Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, hoàn thiện Luật Điện lực sửa đổi Tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Điện lực sửa đổi Đề xuất đưa điện hạt nhân vào dự thảo Luật Điện lực sửa đổi |
Chiều 6/8, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (NCLP) tổ chức hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT, ông Tạ Đình Thi và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, ông Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.
Nỗ lực lớn của Bộ Công Thương trong hoàn thiện Dự thảo Luật Điện lực
Trước đó, Bộ Công Thương đã có tờ trình của Bộ Công Thương gửi Chính phủ về Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Toàn cảnh buổi hội thảo - Ảnh: Trần Đình |
Tờ trình nêu rõ sự cần thiết phải sửa đổi Luật, dựa trên các quyết nghị của Đảng và Quốc hội, nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường điện lực cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả hơn.
Dự thảo Luật đề cập đến nhiều nội dung quan trọng như quy hoạch phát triển điện lực, cơ chế giá điện, khuyến khích năng lượng tái tạo và tăng cường an toàn hệ thống điện.
Bộ Công Thương cũng đã phân tích chi tiết những điểm được kế thừa, sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật, đồng thời đề xuất các phương án giải quyết vướng mắc liên quan đến đầu tư lưới điện, chính sách cho điện gió ngoài khơi và điện mặt trời mái nhà.
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT - Ảnh: Trần Đình |
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) thể hiện sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho ngành điện, giải quyết các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Tại buổi hội thảo, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT cho biết, dự thảo gồm 9 chương 114 điều, dự thảo hôm nay gửi đại biểu là dự thảo số 5 vừa được cập nhật một số nội dung mới.
Ông đề nghị các đại biểu các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận sâu tập trung vào các vấn đề: Sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện lực (cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn); Việc thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng của dự thảo Luật...
Ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng cục Điều tiết Điện lực đã thay mặt Bộ Công Thương báo cáo tóm tắt về một số thay đổi chính so với bản dự thảo lần thứ 4.
Ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng cục Điều tiết Điện lực - Ảnh: Trần Đình |
Nhiều đề xuất và kiến nghị
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến. Trong đó, trọng tâm là đánh giá tác động của luật đến người tiêu dùng, nhà đầu tư và thị trường điện lực.
Các ý kiến xoay quanh việc đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, minh bạch hóa giá điện, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và giải quyết các vướng mắc trong luật hiện hành.
Nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến quy hoạch điện lực, đầu tư, cơ chế giá, hợp đồng mua bán điện và vai trò của các bên liên quan. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tách bạch vai trò quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh điện, cũng như đảm bảo tính đồng bộ của Luật Điện lực với các luật khác.
Ông Vũ Thanh Hải, nguyên Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Điện cao áp, Viện Năng lượng - Ảnh: Trần Đình |
Tại hội thảo ông Vũ Thanh Hải, nguyên Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Điện cao áp, Viện Năng lượng, đã có bài tham luận tập trung vào việc đảm bảo tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, kỹ thuật lập pháp trong dự thảo Luật và một số vấn đề khác cần quan tâm.
Ông Hải khẳng định Luật Điện lực hiện hành đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau gần 20 năm thực hiện, Luật cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với bối cảnh mới, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành.
Ông Hải cũng đưa ra nhận xét cụ thể về từng điều khoản trong dự thảo Luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi. Như việc định nghĩa rõ ràng, tường minh hơn các thuật ngữ khoa học mới được Việt Hoá; sắp xếp thứ tự các điểm, điều, khoản trong bản dự thảo; hiệu chỉnh khoản 11 thành 3 điểm thay vì một như ban đầu; bổ sung việc bảo vệ an toàn cho các tuyến cáp ngầm dưới biển vào điều 99; thay thuật ngữ “trạm biến áp bằng “trạm điện” ở khoản 5 điều 103 và thay thuật ngữ “bản đồ cường độ điện trường” bằng “bản đồ phân bố cường độ điện trường” ở khoản 5,7 điều 103; bổ sung điểm về lắp đặt công tơ tại khoản 2 điểm e điều 108…
Ông Nguyễn Văn Phúc- nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương - Ảnh: Trần Đình |
Ông Nguyễn Văn Phúc- nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc hoàn thiện dự thảo. Đồng thời đề xuất bổ sung, hiệu chỉnh một số nội dung về chính sách phát triển điện lực (Điều 5), trách nhiệm quản lý nhà nước về điện lực (Điều 118-121) và phạm vi của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và địa phương (Điều 9).
Đặc biệt, ông kiến nghị thay thế "Phương án phát triển mạng lưới điện tỉnh" bằng "Quy hoạch phát triển lưới điện tỉnh" để phù hợp với thực tiễn phát triển ngành điện tại Việt Nam. Ông Phúc cũng tin rằng Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thúc đẩy phát triển ngành điện và thị trường điện lực cạnh tranh, hiện đại.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh - Ảnh: Trần Đình |
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, cho rằng việc sửa đổi Luật Điện lực là cần thiết để giải quyết các vấn đề tồn tại trong ngành năng lượng và thúc đẩy thị trường năng lượng cạnh tranh. Ông Sơn cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo tính đồng bộ giữa Luật Điện lực với các luật khác như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư.
Tại hội thảo ông Sơn đề xuất, Luật Điện lực nên tập trung vào quản lý tiết kiệm điện trong phát điện, truyền tải và phân phối điện, trong khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tập trung vào các khâu sử dụng năng lượng cuối cùng.
Cần làm rõ trách nhiệm phối hợp của các địa phương trong việc lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để tránh lãng phí nguồn lực do lợi ích địa phương cục bộ.
Dự thảo Luật cũng cần quy định chi tiết hơn về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực, bao gồm phân kỳ thực hiện để phù hợp với nhiệm kỳ hành chính.
Bên cạnh đó, cần làm rõ quy định về miễn trừ quy hoạch trong thu hút đầu tư phát triển điện lực để tránh mâu thuẫn; giải thích rõ ràng khái niệm "công suất trung bình của phụ tải điện" trong quy định về điện tự sản tự tiêu; bổ sung quy định về hình thức đầu tư bên thứ ba (ESCO) để huy động vốn cho điện tự sản tự tiêu; làm rõ quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực trong trường hợp ủy quyền cho bên thứ ba đầu tư và vận hành công trình điện lực.
Ngoài ra, ông Sơn cũng có một số góp ý về việc bổ sung, giải thích rõ ràng hơn một số thuật ngữ và quy định trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng - Ảnh: Trần Đình |
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, cho rằng Luật Điện lực sửa đổi cần đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh mới, bao gồm sự tham gia của các nguồn điện mới như LNG, điện gió ngoài khơi và thủy điện tích năng. Ông cũng nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) quy mô nhỏ và phân tán.
Theo ông Hạnh, việc phát triển NLTT đang gặp một số vấn đề sau:
Việc xác định danh mục các dự án NLTT trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện lực quốc gia gặp khó khăn do chưa có quy hoạch NLTT quốc gia, quy hoạch NLTT tỉnh thành và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành.
Khó kiểm soát tiến độ và chất lượng các dự án NLTT do phần lớn được thực hiện bởi các nhà đầu tư tư nhân. Luật hiện hành chưa xem xét đến việc đấu thầu cạnh tranh phát triển giữa các dự án NLTT.
Ông Hạnh cũng cho rằng quy mô lưới điện cấp tỉnh ngày càng mở rộng, dẫn đến vai trò quan trọng của quy hoạch điện cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc thay thế Quy hoạch điện tỉnh bằng Phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong Luật Quy hoạch hiện hành bộc lộ nhiều bất cập.
Phương án phát triển mạng lưới cấp điện không được coi là Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành mặc dù Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh là cụ thể hóa Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia; Khó khăn trong việc tích hợp Phương án phát triển mạng lưới cấp điện vào Quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh do tính chất chuyên ngành kỹ thuật của Phương án phát triển mạng lưới cấp điện.
Phương án phát triển mạng lưới cấp điện thường không được thực hiện bởi các đơn vị tư vấn chuyên ngành điện, dẫn đến chất lượng thấp.
Phương án cấp điện tỉnh có ý nghĩa hạn hẹp, không mang tính tổng thể như quy hoạch, dẫn đến việc thiếu quan tâm đến các vấn đề như quỹ đất, vốn đầu tư và chính sách đền bù giải phóng mặt bằng; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh cần có thẩm quyền tương đương quy hoạch đất đai, hạ tầng giao thông... và cần có thẩm quyền Trung ương phê duyệt.
Ngoài ra, ông Hạnh cũng đề xuất một số sửa đổi, bổ sung cụ thể cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), bao gồm: Điều 5, 8, 9, 10, 11, 13, 14, 18, 20, 23,28.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài - Ảnh: Trần Đình |
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đánh giá cao những ý kiến đóng góp, góp ý, xây dựng và đạt vấn đề với Dự thảo Luật. Đồng thời Thứ trưởng cũng lần lượt trao đổi thêm, giải đáp một số ý kiến được các đại biểu nêu ra tại hội thảo.
Kết luận tại buổi hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT, ông Tạ Đình Thi cho biết đã lắng nghe và ghi chép cẩn thận các ý kiến. Sau hội thảo sẽ tiếp tục tổng hợp xử lý cùng với cơ quan liên quan phục vụ quá trình thẩm tra. Ông đề nghị các chuyên gia, đại biểu tiếp tục quan tâm, nghiên cứu sâu, đóng góp thêm ý kiến để hoàn thành Dự thảo Luật Điện lực.