Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Số liệu thống kê được đưa ra trong Bản tin tổng hợp kinh tế - tài chính vừa công bố, các chuyên gia của MSB Research cho biết, trong tháng 3/2022, giá dầu WTI và giá dầu Brent trên thế giới đều cho thấy xu hướng tăng rất mạnh, sau khi cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine được châm ngòi. Có những thời điểm giá hai loại dầu trên đã ở quanh ngưỡng 130 USD/thùng, là mức cao nhất trong vòng 13 năm trở lại đây.
Mặc dù đã có những sự điều chỉnh nhất định, song hiện tại giá dầu đang cho thấy xu hướng tăng trở lại do diễn biến chiến tranh vẫn chưa hạ nhiệt và phương Tây đang tiến tới các lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.
Trên thị trường quốc tế, có những dự báo giá dầu có thể đạt 150 USD/thùng, hoặc thậm chí đạt 300 USD/thùng nếu EU từ bỏ dầu của Nga.
Về Hiệp hội các quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC, khối này vẫn giữ kế hoạch tăng sản lượng nhỏ giọt bất chấp giá dầu tăng, càng dấy lên quan ngại chênh lệch cung cầu.
MSB Research cho biết, giá dầu tăng cao đang ảnh hưởng tiêu cực lên toàn cầu khi áp lực lạm phát của nhiều quốc gia hiện đã ở mức cao do quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. CPI theo năm của Mỹ hiện đang ở mức 7,9%; tại Eurozone là 5,9%; Anh là 6,2%; bên cạnh đó còn rất nhiều quốc gia đang phát triển có mức CPI quanh mức 10%.
Trở lại với Việt Nam, MSB Research cho biết, CPI bình quân hai tháng đầu năm nay của Việt Nam tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái, tức là vẫn nằm trong mức lạm phát mục tiêu dưới 4% của Chính phủ cho năm 2022. Điều này có nghĩa diễn biến giá cả trên thị trường vẫn nằm trong mức cho phép, chưa gây tác động xấu đối với nền kinh tế và đời sống của người dân.
Mặc dù vậy, theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5%. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế (trích báo điện tử Diễn đàn Doanh nghiệp), các ngành có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá xăng dầu tăng cao là vận tải và ngành thủy sản đánh bắt xa bờ.
Một con số đáng chú ý khác là tính tới ngày 15/3 cả nước nhập khẩu hơn 1,93 triệu tấn xăng dầu các loại, tổng kim ngạch lên đến gần 1,7 tỷ USD. Trong đó, khối lượng nhập khẩu chỉ tăng 20% nhưng kim ngạch đã tăng tới 104%. Đây là dấu hiệu rõ rệt cho thấy hiện tượng nhập khẩu lạm phát đang diễn ra đối với Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trong trung – dài hạn.
Theo MSB Research, trong ngắn hạn, Chính phủ và Quốc hội cũng đã có các biện pháp ngăn chặn đà tăng giá xăng dầu ảnh hưởng tới kinh tế quốc gia. Cụ thể, ngày 22/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, giao nhiệm vụ cho Bộ Công thương điều hành cân đối cung cầu thị trường. Bộ Công thương cũng đã đưa ra đề xuất tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt đối với kịch bản giá dầu tăng mạnh lên khoảng từ 130 – 150 USD/thùng.
Tiếp đó, ngày 25/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn so với hiện hành; riêng mức thuế với dầu hỏa giảm đến 70%. Theo đó, kể từ ngày 1/4 - 31/12/2022, mỗi lít xăng giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.
Như vậy, có thể thấy giá xăng dầu đang là bài toán lớn đối với kiểm soát lạm phát và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Mặc dù so với thế giới, Việt Nam đang có điều kiện tốt hơn rất nhiều khi lạm phát bình quân còn ở mức tương đối thấp và giá dầu được nhà nước hỗ trợ điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, một lần nữa cần lưu ý tình hình chiến sự tại Nga và Ukraine vẫn chưa kết thúc, năng lực sản xuất của OPEC+ cũng đang gặp nhiều dấu hỏi lớn, việc giá dầu tăng sốc trở lại là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
MSB Research cho rằng, lạm phát tăng nhanh do chi phí đẩy trong thời gian tiếp theo là điều khó tránh khỏi. Các ngành nghề nói chung và ngành ngân hàng nói riêng sẽ ít nhiều gặp trở ngại và nên thận trọng nếu các kịch bản xấu trở thành hiện thực.