còn đối với tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng như các lĩnh vực khác. Tuy vậy, người mua muốn vay cũng phải chứng minh khả năng trả nợ và mua dự án có tính thanh khoản tốt; tiền cho vay ra phải được thu về, đảm bảo an toàn nguồn vốn.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nghệ An - ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết: “Lo ngại nhất là tính pháp lý của dự án. Lâu nay, chúng tôi luôn sẵn sàng cho vay nhà ở cá nhân, chủ đầu tư dự án có pháp lý rõ ràng, đủ điều kiện, năng lực chủ đầu tư tốt, thị trường đầu ra tốt. Lãi suất huy động đang trên đà giảm, là điều kiện để cho vay giảm, hy vọng thị trường tới đây sẽ tốt hơn…”.
Đồng quan điểm về tính pháp lý của dự án, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Nghệ An chia sẻ, lo ngại nhất là tính pháp lý của dự án. Việc mua bán đất cá nhân cơ bản rõ ràng, nhưng với các dự án vấn đề vướng pháp lý lại đang khá phổ biến hiện nay. “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và xử lý với yêu cầu khách hàng đảm bảo đủ điều kiện; những dự án có pháp lý, chủ đầu tư có uy tín sẽ được giải ngân”, ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cũng cho hay, trong năm 2023 sẽ tập trung kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Hoàng Trinh