Thị trường chứng khoán Việt Nam có một tháng giao dịch tích cực nhất trong nhiều năm trở lại đây. VN-Index tăng 10,34%, khép lại tháng 1 ở 1.111,18 điểm. Nhóm VN30 tăng 11,93%, trở thành động lực dẫn dắt đà tăng của thị trường. Đà tăng của chỉ số được hỗ trợ từ dòng tiền từ khối ngoại và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán bất chấp việc thị trường có hai kỳ nghỉ lễ liên tiếp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch Quý Mão khiến dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước sụt giảm.
Thị trường hồi phục mạnh mẽ có đóng góp không nhỏ từ dòng vốn ngoại khi họ có tiếp tục mua ròng gần 3.800 tỷ đồng sau hai tháng giải ngân kỷ lục. Giao dịch ngược chiều với các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 4.878 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ xả ròng 9.228 tỷ đồng.
Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng hẳn bên bán với 15/18 các nhóm ngành bị bán ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu ngân hàng với giá trị lên tới 3.174 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu vua có tháng giao dịch mạnh với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 22,36% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tháng liên tiếp, chỉ số giá ngành tăng 13,24% trong tháng. Điều này cho thấy nhóm này tiếp tục có cầu vào mạnh.
Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 1.673 tỷ đồng ở nhóm dịch vụ tài chính và 1.656 tỷ đồng cổ phiếu tài nguyên cơ bản, 1.322 tỷ đồng nhóm bất động sản trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như thực phẩm & đồ uống (590 tỷ đồng), dầu khí (341 tỷ đồng), công nghệ thông tin (309 tỷ đồng), bán lẻ (226 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (200 tỷ đồng), …
Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành hóa chất dẫn đầu danh mục giải ngân với hơn 577 tỷ đồng. Tương tự, nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp và hàng cá nhân & gia dụng cũng được gom ròng với giá trị lần lượt là 100 tỷ và 3 tỷ đồng.
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện HPG của nhóm thép với 1.562,3 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu duy nhất bị xả ròng hơn 1.000 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài.
Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát, SSI cũng bị bán ròng với giá trị 666,7 tỷ đồng. Kế đó, nhiều ông lớn ngành tài chính ngân hàng cũng nằm trong danh mục rút vốn là CTG (495,5 tỷ đồng), VPB (468,1 tỷ đồng), VND (426,9 tỷ đồng), STB (389,2 tỷ đồng), MBB (362,4 tỷ đồng).
Bộ ba cổ phiếu họ Vingroup đều nằm trong danh mục bán ròng, bao gồm VIC (561,9 tỷ đồng), VRE (375 tỷ đồng), VHM (268,8 tỷ đồng).
Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM (295,6 tỷ đồng), FPT (293,6 tỷ đồng), POW (242,1 tỷ đồng), VIB (225,9 tỷ đồng), BID (217,7 tỷ đồng), …
Chiều ngược lại, cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tháng vừa qua. Về tình hình kinh doanh, doanh thu lũy kế cả năm 2022 của DGC đạt 14.444 tỷ đồng tăng 51%, lợi nhuận sau thuế khoảng 6.040 tỷ đồng gấp 2,4 lần so với năm 2021. Như vậy, công ty vượt 19% kế hoạch doanh thu, vượt 73% mục tiêu lợi nhuận năm.
Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 305,8 tỷ đồng cổ phiếu DGC, trái ngược so với lực xả từ phía nhà đầu tư nước ngoài (243,9 tỷ đồng) và tổ chức trong nước (62,1 tỷ đồng).
Cùng chiều, hai đại diện ngành hóa chất là DPM và DCM cũng được gom ròng 175 tỷ đồng và 111,8 tỷ đồng. Tương tự loạt mã vốn hóa trung bình cũng nằm trong danh mục mua ròng như PVT, REE, KDC, NLG, NT2, BMP, … với quy mô dưới 110 tỷ đồng.
Thanh Tùng