Nhận diện điểm nghẽn và giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024

21/07/2024 - 09:11
(Bankviet.com) Xác định giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng, là động lực chính trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và kiến nghị giải pháp để kịp thời tháo gỡ.
quang-canh-hoi-nghi.jpg
Quang cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024 sáng ngày 17/6

35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thông tin về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn năm 2024.

Theo đó, đến ngày 10/7, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 639,4 nghìn tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 8,2 nghìn tỷ đồng của 20/44 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương, vốn ngân sách địa phương là 21,7 nghìn tỷ đồng của 23/63 địa phương. Uớc thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6 là 196,7 nghìn tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%.

Có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, trong đó một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao là: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Đài Truyền hình Việt Nam; Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Các địa phương: Nam Định; Thanh Hóa; Lào Cai; Phú Thọ; Bà Rịa Vũng Tàu; Tiền Giang.

- Tỷ lệ giải ngân vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đạt 78,23% kế hoạch; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thuộc 3 CTMTQG đạt 35,43%, cao hơn trung bình của cả nước (29,39%), cải thiện đáng kể so 6 tháng đầu năm 2023 (28,23%).

Cùng với những mặt đạt được đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt chưa được như: Tỷ lệ giải ngân chung của cả nước 06 tháng đầu năm 2024 đạt 29,39%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (30,49%); số lượng bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước còn cao; nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng còn thấp; tỷ lệ giải ngân vốn của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn thấp.

Nhận diện "điểm nghẽn"

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra 10 khó khăn, vướng mắc chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu năm công năm 2024, gồm:

Một là, khó khăn về nguồn thu NSĐP: Kế hoạch vốn NSĐP năm 2024 cao hơn khoảng 89 nghìn tỷ đồng so với năm 2023. Số vốn này chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết. Tuy nhiên, do tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động, kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất của các địa phương chưa thể thực hiện được, ảnh hưởng lớn tới nguồn vốn chi cho đầu tư công của các địa phương.

Hai là, việc chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phải thực hiện rất nhiều thủ tục tại nhiều cơ quan từ địa phương đến trung ương ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của dự án.

Ba là, công tác bồi thường, GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, phê duyệt khung chính sách tái định cư, phê duyệt đơn giá đất còn chậm, kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm.

Bốn là, tình trạng thiếu đất, cát đắp nền tiếp tục diễn ra, ảnh hướng tới tiến độ thực hiện nhiều dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, dự án trọng điểm đường liên vùng, đường ven biển.

bo-truong-nguyen-chi-dung.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Năm là, giá nguyên, nhiên vật liệu biến động do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Giá đá, cát xây dựng tiếp tục tăng do tình trạng khan hiếm. Giá bán xi măng trong nước tương đối ổn định nhưng có sự chênh lệch theo từng khu vực.

Sáu là, tình trạng sụt lún, sạt lở các tuyến đường giao thông và khô cạn nước trên các tuyến kênh rạch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư vào công trình, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

Bảy là, còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Tám là, riêng các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài: (1) Một số nhà tài trợ can thiệp tương đối sâu về mặt kỹ thuật vào quá trình triển khai dự án của phía Việt Nam hoặc có yêu cầu máy móc, không phù hợp điều kiện thực tế, quy định của Việt Nam; (2) Tại một số dự án, trong khi gói thầu xây lắp đã hoàn thành công tác đầu thầu, ký hợp đồng để khởi công nhưng gói thầu tư vấn giám sát chưa đấu thầu xong do nhà tài trợ yêu cầu phải thực hiện quy trình lựa chọn nhà thầu quốc tế, qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian hơn. (3) Năng lực quản lý và thực hiện của một số chủ dự án và BQLDA, đặc biệt ở cấp cơ sở, còn hạn chế ; thành viên BQLDA làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, kỹ năng quản lý dự án không đáp ứng yêu cầu, đặc biệt về trình độ ngoại ngữ ; (4) Việc quy định giải ngân vốn ODA cấp phát phải đồng bộ với vốn ODA vay lại của dự án ODA do địa phương quản lý khiến một số dự án gặp nhiều khó khăn, dù có được bổ sung kế hoạch vốn ODA cấp phát nhưng không thể giải ngân được do hạn mức vốn ODA vay lại đã hết và muốn điều chỉnh hạn mức phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm cơ bản không còn đủ thời gian để giải ngân.

Chín là, vướng mắc mang tính đặc thù của đầu tư công: Tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, BQLDA và cả nhà thầu.

Mười là, tuy nhiên, nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là do công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; cùng mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt; trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.

Giải pháp đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thường trực Chính phủ chỉ đạo:

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương: chủ động thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; lấy dự án 500 kV mạch 3 làm hình mẫu điển hình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện các dự án.

Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án; lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB các dự án; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; thực hiện các thủ tục thanh toán trong thời hạn 5 ngày làm việc; tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm; đảm bảo nguồn vốn NSĐP cho chi đầu tư phát triển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp thu kết luận của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của Thường trực Chính phủ và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tại Hội nghị, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 06 tháng cuối năm 2024 trước ngày 31/7/2024.

Cùng với đó, nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các Luật liên quan theo hướng đơn giản hóa, tháo gỡ các chồng chéo, vướng mắc, tăng cường phân cấp, phân quyền, đảm bảo công khai, minh bạch … đặc biệt là các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Đồng thời, tiếp thu, giải trình các ý kiến của Thành viên Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 ngay sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết điều chỉnh.

Mặt khác, tổ chức, hướng dẫn triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 theo đúng thời gian quy định.

Bộ Tài chính rà soát, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư công tại Luật Ngân sách nhà nước như nhiệm vụ chi của NSĐP để đầu tư dự án qua địa bàn 2 địa phương, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các công trình thuộc phạm vi quản lý của trung ương, đơn giản hóa quy trình giải ngân của các khoản viện trợ không hoàn lại...

Bên cạnh đó, phối hợp với nhà tài trợ, các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ; Nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về cho vay lại từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo hướng đơn giản, hài hòa tối đa các quy định, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ.

Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc và các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; Kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành cho các dự án ngay khi đã đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Các Bộ Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm, dự án đường liên vùng, đường ven biển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về công tác chuyển đổi đất rừng, đất lúa; rà soát các quy định, trường hợp cần thiết, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng theo tháng; theo dõi sát tình hình, kiểm soát giá thị trường vật liệu xây dựng; Hướng dẫn, xử lý các vướng mắc của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan tới quy hoạch đô thị, nghiệm thu công trình xây dựng.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ được giao nghiên cứu, khẩn trương xử lý các kiến nghị của các đại biểu dự Hội nghị theo thẩm quyền; đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đối với những nội dung vượt thẩm quyền.

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ