Nguyên nhân nào khiến hàng Việt bị "lãng quên" trên sàn thương mại điện tử?

13/08/2022 - 19:51
(Bankviet.com) Theo iPrice vừa công bố kết quả khảo sát thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, mặc dù đã tăng trưởng nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chưa nổi bật trên thị trường và khiến hàng Việt lâm vào cảnh lép về trước hàng ngoại nhập trên sàn TMĐT.

Thị trường gạo xuất khẩu Việt Nam tăng tuần thứ 5 liên tiếp

Khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng, giá nhiên liệu tăng chóng mặt

Giá gas hôm nay 11/10/2021: Giá khí đốt tự nhiên giảm trở lại

Khảo sát những mặt hàng được tìm mua từ các sàn TMĐT thông qua việc đếm số lượt tìm kiếm và xem sản phẩm, iPrice cho thấy, sản phẩm thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% mặt hàng được tìm mua trên 4 sàn TMĐT đa ngành Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo trong năm 2020 và nửa đầu 2021. Ở chiều ngược lại, có đến 83% số sản phẩm được quan tâm nhất trên sàn TMĐT này lại là hàng nhập khẩu.

1943-thuongmaidientu
Ảnh minh họa

Đáng lo ngại hơn khi con số này còn có dấu hiệu suy giảm từ 2020 sang 2021. Cụ thể, trong thời điểm năm 2020 tỷ lệ hàng hóa mang thương hiệu Việt trong top 1.200 sản phẩm bán chạy chiếm 20%. Trong đó so sánh giữa các sàn TMĐT, thương hiệu Việt được tìm mua nhiều nhất trên sàn TMĐT Sendo đạt tỷ lệ 25% trong số 300 sản phẩm phổ biến là hàng Việt Nam, theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%) và Shopee Việt Nam (13%).

Tuy nhiên, sang nửa đầu năm 2021, các mặt hàng thuộc thương hiệu Việt chỉ còn chiếm 14% sản phẩm được người tiêu dùng tìm mua. Dẫn đầu trong chỉ số này giữa các sàn năm 2021 tiếp tục là Tiki (21%) và Sendo (16%). Báo cáo iPrice ghi nhận hàng Việt lại bán chạy trong danh mục bách hóa online, chiếm tỷ trọng cao trên 2 sàn nội địa, trong đó Sendo có đến 81% sản phẩm thuộc nhà sản xuất trong nước và Tiki là 63%. Ngoài ra trên 2 sàn này mặt hàng nông sản, đặc sản chiếm 27% các sản phẩm bán chạy.

iPrice cũng đã chỉ ra sự khác biệt giữa các sản phẩm thương hiệu Việt so với sản phẩm nước ngoài trên sàn TMĐT. Theo đó trong khi thương hiệu nước ngoài đẩy mạnh bán hàng trên sàn TMĐT, thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng kênh phân phối này để tiêu thụ sản phẩm.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến hàng Việt lép vế trên sàn TMĐT là bởi từ năm 2019 hầu hết sàn TMĐT thuần Việt như Robins.vn, Adayroi.vn, Lotte.vn và vuivui.com đã dừng hoạt động. Hiện trên thị trường TMĐT chỉ tồn tại 4 sàn TMĐT gồm Lazada, Sendo, Tiki, Shopee trong đó sàn TMĐT Lazada của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) còn Shopee là đơn vị thành viên cùa Công ty Sea Limited (Singapore).

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, việc nước ngoài chiếm đến 50% số lượng sàn TMĐT đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy TMĐT Việt Nam đang bị nước ngoài chi phối giống như siêu thị bán lẻ trực tiếp, có khác chăng chỉ là một cái click chuột.

Đại diện sàn TMĐT Sendo cho rằng, chất lượng hàng Việt không hề thua kém hàng ngoại nhập, được người tiêu dùng tín nhiệm, nhưng doanh nghiệp sản xuất chưa quan tâm đúng mức đến việc bán hàng trên "chợ mạng" mà chủ yếu dựa vào kênh hệ thống chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, siêu thị…Chủ tịch sàn TMĐT Sen Đỏ Nguyễn Đắc Việt Dũng chia sẻ, Sen Đỏ đã gặp nhiều đơn vị hoàn toàn dựa vào bán lẻ truyền thống để tiêu thụ sản phẩm, nhưng dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ hàng Việt thông qua hình thức này đứt gẫy nên mới tìm cách đưa sản phẩm lên sàn TMĐT.

Để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt lên sàn TMĐT tiêu thụ, Tiki là sàn TMĐT duy nhất trong 4 sàn TMĐT bắt buộc người bán phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Quy định này vô hình chung làm giảm một lượng nhà bán chuyên nhập hàng ngoại về bán lại, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi đó, Sendo phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức các chương trình Gian hàng Việt, xúc tiến đưa nông sản trên cả nước lên sàn TMĐT trong dịch Covid-19. Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong mặc dù các sàn TMĐT đã hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt nhưng để hàng Việt phổ biến hơn trên TMĐT đòi hỏi chính bản thân doanh nghiệp nỗ lực triển khai hoạt động này, qua đó thêm kênh tiêu thụ hàng hóa. Mặt khác dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng đã dần quen mua hàng trên sàn TMĐT và sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán