Nhà đầu tư nên làm gì khi thị trường chứng khoán đang tiến sát đỉnh lịch sử?
Chỉ số chính thị trường chứng khoán VN-Index tiến sát đỉnh lịch sử 1.530 điểm. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo khả năng điều chỉnh ngắn hạn khi thị trường bước vào vùng nhạy cảm.
Phiên giao dịch ngày 23/7 ghi nhận mức tăng nhẹ của chỉ số VN-Index, thêm 2,77 điểm lên 1.512,31 điểm. Dù biên độ tăng không quá mạnh, thị trường vẫn giữ được sắc xanh nhờ sự hỗ trợ đáng kể từ nhóm ngân hàng và chứng khoán – hai nhóm cổ phiếu đang thu hút dòng tiền mạnh mẽ nhất hiện tại.

Trái ngược với lực cầu tốt tại các mã tài chính, nhóm cổ phiếu họ Vingroup lại trở thành lực cản lớn nhất trong phiên. Ba mã VIC, VHM và VRE đồng loạt giảm, trong đó riêng VIC và VHM đã kéo lùi chỉ số hơn 5 điểm. Đây cũng là hai cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến thị trường trong phiên hôm nay.
Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng tiếp tục cho thấy vai trò nâng đỡ chỉ số. VPB dẫn đầu đà tăng với thanh khoản lên tới 1.710 tỷ đồng – cao nhất toàn thị trường. Các mã ngân hàng khác như MBB, TPB, VIB, ACB và SHB đều tăng điểm, góp phần giúp VN-Index giữ vững vùng 1.510 điểm.
Dòng tiền đầu cơ tiếp tục tìm đến nhóm cổ phiếu chứng khoán. CTS và VDS đóng cửa tăng trần, VIX có thời điểm chạm trần trước khi hạ nhiệt. SSI và VIX cũng lần lượt ghi nhận thanh khoản vượt 1.000 tỷ đồng, nằm trong top 3 cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất sàn HoSE.
Bên cạnh nhóm tài chính, cổ phiếu hàng không Vietjet (VJC) cũng gây bất ngờ khi tăng trần phiên thứ hai liên tiếp, lên 108.800 đồng/cổ phiếu. Dù không có thông tin hỗ trợ rõ ràng, VJC vẫn dư mua trần hơn 2 triệu cổ phiếu khi kết phiên, trong khi bên bán hoàn toàn trống trơn. Một mã khác trong ngành là HVN cũng tăng 2,7% lên 34.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng giá trị giao dịch trên HoSE tiếp tục duy trì ở mức rất cao, đạt hơn 37.900 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 100 tỷ đồng, cho thấy tâm lý tích cực vẫn duy trì trong bối cảnh thị trường tiếp cận vùng nhạy cảm về điểm số.
So với đỉnh lịch sử 1.535 điểm thiết lập đầu năm 2022, VN-Index hiện chỉ còn cách chưa đến 1,5%, tương đương hơn 20 điểm. Đây là vùng có ý nghĩa kỹ thuật quan trọng, nơi thị trường thường ghi nhận sự giằng co quyết liệt giữa bên mua và bên bán.
Dù VN-Index chỉ còn cách đỉnh lịch sử hơn 20 điểm, nhiều công ty chứng khoán đã lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư nên cẩn trọng với rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn. Diễn biến hiện tại cho thấy thị trường đang bước vào giai đoạn giằng co mạnh khi lượng cung bắt đầu gia tăng ở vùng giá cao, trong khi bên mua có phần thận trọng.
Theo Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), việc thanh khoản đột biến nhưng biên độ tăng không tương xứng là tín hiệu điển hình cho một nhịp phân phối tiềm ẩn. "Đây là thời điểm không phù hợp để mua đuổi, thay vào đó nên tập trung bảo toàn thành quả, chốt lời dần những cổ phiếu đã tăng nóng", báo cáo của CSI nêu.
Tuy vậy, thị trường vẫn còn động lực tăng đến từ các nhóm cổ phiếu chưa bị định giá quá cao. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng xu hướng tăng vẫn còn hiệu lực nếu chỉ số tích lũy tốt tại vùng cao hoặc có phiên bứt phá với thanh khoản mạnh hơn. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư bám sát diễn biến của dòng tiền, tránh sử dụng đòn bẩy cao, đồng thời lựa chọn cổ phiếu theo tiêu chí: Chưa tăng nóng, có triển vọng lợi nhuận và đang trong vùng tích lũy ngắn hạn.