Tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh diễn ra ngày 30/6, lãnh đạo VietinBank cho biết trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng ước đạt 13.000 tỷ đồng, cao hơn 75% so với lợi nhuận trước thuế cùng kỳ năm trước.
Động lực tăng lợi nhuận đến từ tăng trưởng tín dụng 4,8% và tăng mạnh khoản thu từ dịch vụ mang về hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ.
Trước đó, MSB cũng công bố ước tính lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt khoảng 2.800 tỷ đồng trong nửa đầu năm, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 85% kế hoạch năm.
Hay một ngân hàng cổ phần khác là LienVietPostBank cho biết lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 1.700 tỷ đồng, gần bằng 60% kế hoạch cả năm và cao hơn 70% so với 6 tháng đầu năm ngoái.
Có thể nhận thấy một đặc điểm chung của ba ngân hàng nói trên là tăng trưởng lợi nhuận khá cao và đều vượt 70% kế hoạch của cả năm.
Theo giới phân tích, động lực chính của không chỉ của ba ngân hàng trên mà còn của toàn ngành trong thời gian qua đến từ biên lãi ròng (NIM) duy trì ở mức cao khi lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay không giảm tương ứng.
Theo tính toán của FiinGroup, sau khi tăng hai quý liên tiếp, NIM của các ngân hàng có giảm nhẹ trong quý I/2021 so với mức đỉnh quý trước đó, nhưng vẫn ở mức 3,73%, cao thứ hai trong nhiều năm trở lại đây.
Không chỉ vậy, tín dụng - hoạt động cốt lõi của các ngân hàng, trong thời gian qua cũng có những diễn biến tích cực.
Tính đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1%, đồng nghĩa với các tổ chức tín dụng đã bơm ra nền kinh tế khoảng 469.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều ngân hàng chưa hết 6 tháng đã dùng gần hết hoặc hết room tín dụng của cả năm và đang xin NHNN cấp cho room mới, trong đó bao gồm MSB.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm, MSB đã cạn "room" tín dụng và hiện là một trong 10 ngân hàng đang xin Ngân hàng Nhà nước tăng mức trần tín dụng cho cả năm nay.
Tại VietinBank, tăng trưởng dư nợ tín dụng từ đầu năm đến nay đạt 4,8%, trong khi con số này của cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 1%.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ mức 0,88% cuối quý I lên mức 1,38% tại cuối quý II do một số khoản nợ phải cơ cấu lại. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 155% xuống 110%. Ngân hàng dự kiến vào cuối năm, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 180%.
Ngoài ra, thu nhập phí của VietinBank và MSB được kỳ vọng tăng lên trong quý II nhờ vào doanh thu bancassurance và việc ghi nhận khoản phí trả trước, theo chứng khoán Yuanta.
Linh Đan
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam