Tận dụng EVFTA để xuất khẩu cà phê sang Bắc Âu: Giải pháp nào để thực thi Quy định chống phá rừng? Giá cà phê xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm ít nhất 20 USD/tấn |
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), chốt ngày giao dịch 21/11, giá cà phê Robusta nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp khi mất 0,92% và giá Arabica thấp hơn 1,52% so với tham chiếu. MXV cho biết nguồn cung cà phê tại hai quốc gia sản xuất hàng đầu là Brazil và Việt Nam đều có tín hiệu tích cực đã gây sức ép lên giá trong hôm qua.
Giá cà phê quay đầu giảm |
Đồng Real nội địa của Brazil giảm mạnh, kéo tỷ giá USD/BRL tăng gần 1% so với tham chiếu. Chênh lệch tỷ giá đã thúc đẩy nông dân Brazil bán cà phê nhờ thu về nhiều ngoại tệ. Bên cạnh đó, thống kê từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), quốc gia này đã xuất đi 2,76 triệu bao cà phê trong 20 ngày đầu tháng 11, tăng 14% so với mức 2,42 triệu bao trong tháng trước.
Hơn nữa, mưa quay lại vùng trồng cà phê chính của Brazil là tín hiệu tốt cho sự phát triển của niên vụ 2024/25, từ đó đưa đến triển vọng nguồn cung tích cực hơn.
Riêng với Robusta, Reuters đưa tin Việt Nam đã thu hoạch được 10 - 20% cà phê theo kế hoạch của niên vụ 2023/24. Việc có cà phê vụ mới đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 11, nước ta đã xuất 36.968 tấn cà phê, cao gấp hai lần so với cùng kỳ tháng trước.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục suy yếu 500 đồng/kg. Như vậy, cà phê trong nước đã liên tục giảm trong 4 ngày gần nhất, kéo giá thu mua về mức 57.100 - 57.800 đồng/kg.
Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn neo ở mức cao trong nhiều năm qua |
Dù giá cà phê có xu hướng giảm xuống những ngày gần đây song triển vọng xuất khẩu cà phê vẫn rất khả quan. Theo Tổng cục Hải quan, giá xuất khẩu cà phê cao nhất trong vòng 30 năm qua, bình quân đạt hơn 2.600 USD/tấn trong 2 tháng qua, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Niên vụ này, xuất khẩu cà phê Việt Nam dự kiến thu về hơn 4 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), bên cạnh thị trường châu Âu, nhu cầu cà phê nhân và cà phê hòa tan của Trung Quốc cũng đang tăng cao, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Hiện khoảng 210.000 ha cà phê ở Tây Nguyên đã áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế 4C, UTZ, Flo… tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Việc đẩy mạnh liên kết xây dựng vùng cà phê chất lượng cao đã được người trồng cà phê hưởng ứng. Đồng thời cũng là giải pháp để hướng tới xuất khẩu cà phê bền vững.
Cũng theo VICOFA dù giá cà phê dự báo sẽ tăng trong thời gian tới nhưng dự kiến niên vụ cà phê 2023-2024 sản lượng giảm 10% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân sẽ đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái. Hiện nay, cây cà phê đang bị cạnh tranh bởi ba loại cây là tiêu, bơ và sầu riêng, nhưng đối tượng cạnh tranh chính là cây sầu riêng, do lợi nhuận bà con thu về từ cây sầu riêng khoảng 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha, trong khi lợi nhuận từ cây cà phê chỉ khoảng 200 triệu đồng/ha, nên rất khó kêu gọi nông dân giữ vườn cà phê.
Tuy nhiên, hiện nay, giá cà phê tăng cao sẽ là một thuận lợi để nông dân giữ vườn cà phê, nhưng về lâu dài, việc hình thành những chuỗi liên kết ổn định gắn với thương hiệu mới là con đường phát triển bền vững.
Bảo Ngọc