WB hạ dự báo tăng trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương

04/05/2025 - 16:10
(Bankviet.com) Trong Báo cáo Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2025 vừa mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng của khu vực này sẽ giảm xuống còn 4,0% trong năm 2025, so với mức 5,0% của năm 2024.
wb.jpg

Năm 2024, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội hơn so với hầu hết các khu vực khác trên thế giới. Để duy trì đà tăng trưởng này và tạo thêm việc làm, các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương cần chủ động ứng phó với những bất ổn toàn cầu, đồng thời giải quyết những thách thức dài hạn liên quan đến những thay đổi trong hội nhập toàn cầu, biến đổi khí hậu và xu hướng nhân khẩu học.

Triển vọng tăng trưởng cao hơn hay thấp hơn sẽ phụ thuộc một phần vào triển vọng tăng trưởng chung, nhưng quan trọng không kém là cách các quốc gia ứng phó với những bất ổn trên toàn cầu. Tỷ lệ nghèo đói trong khu vực được dự báo sẽ tiếp tục giảm. Dựa trên chuẩn nghèo của nhóm thu nhập trung bình cao, dự kiến sẽ có khoảng 24 triệu người trong khu vực thoát nghèo trong giai đoạn 2024 – 2025.

Sự gia tăng bất ổn trên toàn cầu đang ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, kìm hãm đầu tư và tiêu dùng. Các biện pháp hạn chế thương mại được dự báo sẽ tác động đến xuất khẩu của Đông Á và Thái Bình Dương, trong khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ làm suy giảm nhu cầu từ bên ngoài.

“Trong khi đối mặt với những bất định toàn cầu, các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương vẫn có cơ hội củng cố triển vọng kinh tế bằng cách nắm bắt và đầu tư vào công nghệ mới, tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh thông qua các cải cách táo bạo, và đẩy mạnh hợp tác quốc tế,” bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết.

Dự báo tăng trưởng kinh tế các quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB

WB khuyến nghị ba hướng chính sách. Thứ nhất, tận dụng công nghệ mới có thể nâng cao năng suất và từ đó tạo thêm việc làm, như minh chứng từ Malaysia và Thái Lan. Thứ hai, thúc đẩy cải cách nhằm tăng tính cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, có thể mở ra những cơ hội kinh tế mới. Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế sẽ giúp nâng cao khả năng chống chịu.

“Kết hợp công nghệ mới với cải cách táo bạo và hợp tác đổi mới sẽ giúp các quốc gia trong khu vực ứng phó hiệu quả với những thách thức hiện tại và dài hạn”, ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhận định. “Đó chính là công thức để nâng cao năng suất và tạo ra việc làm chất lượng hơn.”

Đối với Việt Nam, sau mức tăng trưởng GDP thực 7,1% trong năm 2024, WB dự báo tăng trưởng GDP sẽ chậm lại còn 5,8% trong năm 2025 do những bất ổn gia tăng từ các thay đổi gần đây trong chính sách thương mại và dự báo suy giảm tăng trưởng toàn cầu.

WB chỉ ra những thách thức chính: Thay đổi bất lợi trong chính sách thương mại; Tăng trưởng toàn cầu chậm hơn dự kiến; Môi trường chính sách toàn cầu nhiều bất ổn.

Trước những thách thức trên, WB khuyến nghị, các chính sách cần tập trung vào việc mở rộng đầu tư công, giảm thiểu rủi ro tài khóa và cải cách cơ cấu. Dù dư địa cho chính sách tiền tệ còn hạn chế, chính sách tài khóa vẫn có thể hỗ trợ tăng trưởng. Mặc dù dư địa cho can thiệp chính sách tiền tệ vẫn còn hạn chế, chính sách tài khóa vẫn có thể hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt thông qua đầu tư để thu hẹp các khoảng trống cơ sở hạ tầng đang nổi cộm.

"Dựa trên các cải cách gần đây, chẳng hạn như việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, các bước tiếp theo để giảm thiểu rủi ro và cải thiện điểm yếu của khu vực tài chính vẫn rất quan trọng để thúc đẩy khả năng phục hồi và ổn định của Việt Nam. Đẩy nhanh các cải cách cơ cấu nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý trong các lĩnh vực xương sống quan trọng (công nghệ thông tin và truyền thông, điện lực, giao thông vận tải), hướng tới nền kinh tế xanh, xây dựng nguồn nhân lực và cải thiện môi trường kinh doanh là yếu tố then chốt để duy trì tăng trưởng dài hạn", WB lưu ý.

Diệp Anh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ