Ngành Ngân hàng tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn tín dụng

26/04/2023 - 20:02
(Bankviet.com) Ngày 25/4/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư số 02). Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị.
Ngày 25/4/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (Thông tư số 02). Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị.

Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã, các ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính

NHNN chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống TCTD triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, căn cứ diễn biến, tình hình thực tế về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02, Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích đánh giá lại công tác tín dụng những tháng đầu năm 2023, định hướng triển khai trong thời gian tới và thông tin rộng rãi đến toàn Ngành về việc triển khai Thông tư số 02.
 

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị

Nhìn nhận năm 2022 và đầu năm 2023, nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, lạm phát vẫn cao; rủi ro bất ổn tài chính khi một số ngân hàng tại Mỹ, châu Âu khó khăn, đóng cửa; hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung gặp nhiều khó khăn; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp... Bối cảnh đó đã đặt ra nhiều sức ép và thách thức đan xen đối với hoạt động tín dụng của ngành Ngân hàng. Một mặt, cầu tín dụng của nền kinh tế giảm do 3 động lực tăng trưởng suy yếu (gồm cầu đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh, cầu tiêu dùng giảm và giải ngân đầu tư công chậm), ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế.

Trên cơ sở được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5%, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, ngay những tháng đầu năm 2023, NHNN đã điều hành rất linh hoạt, sử dụng đến mức tối đa những công cụ, dư địa của chính sách tiền tệ. Thứ nhất, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, cho từng TCTD và thanh khoản cho toàn hệ thống ngân hàng. Thứ hai, từ đầu năm đến nay, NHNN đã hai lần giảm lãi suất điều hành, đây vừa là công cụ điều hành, là thông điệp, tín hiệu cho thị trường, vừa là chỉ đạo, vận động các NHTM giảm lãi suất huy động và cho vay. Thứ ba, NHNN đã tạo nhiều điều kiện tích cực (như đối với thị trường bất động sản, NHNN chưa bao giờ siết tín dụng bất động sản, mà chỉ là kiểm soát chặt chẽ rủi ro vào một số lĩnh vực bất động sản đầu cơ...; gói 120.000 tỉ đồng đã được kích hoạt từ 01/4/2023 tạo ra hiệu ứng chung cho thị trường). Thứ tư, ban hành chính sách hoãn, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ có ý nghĩa tác động trực tiếp để giảm bớt các khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay. Thứ năm, liên quan đến thị trường trái phiếu, NHNN đang từng bước phối hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, trong đó có việc ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN.

Thông tin tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang cho biết: Trước yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đã chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các TCTD triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng không hạ chuẩn cấp tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

Bên cạnh đó, NHNN đã tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn tín dụng như: (i) Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD; (ii) Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tài chính tiêu dùng lên tới 20.000 tỉ đồng của Công ty Tài chính HD Saison và Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC cho công nhân vay với lãi suất ưu đãi; (iii) Phối hợp các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các hội nghị tín dụng chuyên đề (doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực…) nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; (iv) Tích cực triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... Theo đó, tính đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỉ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kì năm 2022.

Ngành Ngân hàng nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững

Nói về lĩnh vực bất động sản, bà Hà Thu Giang cho biết: Thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, NHNN đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị thuộc NHNN triển khai Nghị quyết. Đồng thời, ngày 24/4/2023, NHNN đã có Công văn số 2931/NHNN-TD chỉ đạo TCTD: (i) Tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lí, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao; (ii) Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung/bất động sản không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản; (iii) Kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan đến cổ đông của TCTD, cho vay chéo..., cân đối tỉ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản một cách hợp lí, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn, nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn; (iii) Kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN về những khó khăn, vướng mắc trong công tác tín dụng và báo cáo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án bất động sản trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn về quy trình, thủ tục pháp lí, quy định pháp luật trong triển khai thực hiện dự án...
 

Toàn cảnh Hội nghị
 
Về chương trình 120.000 tỉ đồng, NHNN đã khẩn trương có Văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 01/4/2023 hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các NHTM và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn; chương trình đã triển khai từ ngày 01/4/2023. Phía Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 về danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được tham gia đầu tư xây dựng, mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Thông tư số 02 là kịp thời và cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, kết quả tín dụng trong những tháng đầu năm đặt ra cho NHNN và ngành Ngân hàng bài toán cần trả lời trước các cơ quan nhà nước về đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh, vốn cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống; trong khi nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong trả nợ các khoản vay tại các TCTD, nguy cơ nhảy nhóm nợ là rất cao, dẫn tới khó để tiếp tục tiếp cận vốn vay duy trì và khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 và Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 tạo điều kiện hoạt động cho ngành Ngân hàng. Trên cơ sở đó, Thông tư số 02 ra đời quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

“Việc cho phép TCTD thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ TCTD đúng thời hạn sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có thể được điều chỉnh kì hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vốn vay tại các TCTD” - Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Thông tin cụ thể về Thông tư số 02, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang cho biết, đối tượng của Thông tư số 02 là khách hàng (tổ chức, cá nhân) gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản cho vay, cho thuê tài chính. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024.

“Điều này sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp có được điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận nguồn vốn mới để duy trì sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Chính sách giãn, hoãn nợ sẽ tác động trực tiếp đến dòng tiền, nguồn vốn của nhiều doanh nghiệp. Thay vì phải trả nợ cả gốc và lãi thì nay nguồn tiền đó có thể được doanh nghiệp sử dụng để tiếp tục kinh doanh, sản xuất. Quan trọng hơn là nợ cũ của doanh nghiệp không bị nhảy nhóm và bị liệt vào nhóm nợ xấu’ - bà Hà Thu Giang cho biết.

Phó Tổng Giám đốc MBBank Phạm Thị Trung Hà cho rằng, Thông tư số 02 đối với các khách hàng vay vốn kể cả mục đích sản xuất, kinh doanh hay tiêu dùng đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, theo đại diện MBBank, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế có khó khăn nên tăng trưởng tín dụng quý I và tháng 4/2023 không cao. Do đó, kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để kích cầu.

Còn Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Đinh Thị Thái thì có ý kiến, hiện tại khó khăn nhất đối với việc triển khai tín dụng là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế và khả năng sử dụng vốn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh với các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả. Vietcombank cam kết đẩy nhanh nhất việc thực thi Thông tư số 02 cũng như tiếp tục nghiên cứu các cơ chế về quản trị, điều hành để tiết kiệm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Những nhiệm vụ trong thời gian tới

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị trong thời gian tới, các ngân hàng cần phải nhận diện đầy đủ hơn những khó khăn của nền kinh tế, doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ. Trên cơ sở đó, Phó Thống đốc yêu cầu các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, các NHTM cần tập trung vào các nội dung:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2023.

Thứ hai, hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực rủi ro; tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng.

Thứ ba, các TCTD quán triệt các nội dung tại Văn bản số 2931/NHNN-TD liên quan đến cho vay bất động sản. Đối với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, đề nghị 04 NHTM nhà nước tuyên truyền rộng về gói tín dụng này. Khi triển khai dự án nào cũng cần phải công bố rõ ràng.

Thứ tư, tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, tuyệt đối không được từ chối các khoản đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ này.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thứ sáu, tiếp tục tiết giảm chi phí, để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục vận động các NHTM nhà nước, NHTM quy mô lớn giảm lãi suất để có mặt bằng lãi suất hợp lí hơn.

Thứ bảy, Thông tư số 02 có tác dụng trực tiếp tới doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai cần phải quan tâm đến chất lượng tín dụng, chất lượng nợ sau cơ cấu… Các TCTD cần ban hành quy chế nội bộ về triển khai Thông tư số 02 nhưng không làm tăng thêm các điều kiện. Đồng thời, tuyên truyền phổ biến để các hiệp hội, doanh nghiệp nắm thông tin cụ thể chính sách. Nếu có khó khăn, kiến nghị ngay với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế để báo cáo Lãnh đạo NHNN.

Thứ tám, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, tăng cường phối hợp và giám sát quá trình triển khai; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Thông tư số 02 để các đối tượng trong diện thụ hưởng nắm được.

Thứ chín, đối với các vụ, cục, đơn vị trực thuộc NHNN, cần thực hiện theo dõi, giám sát việc triển khai Thông tư số 02.
 
Đào Đức Thuận
Theo: Tạp chí Ngân hàng