Nghị định 80/2023/NĐ-CP tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

24/11/2023 - 20:06
(Bankviet.com) Phải có hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế, khi đó, tính công khai minh bạch của thị trường sẽ được rõ ràng, Nghị định 80/2023/NĐ-CP sẽ thực thi hiệu quả.
Ban hành Nghị định 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83, 95 về kinh doanh xăng dầu Nghị định 80/2023/NĐ-CP: Bước tiến mới về quản lý chuỗi cung ứng xăng dầu Nghị định 80/2023/NĐ-CP: Bước tiến mới trong quản lý kinh doanh xăng dầu

Ngày 17/11, Chính phủ ban hành Nghị định 80 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Giá bán lẻ xăng dầu áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 13/11
Để Nghị định 80/2023/NĐ-CP thực thi hiệu quả, cần làm gì?

Theo Nghị định 80, nhiều quy định mới được áp dụng. Cụ thể, đại lý bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ tối đa 3 nguồn, nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.

Việc này giúp mở cửa cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Các doanh nghiệp bán lẻ có thể chủ động, tích cực trong việc kinh doanh, buôn bán xăng dầu, cũng như đáp ứng nguồn cung xăng dầu khi có những thiếu hụt hay có những vấn đề không thỏa đáng giữa 2 bên.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Tuy nhiên, việc này cũng sẽ nảy sinh các vấn đề khác. Ví dụ, chất lượng xăng dầu có thể đảm bảo được hay không, đây cũng là cả một vấn đề?

Bên cạnh đó, lượng nhập, xuất, tồn kho xăng dầu cũng là vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những khó khăn khi quyết định tăng giá bán hay xả Quỹ Bình ổn xăng dầu.

Nghị định 80 cũng đưa ra những điểm khá hợp lý, trong đó, thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu sẽ rút ngắn từ 10 ngày xuống 7 ngày và được thực hiện vào ngày thứ 5 hàng tuần. Dù vậy, việc chia nhỏ ra để điều chỉnh nghe thì dễ, nhưng thực tế là cả vấn đề. Liệu rằng các doanh nghiệp họ có xác định, báo cáo rõ ràng không để có thể hưởng giá mới hay trích Quỹ Bình ổn xăng dầu?

Việc này liên quan đến kiểm tra và áp dụng hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế. Thực tế, việc này cũng không khó khăn trong triển khai.

Rõ ràng, Nghị định 80 sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu là bước tiến mới quản lý chuỗi cung ứng xăng dầu, tuy nhiên, thị trường xăng dầu vẫn còn những khúc mắc mà chưa giải quyết triệt để.

Vấn đề quan trọng nhất đó là Nhà nước vẫn coi mặt hàng xăng dầu là mặt hàng chiến lược mà Nhà nước phải quản lý. Do đó, việc quản lý phải rất cụ thể, tỉ mỉ thì hoạt động của thị trường mới trở nên công khai, minh bạch.

Điều quan trọng nhất là phải áp dụng được hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế. Khi đó, lượng nhập vào, bán ra, lượng tồn sẽ rõ ràng. Tính công khai minh bạch, cạnh tranh công bằng, chống hàng giả, hàng nhái cũng sẽ rõ ràng. Và những khó khăn còn tồn tại sẽ được giải quyết.

Trên cơ sở các Tờ trình của Bộ Công Thương, ngày 17 tháng 11 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu như sau:

Thứ nhất, điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ 06 tháng xuống 03 tháng nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa.

Thứ hai, rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 07 ngày, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.

Thứ ba, cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa 03 nguồn nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.

Thứ tư, bãi bỏ loại hình Tổng đại lý bán lẻ xăng dầu nhằm giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu.

Thứ năm, bổ sung các quy định nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; đồng thời phân cấp cho Sở Công Thương địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định của thương nhân trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi Giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tránh việc làm đứt gẫy đột ngột nguồn cung xăng dầu, đặc biệt trong những thời điểm nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng, khan hiếm.

Thứ bảy, bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Thứ tám, sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập còn tồn đọng cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương