|
Theo VNDIRECT, mặc dù bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng do USD mạnh hơn, chính sách ZeroCOVID của Trung Quốc và khủng hoảng Nga – Ukraine có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu thô, giá dầu sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023 do lệnh cấm vận của EU sẽ khiến sản lượng dầu thô của Nga giảm trong năm 2023 và OPEC+ phát đi tín hiệu rằng nhóm sẽ luôn sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ giá dầu. Do đó, giá dầu Brent được kỳ vọng đạt mức trung bình khoảng 90 USD/thùng trong năm 2023.
Trong nước, do giá dầu dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao, nhu cầu đối với các dịch vụ Dầu khí sẽ tăng dần trong những năm tới. Bên cạnh đó, Luật Dầu khí sửa đổi hứa hẹn sẽ giúp thu hút đầu tư vào phân khúc thượng nguồn tại Việt Nam. Nhìn chung, một số dự án Thăm dò và Khai thác (E&P) như Lô B, Nam Du – U Minh và Kình Ngư Trắng sẽ có khả năng khởi động trong vòng hai năm tới, trước hết sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ Dầu khí (EPC, khoan) trong những năm tới.
VNDIRECT đánh giá sang năm 2023, các nhà phân phối lớn trong lĩnh vực dầu khí có thể phục hồi nhờ nguồn cung trong nước ổn định trở lại, điều chỉnh chi phí định mức tính giá xăng dầu và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam.
Trước đó, năm 2022 là một năm khó khăn đối với các nhà phân phối xăng dầu do sự bất ổn của thị trường đến từ sự cố tại lọc dầu Nghi Sơn trong 6 tháng và các chi phí liên quan tăng cao trên toàn cầu.
Trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng, doanh nghiệp có tình hình tài chính vững mạnh và rủi ro tối thiểu trước việc đồng USD mạnh hơn sẽ không chỉ dễ dàng vượt qua khó khăn mà còn có thể hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao. Chúng tôi nhận thấy một số doanh nghiệp Dầu khí (GAS, PVS) đã tích lũy được một lượng tiền mặt ròng rất lớn trong nhiều năm qua nhờ mô hình kinh doanh vững mạnh, giúp củng cố vị thế của DN trong thị trường nhiễu động hiện nay.
Trong bối cảnh thị trường đầy biến động hiện nay, VNDIRECT hướng tới những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính vững mạnh, chiếm ưu thế trong lĩnh vực kinh doanh của họ và có thể hưởng lợi từ môi trường giá dầu cao như GAS và PVS. Ngoài ra, doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn như PLX sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023. Tuy nhiên, cũng có một số rủi ro giảm giá nếu giá dầu thấp hơn dự kiến và các dự án lớn tiếp tục bị trì hoãn.
GAS là một lựa chọn đầu tư hấp dẫn trong giai đoạn bất ổn hiện nay nhờ vào số dư tiền mặt ròng dồi dào khoảng 27.000 tỷ đồng vào cuối quý III/2022 và rủi ro ở mức tối thiểu trước biến động tỷ giá. Công ty có vị thế thống trị trong một ngành có rào cản gia nhập cao tại Việt Nam như kinh doanh và phân phối khí. Nếu môi trường giá dầu duy trì ở mức cao (trên 80 USD/thùng) dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2024, điều này sẽ hỗ trợ cho biên lợi nhuận gộp của GAS duy trì quanh mức 19% trong năm 2023-2024. Nhìn chung, chúng tôi dự báo GAS sẽ đạt lợi nhuận ròng kỷ lục trong năm 2022 với mức tăng trưởng 63%. Lợi nhuận có khả năng giảm 1,1%-3,2% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024 do mức nền cao của năm 2022 và giá dầu dần hạ nhiệt.
PVS được dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng là 26,7% trong giai đoạn 2022-2024. Trong ngắn hạn, các liên doanh FSO/FPSO vẫn sẽ là nguồn đóng góp vững chắc vào kết quả kinh doanh của PVS, chiếm 89%-77%-68% lợi nhuận ròng trong năm 2022-2024. Trong dài hạn, các doanh nghiệp đầu ngành cung cấp dịch vụ kỹ thuật Dầu khí tại Việt Nam như PVS sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư tiềm năng vào ngành năng lượng, đặc biệt là các dự án phát triển mỏ khí lớn như Lô B và xu hướng đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Doanh nghiệp có lượng tiền mặt ròng dồi dào hơn 8.600 tỷ đồng (tương đương 18.000 đ/cổ phiếu) tại cuối quý III/2022 sẽ giúp công ty hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng.
Bùi Trang