Nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng chuyển đổi số ngân hàng

21/05/2025 - 12:10
(Bankviet.com) Một trong những nhân tố cốt lõi quyết định đến sự thành công của CMCN 4.0 và chuyển đổi số của một quốc gia nói chung, một tổ chức nói riêng chính là nhân tố con người. Tuy nhiên, thực tế nguồn nhân lực ngành Ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thiếu nhân sự có khả năng phân tích dữ liệu, thành thạo kỹ năng vận hành công nghệ số bên cạnh giỏi chuyên môn nghiệp vụ.

Tóm tắt: Chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng được xem là hệ quả tất yếu từ sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Thông qua hoạt động chuyển đổi số, ngành Ngân hàng Việt Nam vừa có cơ hội để cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh, vừa gia tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Một trong những nhân tố cốt lõi quyết định đến sự thành công của CMCN 4.0 và chuyển đổi số của một quốc gia nói chung, một tổ chức nói riêng chính là nhân tố con người. Tuy nhiên, thực tế nguồn nhân lực ngành Ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thiếu nhân sự có khả năng phân tích dữ liệu, thành thạo kỹ năng vận hành công nghệ số bên cạnh giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Do đó, vấn đề nâng cao nguồn nhân lực ngành Ngân hàng cần được đặc biệt quan tâm, mà trên hết là việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.

Từ khoá: nguồn nhân lực, chuyển đổi số, ngân hàng

HIGH-QUALITY HUMAN RESOURCE IN RESPONSE TO DIGITAL TRANSFORMATION IN BANKING

Abstract: Digital transformation in banking sector is considered an inevitable consequence of the impact of the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0). Through digital transformation, Vietnam’s banking sector has opportunity to improve and enhance service quality, competitiveness, and increase accessibility to international markets. Human resource is one of the core factors de-termining the success of Industry 4.0 and digital transformation of a country in general and an organization in particular.

However, human resource in banking sector in Vietnam is facing many difficulties, especially the lack of personnel with data analysis capability, proficiency in digital technology operation skills as well as professional expertise. Therefore, to ensure the success of digital transfor-mation in banking, the issue of human resource enhancement in the banking sector needs to be paid special attention by all levels, sectors and related organizations. Above all, training and improvement of high-quality human resources to meet the requirements of banking digital transformation should be placed as top priority at present and in the future as well.

Keywords: Human resources, digital transformation, banking

1. GIỚI THIỆU

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu và tác động đến tất cả các lĩnh vực khác nhau trên nền tảng kinh tế, trong đó có ngành Ngân hàng. Với quy mô và tốc độ phát triển cực nhanh của kỷ nguyên số buộc ngành Ngân hàng phải cải cách dựa trên các nguồn lực về công nghệ để phát triển. Đại dịch COVID -19 đã làm thay đổi thói quen thanh toán của người dân. Điều này đã tạo thêm động lực cho ngành Ngân hàng Việt Nam trong việc chuyển đổi số, đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến, ứng dụng số và thanh toán điện tử. Do đó, tăng cường các ứng dụng công nghệ và hoạt động ngân hàng là một xu thế tất yếu hiện nay. Công nghệ máy móc có hiện đại đến đâu thì cũng phải có con người vận hành nó, con người phải làm chủ công nghệ. Thực tế hiện nay cho thấy, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng chuyển đối số của ngành Ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách.

2. THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO ĐÁP ỨNG CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÂN HÀNG

2.1 Thực trạng chuyển đổi số ngân hàng

Theo Schwertner (2017), chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ để xây dựng mô hình kinh doanh mới, quy trình, phần mềm và hệ thống, đem lại doanh thu nhiều hơn, đồng thời thuận lợi cạnh tranh và hiệu quả cũng cao hơn. Theo Lugovsky (2021), chuyển đổi số trong ngân hàng là sự thay đổi về văn hóa, tổ chức và hoạt động kinh doanh thông qua công nghệ. Chuyển đổi số trong ngân hàng không chỉ đơn giản là việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain... mà đó là quá trình chuyển đổi toàn bộ từ mô hình, chiến lược, văn hóa kinh doanh của ngân hàng trên nền tảng công nghệ số (Lê Cẩm Tú, 2021). Vì vậy, có thể nói chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng được hiểu là việc tích hợp số hóa và công nghệ vào mọi lĩnh vực, dịch vụ của ngân hàng. Ý nghĩa của sự chuyển đổi này sẽ giúp ngân hàng hòa nhập với xu hướng chung của thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tối ưu hóa được các chính sách khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại ngân hàng. Hơn nữa, nó còn giúp các ngân hàng tiết kiệm được chi phí và hợp lý hóa các quy trình hoạt động. Chính sự thay đổi và ứng dụng nhanh chóng các tiện ích của công cuộc chuyển đổi số, nhiều ngân hàng đã đạt được một số kết quả ban đầu hết sức khả quan. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, hiện có 95% tổ chức tín dụng đã sử dụng và đang xây dựng triển khai chiến lược chuyển đổi số, trong đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) triển khai Livebank giúp khách hàng đăng ký vân tay, nhận diện khuôn mặt chỉ mất 3s và định danh điện tử giúp khách hàng đăng ký, đăng nhập tài khoản và xử lý giao dịch chỉ mất 30s; Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào quy trình phát hành thẻ tín dụng dành riêng cho hoạt động mua sắm trực tuyến Online Plus; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ra mắt hàng số Yolo sau mô hình ngân hàng Timo; Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) ra mắt Ngân hàng số OMNI; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chú trọng phát triển trải nghiệm của khách hàng trên ngân hàng trực tuyến (Ebanking), giảm thiểu thời gian và chi phí giao dịch cho khách hàng; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã triển khai tích hợp tất cả các giao dịch ngân hàng và quản lý tài chính hoàn toàn miễn phí trên ứng dụng MBBank và Biz MBBank; Ngân hàng TMCP Nam Á (NAM A BANK) hình thành hệ thống sinh thái số ONEBANK - thiết lập việc kết nối các dịch vụ ngân hàng số với các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, mang lại trải nghiệm liền mạch và toàn diện trên mọi lĩnh vực cho người dùng...

Chuyển đổi số, kinh tế số được Đảng, Nhà nước xác định là chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế thời gian tới, mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế cũng như ngành Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các mục tiêu rất cụ thể: đến năm 2025, 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động.... Theo kế hoạch này, NHNN xác định một trong những mục tiêu tổng thể là phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ. Đồng thời, để ghi dấu ấn cho hoạt động chuyển đổi số của ngành, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngày 11/5 được chọn là ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Theo Vụ Thanh toán NHNN, tính đến cuối năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, với giá trị đạt hơn 200 triệu tỷ đồng (so với năm 2022 tăng gần 50% về số lượng ).

Trong đó, qua kênh internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng (tăng hơn 56 % về số lượng và 5,80% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng (tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị); qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng (tăng gần 172 % về số lượng và hơn 74% về giá trị).

Đến cuối tháng 12/2023, gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) đang hoạt động và 12,9 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng eKYC.

Số lượng tài khoản Mobile Money đăng ký tại 3 doanh nghiệp thí điểm đạt gần 6 triệu, trong đó gần 70% là tài khoản đăng ký ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo; tổng số lượng giao dịch khoảng 47 triệu, tổng giá trị giao dịch trên 2,4 nghìn tỷ đồng.

3 doanh nghiệp tham gia thí điểm Mobile Money (Viettel, VNPT, MobiFone) đã mở được 11.700 điểm kinh doanh; hơn 195.000 đơn vị chấp nhận thanh toán, tạo điều kiện để người yếu thế, ở vùng sâu vùng xa tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Đến cuối năm 2022, nhiều ngân hàng Việt Nam đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN là 70% vào năm 2025; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tỷ lệ cận kề mà nhiều ngân hàng trong khu vực và quốc tế đang hướng tới to. Đáng chú ý, ngành Ngân hàng Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức áp dụng hàng ngân hàng số nhanh nhất khu vực, cao hơn mức tăng bình quân của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi. Như vậy, có thể thấy, tác động rõ ràng nhất của CMCN 4.0 đến lĩnh vực ngân hàng chính là xu hướng ngân hàng số phát triển ngày càng mạnh mẽ. Trong tương lai, các ngân hàng truyền thống có thể thu hẹp các cơ sở giao dịch trực tiếp và được thay thế bằng mô hình ngân hàng số.

2.2 Nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng chuyển đổi số ngân hàng

2.2.1 Yêu cầu của bối cảnh kinh tế - xã hội

Nguồn nhân lực là một trong những vấn đề quan trọng nhất của các ngân hàng và doanh nghiệp, giúp các tổ chức giữ vị trí cạnh tranh trên thị trường. Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cần thiết. Trong khi các tổ chức đang cố gắng, tiếp cận nhiều thị trường hơn, nhiều khách hàng hơn, bán được nhiều hàng hơn..., nguồn nhân lực cần quản lý hiệu quả để đạt được hiệu suất yêu cầu của tổ chức. Các tổ chức cần có một chiến lược cụ thể để quản lý và phát triển các nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, CMCN 4.0 và xu hướng chuyển đổi số đang làm thay đổi nhanh mô hình kinh doanh của ngành Ngân hàng nói riêng, nền kinh tế nói chung. Các ngân hàng truyền thống đang phát triển ứng dụng, tích hợp các công nghệ số mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain)... vào sản phẩm, dịch vụ, nghiệp vụ nội bộ của mình. Qua đó, các ngân hàng cung cấp nhiều dịch vụ ngân hàng đổi mới sáng tạo, cá nhân hóa cao hơn và tăng cường trải nghiệm xuyên suốt, liền mạch hơn cho khách hàng, dẫn đến những tác động mạnh mẽ về cấu trúc lao động.

Sự chuyển dịch của cấu trúc lao động trong ngành Ngân hàng do tác động của chuyển đổi số dẫn đến xuất hiện thêm các vị trí công việc liên quan đến công nghệ; những công việc lặp đi lặp lại và không cần tính sáng tạo sẽ được thay thế bởi robot và hệ thống tự động hóa, nhiều vị trí công việc sẽ chuyển hóa ứng dụng công nghệ trong ngành công nghiệp, quy trình xử lý. Sự chuyển dịch này làm gia tăng khoảng 8 - 9% nhu cầu về chất lượng, số lượng nguồn nhân lực lĩnh vực tài chính đến năm 2030 (McKinsey, 2020). Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF, 2020), có khoảng 65% công việc mới xuất hiện liên quan đến chuyển đổi số và khoảng 56% số lao động tại Đông Nam Á trong 20 năm tới có nguy cơ mất việc nếu không được trang bị kỹ năng, không đáp ứng được yêu cầu mới. Ngành Ngân hàng hiện đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ, điều này không cho phép duy trì sự trì trệ, bảo thủ. Sự thay đổi hành vi, sở thích của người dùng, quy định pháp lý, sự xuất hiện đối thủ cạnh tranh mới, các cơ hội công nghệ và đại dịch COVID -19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Các ngân hàng đang tiến tới ngân hàng số với các dịch vụ, sản phẩm được số hóa, ứng dụng công nghệ như AI, Blockchain... nhằm tối ưu hóa sản phẩm, dịch vụ và tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, để tiếp cận với ngân hàng số, yêu cầu nhân viên phải có hiểu biết và kỹ năng số cho những hoạt động được coi là đơn giản như thực hiện các hoạt động trên ứng dụng số hóa, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đã được số hóa... hay những công việc phức tạp hơn việc phân tích dữ liệu, thống kê, phát hiện các điểm lạ, kiểm tra và bảo vệ tệp dữ liệu... bằng các công cụ số.

2.2.2 Thực trạng nguồn nhân lực đáp ứng chuyển đổi số ngân hàng

Theo các chuyên gia, nhu cầu nhân lực cấp cao cho ngành Tài chính - Ngân hàng trong giai đoạn 2020 - 2025 được dự báo tăng 20% mỗi năm. Riêng tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này chiếm tỷ trọng 5% (khoảng 15.000 lao động) tổng số công việc cần tuyển dụng hằng năm. Trong đó, lao động có trình độ đại học và cao đẳng chiếm hơn 80% nhu cầu tuyển dụng. Nhu cầu nhân lực ngành Tài chính - Ngân hàng luôn nằm trong tốp đầu do tính chất rộng lớn của ngành này bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như: ngân hàng, tài chính doanh nghiệp, tài chính bảo hiểm, tài chính thuế,... Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng cao không có nghĩa là sinh viên nào sở hữu bằng đại học cũng dễ dàng xin việc. Theo nhiều khảo sát cho thấy, chỉ có 1/30 tân cử nhân có thể ứng tuyển thành công vào ngành này. Lý giải cho nghịch lý này, nhiều lãnh đạo quản lý trong ngành cho biết, ngoài việc tốt nghiệp đúng chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, sinh viên cần phải trang bị cho bản thân khả năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm và biết cách ứng dụng công nghệ trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, không phải ứng viên nào cũng đáp ứng đầy đủ những tiêu chí này.

CMCN 4.0 đã và đang tác động sâu rộng đến mọi ngành nghề và ngành Ngân hàng cũng không nằm ngoài luồng ảnh hưởng đó. Lĩnh vực ngân hàng đã và đang có các chiến lược tái cấu trúc về mặt số hóa hệ thống, từ công trình vận tải nền tảng số và giao dịch và quản lý. Tại Việt Nam, hệ thống LiveBank (TPBank) đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và đang phát triển để thay thế các giao dịch viên truyền thống. Điều này kéo theo nguy cơ mất việc làm của nhiều người lao động.

Một kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 95% ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số với nhiều ngân hàng đã phát triển các bộ phận chuyên nghiệp thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, sáng kiến đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có nhiều nghiệp vụ đã được một số ngân hàng số hóa hoàn toàn như gửi tiết kiệm; tiền gửi có kỳ hạn; mở và sử dụng tài khoản thanh toán; thẻ ngân hàng; ví điện tử; chuyển tiền; quản lý nhân sự; kế toán - tài chính...). Mặc dù các ngân hàng đã và đang gấp rút gia nhập cuộc đua chuyển đổi số, tuy nhiên các nguồn ứng viên là một trong những bài toán khó giải. Bởi lẽ, nguồn ứng viên trong mảng chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Về số lượng, ngân hàng có nhu cầu tuyển số lượng lớn và trong thời gian ngắn nhưng lượng ứng viên đạt được yêu cầu không đủ đáp ứng. Thêm vào đó, không chỉ phải cạnh tranh các nguồn nhân lực trong cùng lĩnh vực ngành nghề, các ngân hàng còn phải cạnh tranh với các lĩnh vực khác nhau như tài chính, thương mại điện tử, y tế giáo dục… đều muốn tuyển các ứng viên trong mảng này. Về chất lượng, không có nhiều ứng viên có kinh nghiệm để triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất, đạt được yêu cầu của ngân hàng. Cụ thể, trước đây, các ngân hàng thường ưa chuộng các ứng viên có nền tảng và đã có kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng khác. Tuy nhiên, hiện nay yêu cầu chuyển đổi số và phát triển kinh doanh của các ngân hàng thay đổi nên cần nhân sự có tư duy và năng lực phù hợp với chiến lược mới. Nhìn chung, việc tuyển dụng và thu hút, giữ chân các ứng viên công nghệ thông tin tại các ngân hàng luôn là “sự thật đau đầu” với nhà tuyển dụng. Các ứng viên này thường không gắn bó lâu dài vì họ có thể lựa chọn lĩnh vực đa dạng để làm việc. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh gắt gao giữa các công ty trên thị trường để thu hút ứng viên, các ngân hàng cũng phải đưa ra các chính sách tuyển dụng hấp dẫn về lương, thưởng và phúc lợi xã hội.

3. GIẢI PHÁP NÂNG CAO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO ĐÁP ỨNG CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÂN HÀNG

3.1 Đối với nhân lực hiện làm việc tại các ngân hàng

- Tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức kỹ năng số thường xuyên: việc đào tạo nâng cao kỹ năng số cần phải được tổ chức nhanh chóng, kịp thời và liên tục, chắc chắn cho cán bộ, nhân viên có thể tiếp cận ngay lập tức các sản phẩm số, ứng dụng số mới thuộc lĩnh vực ngân hàng. Do quá trình chuyển đổi số của các tổ chức ngân hàng là lâu dài, vì vậy, công việc đào tạo cũng phải được diễn ra thường xuyên liên tục, đáp ứng kỹ năng của từng giai đoạn chuyển đổi hay từng phần thay đổi số của tổ chức.

- Xây dựng chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên được đào tạo: đào tạo nguồn nhân lực trong tổ chức thường tiêu tốn từ một phần ba đến nửa chi phí hoạt động. Vì vậy, nuôi dưỡng nguồn nhân lực phù hợp để đảm bảo sự thành công của một tổ chức. Quá trình học tập này đòi hỏi sự cố gắng của cán bộ, nhân viên trong tổ chức, họ phải vừa học, vừa làm, vừa làm việc với hệ thống cũ (chưa chuyển đổi) và vừa làm việc với hệ thống mới (có chuyển đổi số). Do đó, các tổ chức ngân hàng cần có kế hoạch, chế độ đãi ngộ cán bộ, nhân viên phù hợp.

- Xây dựng lộ trình và chương trình đào tạo phù hợp: tùy theo trình độ, yêu cầu vị trí công việc của cán bộ, nhân viên, trước khi đào tạo cần thực hiện khảo sát trình độ năng lực của người được đào tạo, xác định năng lực tương ứng với các vị trí công việc, phân khúc, phân nhóm để đào tạo. Quá trình đào tạo nên kết hợp với trao đổi nhân lực giữa các tổ chức, chú trọng công nghệ số để giúp người được đào tạo có cơ hội thực hành, thực nghiệm ngay.

3.2 Đối với đào tạo tạo nguồn nhân lực tương lai tại các cơ sở giáo dục đào tạo ngân hàng

- Thứ nhất, cần nâng cao năng lực số cho chính đội ngũ cán bộ, giảng viên đào tạo và chuyển đổi số trong chính cơ sở giáo dục đào tạo nhằm tạo ra môi trường và động lực chuyển đổi số, hoàn thiện năng lực số cho người dạy và người học.

- Thứ hai, đổi mới chương trình đào tạo, phát triển các chương trình đào tạo mới, thường xuyên cập nhật kiến thức thực tế cho các học phần, chương trình đào tạo đã có. Chương trình giảng dạy cần được cập nhật cho phù hợp, học phần đào tạo năng lực cho sinh viên phải được thực hiện khảo sát thực tế và phân tích công việc ngành Tài chính Ngân hàng, thường xuyên xây dựng và đổi mới, đáp ứng được yêu cầu sử dụng tại các ngân hàng. Ngoài ra, yêu cầu sự thay đổi về chương trình đào tạo hoặc phát triển mã ngành đào tạo mới với nội dung kỹ năng số chiếm tỷ trọng cao.

- Thứ ba, ban hành các quy định về kỹ năng số cần thiết đối với sinh viên ngành Ngân hàng: các cơ sở giáo dục, đào tạo cần đưa ra những yêu cầu về kỹ năng số cần thiết đối với sinh viên ngành Ngân hàng, coi đó là tiêu chuẩn đầu ra để đảm bảo chất lượng đầu vào cho các tổ chức ngân hàng. Bằng cách đề xuất các khung đánh giá năng lực đối với sinh viên ngành Ngân hàng như các nền tảng kiến thức về công nghệ thông tin; các kiến thức chuyên sâu về khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ các nhà quản lý trong việc lập dự án, kế hoạch, điều hành và đưa ra quyết định tối ưu, xây dựng kế hoạch kế hoạch chiến lược cho tổ chức.

- Thứ tư, trao đổi nghiên cứu, làm việc giữa các tổ chức ngân hàng và cơ sở giáo dục đào tạo: quá trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực mới, tiếp nối cho tổ chức tổ chức ngân hàng. Để đảm bảo năng lực chuyên môn đầu ra theo mong muốn nói chung và yếu tố năng lực nói riêng, các tổ chức ngân hàng cần tạo điều kiện cho cán bộ tại cơ sở giáo dục đào tạo tham quan, học tập, làm việc và gia nhập tổ chức. Từ đó họ có thêm kinh nghiệm, kiến thức thực tế cho hoạt động giáo dục, trả lại nguồn lực tốt cho tổ chức trong tương lai. Không chỉ vậy, các tổ chức ngân hàng cũng cần tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động thực tập sớm, giúp sinh viên thấy được công việc thực tế và kỹ năng số cần thiết phải hoàn thiện khi ra trường và tham gia vào tổ chức.

4. KẾT LUẬN

Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu của tổ chức, của ngành Ngân hàng. Phát triển nguồn nhân lực đòi hỏi sự kế thừa, sáng tạo liên tục, đặc biệt trong những thời điểm chuyển đổi giai đoạn. Điều này xuất phát từ sự phát triển, thay đổi nhanh chóng của công nghệ ngân hàng. Nâng cao năng lực nguồn nhân lực được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng trong thời điểm hiện nay, trong đó, năng lực số là kỹ năng vô cùng cần thiết để đáp ứng sự cạnh tranh và hội nhập trong thời đại công nghệ 4.0.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Lê Cẩm Tú (2021). Chuyển đổi số trong ngân hàng: Cơ hội và thách thức. Tạp chí Ngân hàng: ">https://tapchinganhang.gov.vn/chuyen-doi-so-trong-ngan-hang-co-hoi-va-thach-thuc.htm.

- Lugovsky, V. (2021). Digital Transformation In Banking: How to make the change. ">https://www.forbes.com/sites/forbesbusinesscouncil/2021/2012/2029/digital-transformation-in-banking-how-to-make-the-change/?sh=2013e2026eb556999.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2021). Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Schwertner, K. (2017). “Digital transformation of business.” Trakia Journal of Sciences 15(1): 388-393.

- https://tapchinganhang.gov.vn/chuyen-doi-so-nganh-tai-chinh-ngan-hang-tai-viet-nam-trong-boi-canh-hau-covid-19.htm

- ">https://tapchinganhang.gov.vn/ung-dung-cong-nghe-so-trong-hoat-dong-ngan-hang-tai-viet-nam-thuc-trang-va-giai-phap.htm

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 3/2024

Lưu Phước Vẹn - Trần Thị Kim Khôi

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ