Sau tuần giao dịch như mơ đầu tháng 7, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua 3 tuần điều chỉnh liên tiếp và chạm đáy thấp nhất tại vùng 1.218 điểm trong tuần qua. Lực bán mạnh đẩy thị trường chìm sâu ngay trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, những phiên sau đó chứng kiến nỗ lực cân bằng trở lại của dòng tiền. Nỗ lực bắt đáy giúp chỉ số phục hồi hơn 20 điểm kể từ mức thấp nhất tuần. Nhóm vốn hóa lớn chịu chung số phận chung với nhóm cổ phiếu Midcap, Penny, áp lực bán trải dài trên bình diện thị trường và chỉ thực sự hạ nhiệt trong phiên giao dịch cuối tuần. Điểm nhấn đáng chú ý khác là thanh khoản trở lại tình trạng "đìu hiu chợ chiều" trong 2 phiên giao dịch cuối tuần khi sự thận trọng bao trùm tâm lý thị trường. Đóng cửa tuần giao dịch 22/7-26/7, chỉ số chính VN-Index đóng cửa ở mức 1.242,11 điểm -22,67 điểm (-1,79%).
Thanh khoản tuần qua sụt giảm 19,8% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HSX đạt 623 triệu cổ phiếu (-17,46%), tương đương 16,096 tỷ đồng (-17,42%) về giá trị giao dịch.
Lực cầu có tín hiệu gia tăng trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng chưa đủ mạnh để chiến thắng áp lực cung khá mạnh trong 2 phiên đầu tuần. Vì vậy số ngành giảm điểm vẫn chiếm áp đảo trong tuần qua với (17/21 nhóm ngành giảm điểm). Áp lực chốt lời dâng cao ở nhóm Công nghệ viễn thông (-11,61%) sau quá trình tăng nóng trước đó. Nhóm nhạy với thị trường là Chứng khoán (-6,02%) cũng chứng kiến áp lực bán khá mạnh trong tuần, nối tiếp là Hóa chất (-5,84%), Dệt may (-5,76%)… Trên đà tăng điểm có Nhựa (+2,66%), Dược phẩm (+0,97%), Hàng không (+0,72%) đều là những nhóm có vốn hóa trung bình và nhỏ.
Khối ngoại có tuần mua ròng trở lại sau liên tiếp 20 tuần bán ròng trên sàn HSX. Tính đến hết tuần, khối ngoại mua ròng +457 tỷ đồng trên sàn HSX. Tâm điểm mua ròng tuần qua là 1 số cổ phiếu tiêu biểu như: KDC (+470 tỷ đồng), SBT (+439 tỷ đồng), VNM (+232 tỷ đồng),... Ở chiều ngược lại nhóm nhà đầu tư ngoại vẫn bán ròng mạnh ở 1 số cổ phiếu: DGC (-420 tỷ đồng), SSI (-289 tỷ đồng), MWG (-208 tỷ đồng),...
Tiếp tục quán tính tăng điểm về vùng 1.250 - 1.255
Chứng khoán BIDV (BSC)
VN-Index giao dịch trong vùng 1.235 - 1.240 điểm trong ngày 26/7 và đóng cửa tại mốc 1.242,11 điểm, tăng gần 9 điểm so với phiên liền trước. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 16/18 ngành tăng điểm, trong đó ngành Dầu khí và Công nghệ thông tin dẫn đầu đà tăng. Ở chiều ngược lại, ngành Bán lẻ có phiên giao dịch không tích cực.
Trong những phiên giao dịch tới, thị trường có thể tiếp tục quán tính tăng điểm về vùng 1.250 - 1.255 điểm. Tại đây, VN-Index cần một cây nến chỉ hướng với thanh khoản ủng hộ để xác nhận đà hồi phục.
Hồi phục hướng tới ngưỡng kháng cự quanh mốc 1.255 điểm
Chứng khoán Kiến Thiết (CSI)
Đà giảm có tín hiệu chững lại, song sự đảo chiều tăng điểm vẫn chưa được xác nhận khi mà các phiên hồi phục tăng điểm có khối lượng sụt giảm và ở mức rất thấp. Điểm tích cực là VN-Index đã test ngưỡng hỗ trợ 1.219 điểm và tăng khá tốt về điểm số. Khả năng VN-Index đang trong tín hiệu hồi phục với kỳ vọng hướng tới ngưỡng kháng cự quanh mốc 1.255 điểm (là ngưỡng hỗ trợ đã bị phá vỡ trong tuần qua) trước khi tích lũy để hình thành xu hướng mới hơn.
Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thận trọng, cần kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn trước khi mở thêm vị thế mua mới và hạn chế việc bán sau khi VN-Index đã giữ vững thành công ngưỡng hỗ trợ 1.219 điểm.
Vùng 1.230 sẽ là hỗ trợ quan trọng
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN)
Trải qua nhịp giảm mạnh gần 80 điểm (1.295 về 1.218) nhịp nảy lại hiện tại vẫn đang mang nhiều tính chất của đợt hồi phục ngắn hạn. Nhà đầu tư cần lưu ý ngưỡng kháng cự 1.245 – 1.250, đây là thử thách quan trọng của VN-Index trong tuần sau. Trong khi đó nhóm phân tích đánh giá vùng 1.230 sẽ là hỗ trợ quan trọng. Điểm số kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức -2 điểm (trung tính) ... Hệ số P/E của VN-Index hiện tại là 15,4x.
Tiếp tục trạng thái được nâng đỡ
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường có diễn biến hồi phục và trở lại vùng 1.242 điểm sau khi được nâng đỡ tại vùng MA(150), 1.230 điểm. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, cho thấy nguồn cung tạm thời chưa gây áp lực lên thị trường. Tuy nhiên, nhìn chung dòng tiền cũng chưa có khởi sắc mặc dù thị trường tăng điểm khá tốt.
Có khả năng thị trường sẽ tiếp tục trạng thái được nâng đỡ và thăm dò nguồn cung nhưng dự kiến vùng cản 1.245 – 1.250 điểm sẽ gây áp lực cung cho thị trường trong thời gian tới. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trước trạng thái bất ổn của thị trường và giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn. Đồng thời vẫn cần cân nhắc những đợt hồi phục của thị trường để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Kiểm tra lại vùng giá quanh 1.255 điểm
Chứng khoán SHS
Trong ngắn hạn, chỉ số VN-Index đang có xu hướng kiểm tra lại vùng giá quanh 1.255 điểm, là vùng giá cao nhất năm 2023, cũng như đường xu hướng ngắn trung hạn nối các vùng giá thấp nhất tháng 11/2023, 04/2024 và 07/2024 kéo dài hiện nay.
Trong trường hợp tích cực, VN-Index cần vượt lên vùng kháng cự quanh 1.255 điểm, giá cao nhất năm 2023 để cải thiện xu hướng ngắn và trung hạn.
Điểm tích cực là thị trường phân hóa mạnh, nhiều mã khá tích cực tăng giá tốt hơn, hướng đến, kỳ vọng vượt vùng đỉnh cũ khi có kết quả kinh doanh quý II/2024 tăng trưởng tốt như một số mã trong nhóm bất động sản khu công nghiệp, phân phối khí, nhựa, vận tải dầu khí, xăng dầu..., một số mã công nghệ có xu hướng phục hồi lại đỉnh cũ.
Nhận định chứng khoán phiên 23/7: Tiến gần về vùng 1.240 điểm Thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận thêm một phiên điều chỉnh mạnh, theo đó, quán tính giảm điểm của thị trường được dự ... |
Nhận định chứng khoán phiên 25/7: Tiếp đà hồi phục? Thị trường chứng khoán phiên 24/7 đảo chiều hồi phục sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp, tuy nhiên thanh khoản vẫn là bài toán ... |
Nhận định chứng khoán phiên 26/7: Bước vào "thị trường gấu"? Thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận thêm một phiên giảm điểm, nhưng thanh khoản mới là điều đáng báo động phiên hôm nay... |
Nguyên Nam