Nhiều khách hàng ồ ạt nhập khẩu để tránh thuế quan, tồn kho một mặt hàng của Trung Quốc có nguy cơ về mức 0 trong 2 tháng tới
Đây là mặt hàng mà tồn kho của Trung Quốc được ví là ‘mỏng như dao cạo”.
Theo các giám đốc điều hành cấp cao tại công ty giao dịch hàng hóa Mercuria, dự trữ đồng của Trung Quốc đang trên đà giảm xuống mức cạn kiệt chỉ trong vòng vài tháng tới. Thị trường đồng đang phải chịu một trong những cú thắt chặt nhất trong lịch sử trước lo ngại của những nhà nhập khẩu về thuế quan đến từ phía Mỹ.

Cụ thể, các khách mua đồng của Trung Quốc đã vội vã mua đồng từ trước khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế, khiến phần còn lại của thế giới tăng mạnh nhập khẩu.
Nicholas Snowdon, Giám đốc nghiên cứu kim loại và khai khoáng của Mercuria chia sẻ: “Với tốc độ gom hàng hiện tại, lượng hàng tồn kho đồng của Trung Quốc có thể cạn kiệt xuống mức 0 vào giữa tháng 6”.
Theo dữ liệu của Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải, lượng hàng tồn kho của nước này đã giảm gần 55.000 tấn xuống còn 116.800 tấn vào tuần trước, mức giảm hàng tuần lớn nhất được ghi nhận.
Snowdon cho biết: "Đây có khả năng là một trong những cú sốc thắt chặt lớn nhất mà thị trường này từng chứng kiến". Ông nói thêm rằng Bắc Kinh có một lượng hàng tồn kho “mỏng như dao cạo" để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Thuế quan từ Mỹ đã tăng thêm áp lực từ nhu cầu nội địa của Trung Quốc và các khoản thuế trả đũa có thể ảnh hưởng đến dòng chảy phế liệu đồng quan trọng. Người mua kim loại tại Mỹ đã nhập khẩu một lượng lớn đồng khiến lượng đồng dự trữ tại các kho Comex ở Mỹ đã tăng mạnh trong tháng này lên mức cao nhất kể từ năm 2018 ghi nhận vào cuối tuần trước.
Việc thúc đẩy nguồn cung sang Mỹ đã tạo ra một sự chênh lệch giá lớn khi đẩy giá kim loại trên sàn giao dịch Comex của New York lên cao so với giá trên Sàn giao dịch kim loại London.

Điều này đã tạo ra một cơ hội chênh lệch giá "béo bở" cho các nhà giao dịch muốn mua hợp đồng tương lai đồng ở London và bán hợp đồng ở New York. Chênh lệch giá ở mức gần 1.200 USD/tấn vào ngày 28/4, cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn.
Bintas cho biết một số thương nhân có cam kết bán đồng lớn trên Comex đã khẩn trương cố gắng đưa thêm đồng vào Mỹ trước khi bất kỳ mức thuế mới nào được áp dụng.
Các nhà phân tích cho biết các mức thuế trả đũa mà Trung Quốc áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường phế liệu đồng quan trọng, khiến thị trường Trung Quốc trở nên eo hẹp hơn.
Tình hình có thể tệ hơn nếu Mỹ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu phế liệu đồng, một mặt hàng mà Mỹ là nước xuất khẩu lớn. Mỹ đã xuất khẩu 960.000 tấn vào năm 2024, với gần một nửa trong số đó là sang Trung Quốc, theo công ty định giá hàng hóa Fastmarkets.
Theo số liệu mới nhất hiện có, vào tháng 1 và tháng 2, Mỹ đã xuất khẩu tổng cộng 142.000 tấn, so với 149.000 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Andrew Cole, một nhà phân tích kim loại tại Fastmarkets, cho biết ông dự kiến sẽ có sự sụt giảm đáng kể trong lượng hàng phế liệu vận chuyển từ Mỹ sang Trung Quốc ít nhất là từ tháng 3 đến tháng 5.
Ông cho biết: “Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở Trung Quốc mà chúng tôi dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay”.
Năm 2025 hứa hẹn là một năm đầy triển vọng cho kim loại được mệnh danh kim chỉ nam của nền kinh tế. Các chuyên gia dự báo giá sẽ tăng hơn 75% từ mức hiện tại lên 12.000 - 15.000 USD/tấn trong năm 2025.