Bắt giữ nhiều vụ buôn lậu qua đường hàng không 7 nhiệm vụ của Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu qua đường hàng không Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Quyết liệt ngăn chặn nhiều thủ đoạn buôn lậu mới |
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường chỉ đạo, quản lý công tác đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng qua đường hàng không quyết liệt, thường xuyên, liên tục. Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu, hệ thống quản lý nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực phụ trách.
Chủ động phòng ngừa để hạn chế tối đa hành vi vi phạm về vận chuyển hàng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các chuyến bay quốc tế, các địa bàn trọng điểm.
Kiểm tra, rà soát chặt chẽ, hoàn thiện quy trình kiểm soát an ninh nội bộ; kiểm tra soi chiếu an ninh hàng không; xếp, dỡ, đưa hàng hóa lên, xuống tàu bay tại các cảng hàng không, sân bay; mang đồ vật vào, ra các khu vực hạn chế.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại qua đường hàng không |
Tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức các quy định của pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý các cấp và nhân viên về các quy định của pháp luật đối với hành vi thực hiện và tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Chủ động phối hợp với các lực lượng có liên quan trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực hàng không. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và quản lý phục vụ đắc lực cho công tác quản lý và giám sát hoạt động hàng không dân dụng cũng như góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đồng thời kịp thời khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nội quy của cơ quan, đơn vị đối với những trường hợp vi phạm.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung, miền Nam triển khai thực hiện và giám sát công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc khu vực quản lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát tại các vị trí nhạy cảm như điểm kiểm tra an ninh hàng không; khu vực phục vụ hành lý, hàng hóa; khu vực sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; khu vực phục vụ tập kết đồ vật, dụng cụ của suất ăn phục vụ trên tàu bay nhất là các chuyến bay quốc tế; trên tàu bay... nhằm kịp thời phát hiện bắt giữ khi có hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá bằng đường hàng không.
Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cục Hàng không Việt Nam phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng của Bộ Công an, Tổng cục Hải quan và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho lực lượng an ninh hàng không nhận biết hàng giả, kiến thức, kỹ năng chống buôn lậu; kịp thời trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn làm cơ sở cho việc phối hợp kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn và xử lý vi phạm. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện, đồ vật ra, vào và hoạt động tại các khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.
Đối với các Hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển và không tiếp tay cho vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không rõ xuất xứ đến các tổ chức, cá nhân liên quan. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền trong nội bộ không sử dụng hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; qua đó vận động người lao động tố giác các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Ngoài ra, các Hãng cần chỉ đạo Đoàn bay, Đoàn tiếp viên, các bộ phận thường xuyên làm nhiệm vụ tại cảng hàng không, sân bay làm tốt công tác kiểm soát an ninh nội bộ, kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ tổ bay khi làm nhiệm vụ, quán triệt và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động hàng không.
Chỉ đạo bộ phận An ninh hàng không và các bộ phận liên quan của Hãng tập trung phân tích, đánh giá tình hình, xác định trọng điểm về: thời gian, chuyến bay, chặng bay, đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động để phối hợp với lực lượng Hải quan, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không có biện pháp kiểm tra chặt chẽ đối với các chuyến bay, đối tượng cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh của đơn vị.
Tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng của Bộ Công an, Tổng cục Hải quan để nắm thông tin về đối tượng, thủ đoạn buôn lậu nhằm kịp thời bổ sung các biện pháp cụ thể trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của đơn vị.
Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, cung ứng suất ăn, xăng dầu, sửa chữa bảo dưỡng tàu bay, hàng hóa và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác tại các cảng hàng không, sân bay, cần kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, đồ vật của đơn vị mình khi ra, vào hoạt động tại khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay nhằm ngăn chặn việc thực hiện và tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng lưu ý các đơn vị bảo dưỡng tàu bay kiểm tra chặt chẽ người, đồ vật phục vụ bảo dưỡng khi thực hiện bảo dưỡng ngoại trường; kiểm soát chặt chẽ người, đồ vật mang lên tàu bay phục vụ bảo dưỡng nội trường và thực hiện nghiêm túc quy định kiểm tra an ninh hàng không trước khi bàn giao tàu bay.
Các đơn vị phục vụ suất ăn kiểm soát chặt chẽ người, đồ vật dụng cụ thu hồi sau chuyến bay đặc biệt là các chuyến bay quốc tế.
Các đơn vị phục vụ mặt đất phối hợp với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với nhân viên bốc xếp, vệ sinh tàu bay; khu vực tập kết rác sau chuyến bay;
Các đơn vị phục vụ hàng hóa phối hợp với đơn vị chức năng của Hải quan tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức về hành vi buôn lậu; phân biệt hàng thật, hàng giả để ngăn ngừa từ khâu chấp nhận vận chuyển hàng hóa. Phối hợp với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không kiểm tra chặt chẽ quy định mang đồ vật vào/ra khu vực hạn chế.
Thụy Anh