Ngành Công Thương đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về năng lượng

18/09/2023 - 20:04
(Bankviet.com) Về lĩnh vực Công Thương, theo Phó Tổng thư ký Quốc hội, các nội dung theo Nghị quyết số 134/2020/QH14, trong đó có năng lượng đã được thực hiện nghiêm túc
PC Nam Định: Nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm cung ứng điện Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện

Xử lý hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo

Sáng 18/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Trong đó có nội dung kết quả thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Giải pháp bảo đảm cung ứng điện được ngành Công Thương quan tâm thực hiện
Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần tại phiên họp

Trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết (tóm tắt), Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết số 134/2020/QH14, Nghị quyết số 41/2021/QH15 và Nghị quyết số 61/2022/QH15), các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy được hiệu quả, nhiều chỉ số quan trọng đã tăng trưởng đáng kể, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Đã hoàn thành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương về đầu tư công. Công tác thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi đạt được một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn thấp, tiến độ lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh còn rất chậm. Việc triển khai một số nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Nợ đầu tư xây dựng cơ bản chưa được khắc phục triệt để. Việc thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho các dự án có quy mô lớn, kết nối hạ tầng liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn ít so với tiềm năng.

Về lĩnh vực tài chính (được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết 134/2020/QH14, Nghị quyết số 62/2022/QH15 và Nghị quyết số 74/2022/QH15), các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: Việc cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý tài sản công được nâng cao; nợ công trong mức cho phép.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều chuyển biến. Việc kịp thời giảm thuế VAT đã giúp người dân bớt gánh nặng chi phí, khuyến khích tiêu dùng, kích cầu kinh tế; việc cải cách quy trình, thủ tục lĩnh vực thuế được quan tâm.

Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm. Tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công diễn ra khá phổ biến. Việc chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa kịp thời, chưa nghiêm. Hệ thống pháp luật về thuế chậm được sửa đổi.

Về lĩnh vực ngân hàng (được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 62/2022/QH15), các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: Các giải pháp thu hút ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước được triển khai tích cực.

Các hoạt động thanh tra, giám sát được tăng cường, đổi mới. Xử lý có hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Tín dụng tăng trưởng khá hợp lý, chất lượng tín dụng được cải thiện.

Tuy nhiên, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm. Thiếu chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn.

Công tác chống buôn lậu đạt nhiều kết quả tích cực

Về lĩnh vực Công Thương (được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết số 134/2020/QH14), Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần khẳng định, các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoach phát triển điện lực quốc gia đã được ban hành. Các giải pháp bảo đảm cung ứng điện nhằm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội được quan tâm thực hiện.

Giải pháp bảo đảm cung ứng điện được ngành Công Thương quan tâm thực hiện
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tham dự Phiên họp

Cơ sở dữ liệu quốc gia về các đập, hồ chứa thủy điện được xây dựng. "Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt nhiều kết quả tích cực" - bà Nguyễn Thị Thúy Ngần nói.

Tuy nhiên, việc xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam và bộ tiêu chí xuất xứ dùng để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa được ban hành. Việc bố trí, huy động các nguồn lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ còn chưa tương xứng...

Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: Quy hoạch Phòng chống thiên tai và thủy lợi; các Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” đã được ban hành.

Cả nước đã có 2.297 hợp tác xã nông nghiệp thành lập được doanh nghiệp trong hợp tác xã, 1.718 hợp tác xã đã triển khai ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số. Việc đo đạc, cắm mốc ranh giới và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp cơ bản hoàn thành.

Tuy nhiên, việc ban hành các quy hoạch ngành quốc gia còn chậm. Một số chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí về nông thôn mới chưa phù hợp với từng địa phương, vùng, miền; một số văn bản hướng dẫn còn chưa cụ thể hoặc khó thực hiện. Số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số còn thấp. Việc sáp nhập Trạm Thú y triển khai còn thiếu đồng bộ. Việc sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm.

Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông (được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 75/2022/QH15), các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: Hoạt động chuyển đổi số quốc gia được triển khai tích cực.

Mạng lưới công nghệ thông tin ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được quan tâm triển khai. Việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được tăng cường.

Pháp luật về quản lý viễn thông, báo chí, thông tin và truyền thông trên không gian mạng được hoàn thiện. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thông tin được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, việc triển khai quy hoạch báo chí còn chậm; việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn; vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí còn diễn ra tương đối phổ biến. Việc phủ sóng di động ở nhiều thôn/bản còn khó khăn.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương