Doanh nghiệp thủy sản đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản |
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lâm, thủy sản |
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tín dụng chủ động, hiệu quả, phù hợp để cung cấp vốn tín dụng; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản, lâm sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản, gỗ và lâm sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho nông - ngư dân.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi; nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5/2023.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn nữa trong chỉ đạo điều hành; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, kết hợp khoa học công nghệ trong phòng chống dịch bệnh hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản; quản lý tốt nguyên liệu vật tư đầu vào theo các quy định. Xây dựng các vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh; triển khai chương trình quốc gia giám sát dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc gia, nâng cao vị thế, thương hiệu chứng chỉ rừng quốc gia từng bước đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu gỗ có chất lượng, có chứng chỉ cho chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu và cấp chứng chỉ các - bon.
Các Hiệp hội chủ trì, phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho ba sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là tôm, cá tra, cá ngừ và các sản phẩm quan trọng khác; thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất kinh doanh để giảm giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ môi trường.
Làm tốt hơn nữa mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nội bộ Hiệp hội và các Hiệp hội khác. Tiếp tục trao đổi thông tin, giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt và có các giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản, lâm sản; phối hợp với Bộ Công Thương cùng hỗ trợ các doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp thương mại, đẩy mạnh tổ chức thành công Hội chợ quốc tế xuất khẩu thủy sản, Hội chợ quốc tế xuất khẩu đồ gỗ.
Các Hiệp hội là cầu nối quan trọng hiệu quả giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển của ngành và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.
Riêng với Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tập trung công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại với các đối tác tiềm năng; đấu tranh bảo vệ thương hiệu, các mặt hàng xuất nhập khẩu trên thị trường quốc tế khi xảy ra tranh chấp thương mại.
Hướng dẫn các cơ chế, quy định của luật pháp để giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các cam kết quốc tế, phát triển sản xuất kinh doanh thuận lợi; chỉ đạo nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan đại diện ngoại giao, các tham tán thương mại với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để hỗ trợ thông tin về các chính sách, thị trường tại các quốc gia, thị trường quan trọng và thị trường ngách....
Nguyễn Hạnh