Tuy nhiên, để tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa phương trong tình hình mới, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với tất cả các trường hợp NLĐ có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.
Việc thực hiện xét nghiệm định kỳ cho NLĐ được quy định cụ thể: Với các tỉnh, thành phố có nguy cơ rất cao, xét nghiệm hàng tuần tối thiểu 20% NLĐ có nguy cơ cao (tổ trưởng, tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân…); xét nghiệm hàng tuần cho toàn bộ người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất kinh doanh (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh).
Các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và có nguy cơ, xét nghiệm 2 tuần/lần tối thiểu cho 5 - 10% NLĐ có nguy cơ cao (tổ trưởng, tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân…); xét nghiệm 2 tuần/lần cho người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất kinh doanh (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh).
Bộ Y tế cũng lưu ý, không thực hiện xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng; hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng), nếu có, chỉ khuyến khích, không bắt buộc.
Cơ sở sản xuất kinh doanh nếu tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 thì phải được hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh hoặc Trung tâm y tế cấp huyện. Test nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 phải thuộc danh mục đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Cơ sở sản xuất, kinh doanh tự chịu trách nhiệm về chất lượng test kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm. Trung tâm y tế cấp huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tiến hành xử lý ngay, đúng quy định khi nhận được báo cáo kết quả xét nghiệm có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Lái xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, thành phố: Nếu di chuyển từ khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ nguy cơ dịch bệnh thấp hơn thì việc xét nghiệm phải do cơ sở y tế thực hiện.
Trước phản ánh của dư luận về việc dịch vụ xét nghiệm mỗi nơi một giá, theo Bộ Y tế, giá dịch vụ xét nghiệm được Bộ quy định, còn giá xét nghiệm do doanh nghiệp tự công bố. Hiện nay, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có các test nhanh Covid-19 không thuộc danh mục hàng hóa do nhà nước định giá mà giá thông qua đấu thầu mua sắm tại cơ sở y tế.
Giá bán trang thiết bị y tế được quyết định, điều tiết bởi cơ chế thị trường. Để tránh hiện tượng thổi giá, từ năm 2020, Bộ Y tế đã yêu cầu doanh nghiệp phải công khai giá trang thiết bị y tế lên cổng thông tin y tế.
Bộ Y tế cũng không quản lý giá dịch vụ tại các bệnh viện tư. Bệnh viện tư nhân được phép xây dựng giá trên cơ sở thực chi thực thu, có đăng ký giá với Sở Y tế và công khai, minh bạch giá tại các cơ sở y tế. Còn bệnh viện công, thực hiện thu giá xét nghiệm của Bộ Y tế. Theo Công văn 4356/BYT-KHTC, mức giá thanh toán xét nghiệm PCR là 734.000 đ/mẫu xét nghiệm.
Song, để chấn chỉnh công tác mua sắm trang thiết bị y tế, Bộ Y tế mới đây đã có Công văn số 8157/BYT- KHTC đề nghị các đơn vị thực hiện xét nghiệm theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh, tránh lạm dụng, lãng phí. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Trường hợp cần thiết báo cáo UBND cấp tỉnh chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ quy định về giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19; xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.