Sự lựa chọn tất yếu…
Hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp” |
Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức cuối tuần qua, bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, qua gần 10 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; cảnh quan, môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi theo hướng tích cực hơn, đặc biệt tại các xã nông thôn mới.
Đặc biệt, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Một số mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chính của Chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 đã đạt được kết quả khả quan, như: Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường; Tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; Tỷ lệ năng lượng tiết kiệm của Việt Nam đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được gần 11,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) trong giai đoạn 2011-2015; Tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; Dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đã tăng từ hơn 71 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015, lên đến 340 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2020. Hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm được chú trọng đã tạo được làn sóng về đầu tư xanh, như: năng lượng gió, mặt trời, năng lượng tái tạo…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam cũng gặp một số khó khăn, thách thức.
Tổng Biên tập Nguyễn Lệ Thủy khẳng định, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh là một lựa chọn tất yếu nhằm thực hiện định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời tạo cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Đây cũng là mục tiêu Việt Nam phải hướng đến trong giai đoạn phát triển tới để vượt qua thách thức phục hồi trong và sau dịch bệnh COVID-19, tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả…
Nguyên lý “kiềng 3 chân”
Nhìn ở góc độ phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, PGS, TS. Lê Quốc Lý nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định, tăng trưởng kinh tế cao gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống xanh, sạch, đẹp không phải chỉ được thực hiện khi giàu có, mà cần được triển khai thực hiện ngay từ bây giờ, trong từng bước phát triển của đất nước và được triển khai trong từng cơ chế, chính sách phát triển cụ thể. “Đây chính là ba trụ cột bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế, của xã hội, của đất nước theo nguyên lý kiềng 3 chân, lệch bên nào cũng đưa đến không cân bằng và có nguy cơ đổ vỡ...”- chuyên gia này quả quyết.
Cũng theo TS. Lê Quốc Lý, tại nước ta, kinh tế văn hóa chưa thực sự là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, chưa đóng góp đáng kể vào GDP. Đạo đức xã hội được cải thiện rõ rệt, nhưng những mặt trái của xã hội vẫn làm cho người dân lo lắng. Vì thế, nâng cao đạo đức cách mạng, an dân, động viên sức dân và sự sáng tạo của toàn dân vào xây dựng đất nước là cần thiết hơn bao giờ hết.
Theo ước tính của các chuyên gia, nếu không bảo vệ môi trường, thì cái giá phải trả cho môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm là khoảng 6-7% GDP. Nếu tính cả chi phí y tế để chữa bệnh cho người dân, thì tổng chi phí này đã mất 8-10% GDP. Cộng với cái giá phải trả cho văn hóa - xã hội xuống cấp khoảng 5-6% GDP.
TS. Lê Quốc Lý khẳng định, với con số này, thì tăng trưởng kinh tế 8-9% chưa làm cho nền kinh tế phát triển được mà thực tế là kết quả âm. Đây là một thách thức không nhỏ, nếu không phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường.
6 thách thức trong chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo các chuyên gia, việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam cũng gặp một số khó khăn, thách thức.
Thách thức đầu tiên được đề cập là nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến tăng trưởng xanh. Phần lớn người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. Đây chính là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Thứ hai, là nguồn lực thực hiện tăng trưởng xanh còn hạn chế, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công để thực hiện vai trò “vốn mồi”, làm đòn bẩy cho huy động đầu tư tư nhân. Sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế đang giảm dần.
Thứ ba, hoạt động giám sát, đánh giá thực hiện chiến lươc tăng trưởng xanh chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ tư, hệ thống pháp luật đang trong quá trình tiếp tục xây dựng hoàn thiện, nên chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hướng tới tăng trưởng xanh.
Thứ năm, năng lực phát triển công nghệ của Việt Nam còn thấp, công nghệ sản xuất cũ, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh không cao; công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo chưa phát triển; trình độ khoa học - công nghệ, hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn thấp.
Thứ sáu, tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái nghiêm trọng do phương thức tăng trưởng còn nặng theo chiều rộng, sử dụng năng lượng hóa thạch và nguyên liệu đầu vào, trong khi trình độ sử dụng công nghệ mới để giảm tiêu hao vật chất còn thấp, việc quản lý tài nguyên còn hạn chế...
“Thực tế cho thấy, mặc dù đang tồn tại một số rào cản nhất định, tiềm năng thu hút dòng vốn cho tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho Việt Nam là rất lớn” - TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ KH&ĐT khẳng định.
Đồng thời cho biết, Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những giải pháp tổng thể bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và cam kết toàn cầu, phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước để khơi thông các nguồn lực cho tăng trưởng xanh trong thời gian tới…
|
Thanh Thanh