Kết quả cuối cùng của cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy sự bi quan về triển vọng lạm phát tăng vọt trong tháng 4 khi kỳ vọng lạm phát một năm tăng vọt lên 6,5% — mức cao nhất kể từ năm 1981 — từ mức 5% của tháng trước. Chỉ 3 tháng trước, người tiêu dùng đã kỳ vọng lạm phát là 3,3% trong năm tới.
Cuộc khảo sát cập nhật được thực hiện sau lệnh tạm dừng áp thuế trong 90 ngày của Tổng thống Trump vào ngày 9/ 4. Trước thông báo đó, người tiêu dùng đã kỳ vọng lạm phát đạt 6,7% trong 12 tháng tới.
"Kỳ vọng lạm phát đã thay đổi với các thông báo chính sách thương mại lớn trong tháng này", Giám đốc Khảo sát người tiêu dùng Joanne Hsu đã viết trong thông báo. "Sau lệnh tạm dừng tăng thuế một phần vào ngày 9/4, kỳ vọng lạm phát đã giảm nhưng vẫn ở mức cao đáng kể so với tháng 3".
Nhìn chung, tâm lý người tiêu dùng đã phục hồi khiêm tốn sau lệnh tạm dừng áp thuế của Tổng thống Trump. Chỉ số ban đầu của tháng 4 cho thấy chỉ số tâm lý người tiêu dùng đã giảm xuống mức 50,8. Chỉ số cuối cùng công bố hôm thứ Sáu cuối tuần cho thấy tâm lý thực sự của tháng 4 ở mức 52,2.
Tuy nhiên, đây là tháng thứ tư liên tiếp tâm lý giảm. Chỉ số hiện đã giảm 32% kể từ tháng 1/2025 và vẫn ở mức thấp nhất kể từ năm 1978.
Hsu nói thêm rằng triển vọng tiêu cực của người tiêu dùng đối với nền kinh tế phần lớn là do sự bất ổn đang diễn ra xung quanh chính sách thương mại.
"Kỳ vọng của thị trường lao động vẫn ảm đạm", bà Hsu nói. "Thậm chí con đường của nền kinh tế còn đáng ngại hơn, người tiêu dùng dự đoán mức tăng trưởng thu nhập yếu hơn trong năm tới. Nếu không có các nguồn thu nhập mạnh đáng tin cậy, chi tiêu khó có thể duy trì ở mức cao trong bối cảnh người tiêu dùng nhận thấy nhiều dấu hiệu cảnh báo".
Cuộc khảo sát của Đại học Michigan công bố kết quả vào thứ Sáu, ngày 25/4, tiếp sau một loạt dữ liệu yếu từ tháng 4. Một báo cáo mới từ S&P Global công bố ngày 23/4 cho thấy chỉ số đầu ra PMI tổng hợp nhanh, ghi nhận hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ và sản xuất, đã giảm xuống 51,2 trong tháng 4, chạm mức thấp nhất trong 16 tháng.
Trong khi đó, các cuộc khảo sát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) khu vực đã đưa ra những dấu hiệu cảnh báo tương tự. Ngày 21/4, cuộc khảo sát về hoạt động sản xuất của FED khu vực Richmond cho thấy chỉ số sản xuất tổng hợp đã giảm xuống mức -13 vào tháng 4, giảm từ -4. Trong khi đó, các đơn đặt hàng mới trong tháng đã giảm xuống mức -15, thấp hơn nhiều so với mức -4 được thấy vào tháng 3. Cũng được công bố vào ngày 21/4, cuộc khảo sát triển vọng kinh doanh phi sản xuất của FED khu vực Philadelphia đã giảm xuống mức -42,7, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.
Mối lo ngại ngày càng tăng của các nhà kinh tế và FED là việc số liệu khảo sát yếu kém gần đây cuối cùng có thể dẫn đến sự suy giảm dữ liệu tăng trưởng kinh tế.
Một báo cáo ngày 7/4 từ FED khu vực St. Louis nhấn mạnh rằng sự gia tăng gần đây về sự không chắc chắn trong chính sách kinh tế "có thể dẫn đến tình trạng suy thoái".
"Các doanh nghiệp và hộ gia đình đang nói trong các cuộc khảo sát rằng họ đang trải qua sự không chắc chắn cực kỳ cao", Chủ tịch FED Powell cho biết khi tham khảo nghiên cứu của FED khu vực St. Louis.
"Có rất nhiều nghiên cứu, một số trong số đó là từ FED, cho thấy điều đó thực sự khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình lùi bước trước các quyết định".
H.Y