Người mắc bệnh tiểu đường có ăn được thịt bò hay không?

30/01/2023 - 17:08
(Bankviet.com) Một nghiên cứu từ Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã chứng minh, 50% nguy cơ chết từ bệnh tim mạch, đột quỵ và bệnh tiểu đường tuýp 2 liên quan tới chế độ dinh dưỡng.
Người mắc bệnh tiểu đường cần lưu ý chế độ ăn trong ngày Tết như thế nào?

Mối liên hệ giữa thịt đỏ và bệnh tiểu đường

Trong một nghiên cứu của Đại học Harvard đã phát hiện ra những người ăn khẩu phần thịt đỏ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn 19% so với những người không ăn. Thêm vào đó, chỉ cần tiêu thụ khẩu phần thịt đỏ chế biến sẵn như 1 chiếc xúc xích hoặc hai lát thịt xông khói một ngày làm tăng 51% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Nghiên cứu này kết luận, để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường mọi người nên lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, sữa ít béo, cá và thịt gia cầm thay khẩu phần thịt đỏ hàng ngày.

Người mắc bệnh tiểu đường có ăn được thịt bò hay không?
Người mắc bệnh tiểu đường có ăn được thịt bò hay không?

Nhiều nghiên cứu cho thấy, thịt bò là một trong những loại thịt đỏ, giàu protein. Thịt bò chứa hàm lượng dồi dào axit linoleic ở dạng tổng hợp; giúp đẩy nhanh quá trình chuyển hóa đường. Bên cạnh đó, lượng axit béo trong thịt bò khiến cho giảm lượng cholesterol trong máu; ngăn chặn biến chứng xấu về bệnh tim mạch có khả năng xảy ra.

Những nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam đã chỉ ra mối tương tác giữa thịt bò và bệnh tiểu đường: 42% người ăn 80g thịt bò/ngày có thể mắc tiểu đường so với các người ăn 15g mỗi ngày.

Hơn thế, thịt bò là loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao như protein, chất béo không bão hòa và chất béo bão hòa…vì vậy nếu tiêu thụ nhiều thịt bò rất dễ tăng cân. Trong khi đó, bệnh nhân tiểu đường là đối tượng cần chú ý tới vấn đề ăn uống để kiểm soát lượng đường trong máu cũng như kiểm soát cân nặng.

Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường có nên hạn chế ăn thịt bò. Song điều đó cũng không có nghĩa bệnh nhân nên kiêng thịt bò hoàn toàn, vì đây vẫn là thực phẩm dinh dưỡng nếu có khẩu phần ăn hợp lý.

Bệnh tiểu đường ăn thịt bò như thế nào là hợp lý?

Bệnh nhân tiểu đường ăn thịt bò có thể chế biến với khẩu phần miếng thịt mỏng hơn, ăn kèm với rau xanh là sự lựa chọn thích hợp. Bên cạnh đó, cũng giống như các loại thịt đỏ khác bệnh nhân nên ăn với số lượng thịt ít và rau củ nhiều, nhằm giúp kiểm soát tốt lượng đường máu sau khi ăn tốt hơn.

Ngoài ra, trong thịt bò giàu chất sắt, vì vậy người bệnh không nên ăn thịt bò vào buổi tối vì sẽ làm gan phải hoạt động quá mức hay gây đường huyết tăng đột ngột.

Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Trưởng đơn nguyên hồi sức – ICU, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc – chia sẻ: Mặc dù ăn thịt đỏ nói chung và thịt bò nói riêng có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu ăn không đúng cách thì lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, đặc biệt là bệnh đái tháo đường typ 2. Có hai lý do khiến chúng có nguy cơ trở thành mối nguy hại cho sức khỏe là thịt đỏ đã qua chế biến và phương pháp chế biến thịt đỏ thiên về chiên rán hay nướng.

Thịt đỏ đã qua chế biến thường gặp như xúc xích, thịt xông khói... thường có các chất bảo quản có chứa nitrate, đây là chất có khả năng làm tăng đề kháng với insulin. Ngoài ra trong thịt đỏ có lượng sắt rất cao, khi ăn thịt đỏ quá nhiều có thể làm tăng lượng sắt trong cơ thể và có nguy cơ gây ra đái tháo đường typ 2.

Thịt đỏ dù tốt cho sức khỏe nhưng không nên coi là món ăn chính trong bữa ăn hàng ngày mà cần kết hợp sử dụng các nguồn protein khác từ sữa, trứng, ngũ cốc, thịt gia cầm, cá... Ngoài ra để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 2 nên có chế độ ăn kết hợp nhiều rau xanh, ít chất béo và tập luyện khoa học hơn.

Lượng dinh dưỡng có trong 100 gram thịt bò tươi: Năng lượng 176 calo; chất đạm 20g; chất béo 10g; Vitamin B3 cung cấp 25% giá trị dinh dưỡng hàng ngày; Vitamin B6 18% RDA; Vitamin B12: 37% RDA; chất sắt: 12% RDA; chất kẽm: 32% RDA; Selenium: 24% RDA.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương