Tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội
Sáng 1/7, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 17 - HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen. Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, thành phố đã tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược như hoàn thiện thể chế và xây dựng nền quản trị hiện đại, hoàn thiện các chính sách phát triển Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải báo cáo tại Kỳ họp |
Đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nội dung công việc quan trọng: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80 ngày 24/5/2024 về 2 đồ án Quy hoạch. Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô và xem xét, cho ý kiến đối với 2 Quy hoạch với quyết tâm xây dựng phát triển Thủ đô với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh.
Thành phố đôn đốc đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao), đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; dự án đường Âu Cơ đoạn từ khách sạn Thắng Lợi - cầu Nhật Tân; triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, hoàn thành Quy định về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư...
Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư. Với nhiều biện pháp được triển khai quyết liệt và phù hợp với thực tiễn của thành phố, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, GRDP 6 tháng đầu năm tăng 6%, cao hơn so với cùng kỳ (5,97%).
Quang cảnh kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI |
Cân đối thu, chi ngân sách được đảm bảo. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 6 tháng thực hiện là 252,1 nghìn tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ (thu nội địa là 237.747 tỷ đồng, chiếm 94,3%). Tổng chi ngân sách địa phương ước 6 tháng thực hiện là 48 nghìn tỷ đồng, đạt 34% dự toán năm (chi đầu tư phát triển 22,9 nghìn tỷ đồng).
Với kết quả thu ngân sách trên địa bàn nêu trên, thu ngân sách địa phương được hưởng theo điều tiết 6 tháng đầu năm 2024 là 67.457 tỷ đồng, đạt 52,3% dự toán, đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch. Vốn đầu tư phát triển xã hội tăng khá, đạt 208,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% - cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên thu về nhà, đất so với dự toán còn thấp (ước đạt 33,7%). Nguyên nhân chủ yếu do dự toán năm 2024 cao, bằng 2,1 lần so với dự toán năm 2023 và bằng 2,4 lần so với thực hiện năm 2023. Cơ chế chính sách vẫn còn những vướng mắc đang được tháo gỡ…
Tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm
“Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 6,5-7,0%, 6 tháng cuối năm GRDP phải tăng từ 6,9-7,9%, đây là những nhiệm vụ rất nặng nề cần tập trung phấn đấu hoàn thành với tinh thần khẩn trương và quyết tâm rất lớn”, Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định.
Thành phố quyết liệt, tập trung thực hiện nhiều nội dung nhiệm vụ trọng tâm như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đạt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 với các động lực tăng trưởng mới, kiểm soát lạm phát; cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiệu quả, thực chất, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới. Trong đó, đặc biệt quan tâm đẩy mạnh phát triển hạ tầng, ứng dụng phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Triển khai tổ chức thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) để sớm đưa Luật đi vào cuộc sống, UBND thành phố ban hành quyết định hoặc trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết quy định phân cấp của từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, đầy đủ theo chuyên ngành và đồng bộ, đầy đủ cho cấp huyện, cho cấp xã theo quy định trong quý IV-2024.
Ngay sau khi Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố sẽ tổ chức công bố và triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô, ban hành Chương trình phát triển đô thị để thực hiện Quy hoạch chung. Trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp cụ thể và tiến độ thực hiện các quy hoạch, nhất là việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức làm căn cứ để thực hiện các danh mục công trình, dự án ưu tiên để kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước...
Một số nhiệm vụ quan trọng khác được báo cáo nêu như phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường; phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa, các lĩnh vực xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; mở rộng các hoạt động đối ngoại có chọn lọc và ưu tiên, phù hợp với thế mạnh của đối tác và tiềm năng, nhu cầu của thành phố; tăng cường đảm bảo trật tự an toàn xã hội; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, ngoại giao diễn ra trên địa bàn; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, dân vận tạo đồng thuận xã hội…