Cổ đông mạnh tay gom hàng
Sở giao dịch chứng khoán TP HCM ngày 5/1 có báo cáo liên quan đến giao dịch cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCOM: VBB). Cụ thể, ông Dương Nhất Nguyên, Chủ tịch HĐQT Vietbank đã đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu VBB nhằm gia tăng sở hữu cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Thời gian giao dịch dự kiến diễn ra từ 9/1/2024 - 7/2/2024.
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng bật tăng khá tốt sau 1 năm dài ảm đạm |
Trước đó, HDBank (HDB) có thông báo về giao dịch cổ phiếu của người nội bộ ngân hàng là ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT. Cụ thể, ông Thanh đã mua vào thành công 1,98 triệu cổ phiếu HDB với mục đích đầu tư. Giao dịch được thực hiện từ ngày 23/11 đến 22/12/2023 theo hình thức khớp lệnh. Xét theo thị giá cổ phiếu HDB giai đoạn này là hơn 18.000 đồng/cp, ước tính ông Thanh đã chi gần 36 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.
Trong khi đó, SeABank (SSB) cũng có thông báo về việc bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch thường trực HĐQT đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu SSB nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 29/12/2023 đến 26/1/2024, theo phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh trên sàn.
Tại Techcombank, 3 người con của Chủ tịch Hồ Hùng Anh đăng ký mua vào hơn 174,1 triệu cổ phiếu TCB. Trong đó, bà Hồ Minh Anh, mua vào 72,1 triệu cổ phiếu TCB, tương ứng gần 2,05% vốn ngân hàng; ông Hồ Anh Minh mua 34,4 triệu cổ phiếu TCB, nâng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng từ 3,92% (137,9 triệu cổ phiếu) lên 4,9% (172,3 triệu cổ phiếu); bà Hồ Thủy Anh mua 67,7 triệu cổ phiếu.
MB mới đây cũng thông báo về giao dịch mua cổ phiếu của Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC), tổ chức có liên quan người nội bộ nhà băng là bà Vũ Thái Huyền, Thành viên HĐQT MB. Trong đó, bà Huyền cũng là người đại diện vốn sở hữu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - chủ sở hữu SIC - tại MB.
MB cho biết SIC đã đăng ký mua gần 1,4 triệu cổ phiếu MBB dưới hình thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ ngày 27/12/2023 đến ngày 25/1/2024. Mục đích là để đầu tư tài chính. Nếu hoàn tất giao dịch, SIC sẽ nâng lượng cổ phiếu MBB nắm giữ từ 3 triệu cổ phiếu (chiếm 0,058% vốn) lên 4,38 triệu cổ phiếu (chiếm 0,084% vốn).
Cổ phiếu ngân hàng ấm trở lại
Tuần giao dịch đầu năm 2024, thị trường chứng khoán gây ấn tượng với chuỗi tăng liên tiếp. VN-Index dễ dàng vượt mốc kháng cự mạnh ở 1.150 điểm, tăng 2,19% so với tuần cuối năm 2023, lên mức 1.154,68 điểm. Điểm nhấn là thanh khoản tăng mạnh, có phiên đạt trên 1 tỦ USD.
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng bật tăng khá tốt sau 1 năm dài ảm đạm. Trong đó, các mã tăng mạnh nhất là MBB (+9,92%), VCB (+7,35%), OCB (+7,15%), CTG (+7,01%), SHB (+6,94%)... Thậm chí, một số mã như BID của NH Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), ACB của NH Á Châu còn vượt đỉnh lịch sử. Cổ phiếu BID chốt tuần ở mức 44.500 đồng, cao hơn mức đỉnh 44.000 đồng được lập đầu năm 2022. Cổ phiếu ACB cũng leo lên 25.450 đồng, chạm mức cao nhất trong quá khứ là 25.550 đồng lập vào tháng 7-2021.
Một vài cổ phiếu khác như VCB, HDB, STB cũng đang hướng đến vùng đỉnh cũ, được lập vào giai đoạn 2021-2022. Nhiều nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu "vua" bày tỏ sự vui mừng khi lần đầu tiên sau nhiều tháng, nhóm ngành này mới trở lại vai trò dẫn dắt thị trường.
Chứng khoán SHS nhận xét nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng tăng giá đến từ thông tin tăng trưởng tín dụng năm 2023 gần đạt chỉ tiêu đề ra và ngân hàng Nhà nước mạnh tay phân bổ toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 về cho tất cả ngân hàng thương mại, thay vì phân nhỏ giọt từng đợt như những năm trước. Điều này giúp các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong hoạt động cho vay của mình.
Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhận định việc trở lại của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường đi kèm với sự bùng nổ mạnh về thanh khoản - dòng cổ phiếu NH. Điều đó cho thấy những dấu hiệu của dòng tiền lớn gia nhập thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Bảo Trân, Trưởng Phòng Phân tích Khối vĩ mô và Chiến lược - Công ty Chứng khoán Mirae Asset, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 của ngành ngân hàng tăng mạnh lên mức 13,5% từ con số thấp trước đó sẽ góp phần phục hồi lợi nhuận trong năm 2024. Ngoài ra, tín dụng tăng cao hơn dự kiến còn có tác động tích cực đến việc giảm tỉ lệ nợ xấu. Đây là những thông tin tích cực đối với nhóm cổ phiếu "vua".
"Dù các ngân hàng có thể vẫn phải gánh mức trích lập dự phòng năm 2024 cao tương đương năm 2023 nhưng với kỳ vọng tỉ lệ nợ xấu sớm đạt đỉnh, nhiều khả năng các chỉ số chất lượng tài sản của NH sẽ sớm phục hồi trong giai đoạn cuối năm 2024, trễ nhất là năm 2025. Động lực tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 sẽ bao gồm các yếu tố như: sự phục hồi của biên lãi ròng (NIM), tăng trưởng tín dụng cao hơn, đặc biệt là kỳ vọng ngành bất động sản phục hồi" - bà Bảo Trân nhìn nhận.
Nhiều chuyên gia khác cũng tin rằng với mức tăng trưởng tín dụng nhảy vọt trong những tuần cuối của năm 2023, thu nhập lãi sẽ đóng góp chính vào lợi nhuận của ngân hàng trong thời gian tới.
Thị trường chứng khoán ngày 8/1/2024: Thông tin trước giờ mở cửa Điểm nhấn thanh khoản, chứng khoán khởi sắc tuần đầu năm mới; Công ty Đồng Tân "tiến quân" lên sàn UPCoM; Cổ phiếu DZM có ... |
Đầu tư công được kỳ vọng dẫn dắt nhóm xây dựng, vật liệu xây dựng năm 2024 Chứng khoán Agriseco kỳ vọng đầu tư công tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng chính trong năm 2024, giúp nhiều ngành hưởng lợi ... |
Làm gì để giữ chân khối ngoại ở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam? Tháng 12/2023, các nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) đã lập được “thành tích” về tháng bán ròng mạnh nhất trong năm 2023 trên ... |
Nguyên Nam