Ngành Năng lượng: Tăng trưởng mạnh mẽ hoạt động E&P với kế hoạch vốn đầu tư kỷ lục từ PVN

03/01/2025 - 19:00
(Bankviet.com) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu trong ngành năng lượng với những bước tiến lớn trong năm 2024 và kế hoạch đầy tham vọng cho năm 2025. Theo báo cáo, doanh thu năm 2024 của PVN đạt 600 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 5%, đạt 38,5 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) của PVN tăng mạnh 49%, lên mức 38,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 79% mục tiêu cả năm. Trong đó, lĩnh vực thăm dò và khai thác (E&P) được ưu tiên với mức đầu tư 23,4 nghìn tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ dự án Lô B, khởi công từ tháng 9/2024 sau khi hoàn tất các hợp đồng EPCI#1 và EPCI#2.

Năm 2025, PVN đặt mục tiêu doanh thu tăng 36% lên 813 nghìn tỷ đồng, với vốn đầu tư XDCB dự kiến đạt 50,9 nghìn tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước, gần gấp đôi mức đỉnh 2015. Khoảng 74% nguồn vốn (37,6 nghìn tỷ đồng) sẽ được phân bổ cho các dự án trọng điểm, bao gồm Lô B, nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất, và xây dựng các nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4.

Ngành Năng lượng: Tăng trưởng mạnh mẽ hoạt động E&P với kế hoạch vốn đầu tư kỷ lục từ PVN
Năm 2025, PVN đặt mục tiêu doanh thu tăng 36% lên 813 nghìn tỷ đồng, với vốn đầu tư XDCB dự kiến đạt 50,9 nghìn tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước

Về tiến độ Dự án Lô B - Ô Môn, ở phân khúc thượng nguồn, Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) báo cáo tiến độ tổng thể EPCI#1 đạt 12,82% và EPCI#2 đạt 24,39% tính đến ngày 13/12/2024, sau khi khởi công vào tháng 9/2024. Với việc dự kiến đón dòng khí đầu tiên vào tháng 8/2027, PQPOC có kế hoạch trao hợp đồng cho thuê kho chứa dầu nổi (FSO) trong quý 1/2025 và bắt đầu khoan vào quý 1/2026.

Trong khi đó, ở phân khúc trung nguồn, Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) báo cáo rằng hợp đồng EPCI đường ống dẫn khí trên bờ đã hoàn thành 90% công việc thiết kế vào cuối năm 2024. Trong năm 2025, SWPOC có kế hoạch hoàn thành đường ống trên bờ và trao thầu toàn diện đối với hợp đồng đường ống dẫn khí ngoài khơi.

Theo Chứng khoán Vietcap, dự án Lô B sẽ cung cấp khối lượng công việc bền vững cho ngành dầu khí Việt Nam, theo đó, các doanh nghiệp được hưởng lợi từ dự án bao gồm PVS, PVD, GAS, PVB và PVC

Trong đó, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) nổi bật là doanh nghiệp được hưởng lợi sớm nhất từ Lô B.

Dự án Lô B đã chính thức khởi công vào tháng 09/2024, đưa PVS trở thành bên hưởng lợi sớm nhất. Vào ngày 03/09/2024, Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) đã trao toàn bộ Hợp đồng tư vấn, thiết kế - mua sắm thiết bị - xây dựng, vận chuyển lắp đặt (EPCI) #1 trị giá 1,1 tỷ USD cho các nhà thầu McDermott của Mỹ và PVS (phần của PVS ước tính trị giá 550 triệu USD). Ngoài ra, vào ngày 18-19/09, PQPOC đã bắt đầu gia công chế tạo HUB/các giàn đầu giếng (WHP) theo hợp đồng EPCI#2, với giá trị hợp đồng của PVS là 400 triệu USD.

Ngành Năng lượng: Tăng trưởng mạnh mẽ hoạt động E&P với kế hoạch vốn đầu tư kỷ lục từ PVN
Dự báo của Vietcap cho đơn hàng M&C của PVS
Là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và là công ty trong nước duy nhất cung cấp tất cả các dịch vụ kỹ thuật dầu khí (trừ dịch vụ khoan), PVS chiếm thị phần áp đảo ở các ngành liên quan, như thị phần dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí (97%), cơ khí dầu khí, dịch vụ căn cứ cảng (mảng cảng, 100%), và dịch vụ kho nổi (FSO/FPSO, 60%). PVS sở hữu và vận hành đội tàu gồm 21 tàu dịch vụ, 3 kho nổi FSO và 2 kho nổi FPSO.

Theo đó, VCI Research ước tính lợi nhuận từ các hợp đồng đã ký (EPCI#1, #2, và #3), cùng với các hợp đồng EPCI tiềm năng cho 42 giàn đầu giếng, và các hợp đồng cho thuê FSO, có thể sẽ tạo ra 393 triệu USD LNST trong giai đoạn 2024- 2050, và đóng góp trung bình 24% vào LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2024-2028 của PVS.

Ở một diễn biến khác, dự án Lô B được kỳ vọng là cơ hội quan trọng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD). Theo ước tính, tổng giá trị hợp đồng từ dự án này có thể đạt 2,5 tỷ USD trong giai đoạn 2026-2050, với lợi nhuận sau thuế (LNST) ước tính khoảng 294 triệu USD.

Cụ thể, dự án Lô B bao gồm 944 giếng dầu nằm trong các mỏ khí, và chiến dịch khoan này dự kiến sẽ được thực hiện bằng 2 giàn khoan xuyên suốt từ năm 2026 đến năm 2050. Đây được xem là một nguồn backlog quan trọng, đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh của PVD trong dài hạn.

Dù chưa công bố kế hoạch khoan chi tiết, VCI Research đã đưa ra hai kịch bản tiềm năng cho Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD): Cho thuê 2 giàn khoan JU thuộc sở hữu của công ty hoặc cho thuê lại 2 giàn khoan JU đã thuê.

Theo VCI Research, lợi nhuận từ các hoạt động khoan và giếng khoan sẽ đóng góp khoảng 37 triệu USD vào lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số (LNST sau lợi ích CĐTS) của PVD trong giai đoạn 2026-2028, chiếm khoảng 18% LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2026-2027. Đáng chú ý, VCI Research dự báo lợi nhuận từ dự án Lô B sẽ đóng góp tới 257 triệu USD cho PVD trong giai đoạn 2029-2050.

PVD là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và là công ty hàng đầu Việt Nam về cung cấp các dịch vụ khoan dầu khí. PVD có thị phần lớn trong tất cả các mảng kinh doanh chính như 50% trong mảng dịch vụ khoan và 55%-100% dịch vụ giếng khoan. Đội giàn khoan của PVD bao gồm 4 giàn khoan tự nâng, 1 giàn tiếp trợ khoan và 1 giàn khoan trên đất liền.
VCBS nhận định tiềm năng ngành điện năm 2025 với sản lượng tăng 11,3%

VCBS dự báo ngành điện Việt Nam năm 2025 tăng trưởng mạnh với sản lượng điện tăng 11,3% so với 2024. Tuy nhiên, miền Bắc ...

Cổ phiếu ngành thực phẩm và đồ uống: Tăng trưởng trái chiều, kỳ vọng từ thương hiệu mạnh

Năm 2024, cổ phiếu ngành thực phẩm và đồ uống ghi nhận mức tăng trưởng 23%, vượt qua VN-Index, nhờ sự bứt phá của MCH ...

Hoàng Anh

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán