Nhiều ý kiến đóng góp hữu ích cho mục tiêu phát triển chung của ngành Công Thương

19/05/2024 - 21:00
(Bankviet.com) Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương”.
Ngành Công Thương Hà Nội tăng tốc đạt chỉ tiêu giai đoạn 5 năm 180 gian hàng tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại ngành Công Thương Hải Phòng năm 2024 Thành tựu nổi bật lĩnh vực công nghệ cơ khí chế tạo ngành Công Thương

Nhằm biểu dương và ghi nhận những kết quả hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trong giai đoạn vừa qua và xác định những ưu tiên triển khai trong giai đoạn tới, đóng góp vào mục tiêu phát triển chung của ngành Công Thương, sáng 19/5, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị khoa học: “Phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương”.

Nhiều ý kiến đóng góp hữu ích cho mục tiêu phát triển chung của ngành Công Thương
Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo của 21 Viện nghiên cứu và 9 Trường đại học trực thuộc Bộ cùng lãnh đạo các đơn vị trong Bộ Công Thương.

Triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng

Báo cáo tại Hội nghị, TS Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương cho biết: Thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, cấp quốc gia với tổng số khoảng trên 3.000 nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực khác nhau, từ nghiên cứu phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách phát triển lĩnh vực công nghiệp và thương mại đến nghiên cứu công nghệ trong các lĩnh vực cơ khí, điện tử, khai thác khoáng sản, luyện kim, hóa chất, năng lượng, công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm,...

Ông Lê Huy Khôi đã báo cáo về vai trò của nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng, hoạch định chính sách phát triển ngành Công Thương, bao gồm: Phát hiện ra các vấn đề chính sách và đề xuất chủ trương chính sách phát triển mới của ngành Công Thương; Giúp thu thập, phân tích và xử lý thông tin trong quá trình hoạch định chính sách phát triển của ngành Công Thương; Giúp nhà hoạch định chính sách đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề phát sinh trong quản lý các lĩnh vực của ngành Công Thương. Mục đích của hoạch định chính sách công chính là ban hành được một chính sách có thể giải quyết vấn đề phát sinh trong các lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương một cách triệt để và hiệu quả cao.

Nhiều ý kiến đóng góp hữu ích cho mục tiêu phát triển chung của ngành Công Thương
TS Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Ngoài ra, theo Phó Viện trưởng, vai trò của nghiên cứu khoa học giúp định hướng và thiết kế các hành động chính sách của ngành Công Thương đạt được các mục tiêu, cũng như đánh giá khách quan những tác động của chính sách đối với sự phát triển lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Phân tích, dự báo những tác động tích cực và tiêu cực của từng phương án chính sách đối với các đối tượng chịu tác động của chính sách, đồng thời dự báo và so sánh lợi ích, chi phí của các phương án chính sách nhằm cung cấp cơ sở để lựa chọn phương án chính sách tối ưu đối với sự phát triển của ngành Công Thương.

Cũng báo cáo tại Hội nghị, TS Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí đánh giá, trong những năm qua, với việc xây dựng mục tiêu phát triển của Viện gắn với chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế trong nước kết hợp với sự trợ giúp của ngân sách nhà nước (NSNN) từ các đề tài, dự án KHCN để đầu tư chuyên sâu vào các lĩnh vực thiết kế, chuyển giao công nghệ các dây chuyền thiết bị toàn bộ, Viện đã đạt được một số kết quả sau: Trong lĩnh vực tự động hóa, Viện đã chủ động đầu tư về nhân lực, tài chính, hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để từng bước làm chủ công tác tính toán, thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0.

TS Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí
TS Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí

Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, Viện đã tham gia thực hiện thành công tổng thầu EPCM cho 2 dự án tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm đồng, Nhân Cơ công suất 650 tấn/năm và 2 nhà máy tuyến quặng bauxite Lâm Đồng và Nhân Cơ công suất 2,5 triệu tấn năm”, ông Vũ Văn Khoa chỉ ra.

Ngoài ra, trong lĩnh vực thủy điện, Viện đã được giao nhiệm vụ chủ trì tiếp nhận chuyển giao công nghệ phần thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện theo Quyết định 797/QĐ-TTg của Thủ tướng Chỉnh phủ cho dự án đầu tiên là thủy điện A Vương.

Thông tin thêm tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Đối với công tác nghiên cứu khoa học trong khối Trường, nổi bật là Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2022-2023, Trường đã thực hiện 1 dự án quốc tế, 5 đề tài cấp Bộ, 12 đề tài cấp Tỉnh/Thành phố, 43 đề tài cấp Trường dành cho giảng viên, trong đó các đề tài khối ngành kỹ thuật chiếm ưu thế do đặc thù ngành đào tạo truyền thống và thế mạnh của Trường.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh

Nhà trường luôn định hướng phát triển nhiều các mối quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước, với các sở ban ngành, doanh nghiệp nhằm ứng dụng kết quả nghiên cứu vào trong thực tiễn. Kết quả có nhiều thỏa thuận hợp tác, trao đổi giữa Nhà trường và đối tác đã được thiết lập, từ đó phát triển thành các hợp đồng tư vấn khoa học và chuyển giao công nghệ”, ông Nguyễn Xuân Hoàn nhấn mạnh.

Ngành Công Thương ghi nhận những kết quả tích cực

Theo TS Vũ Nguyên Thành, Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm, Viện hiện đang duy trì bảo tồn gen vi sinh vật với trên 1.500 chủng vi nấm, nấm men, vi khuẩn, plasmid phục vụ sản xuất và phát triển công nghệ; và đưa nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong khai thác, tách chiết dầu, hương liệu và các chất có hoạt tính sinh học từ nguyên liệu trong nước vào thực tiễn…

Hiện nay Viện tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức KHCN từ Thụy Điển, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp... và tiếp tục các hoạt động kết nối với các tổ chức phi chính phủ, ngoại giao khác. Các hoạt động Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra trong tiến trình hội nhập với khu vực và quốc tế”, ông Vũ Nguyên Thành bày tỏ.

TS Vũ Nguyên Thành, Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm
TS Vũ Nguyên Thành, Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm

Trong khi đó, đối với lĩnh vực dầu khí, TS Nguyễn Minh Quý, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết, Viện đang tập trung xây dựng hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam, nghiên cứu phát triển các sản phẩm số ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa hoạt động của ngành năng lượng Việt Nam.

Chỉ tính riêng lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, VPI đã nghiên cứu làm sáng tỏ các cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng và trữ lượng dầu khí của các bể trầm tích; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp điều hành khai thác, nâng cao hệ số thu hồi dầu, quản lý khai thác mỏ an toàn, hiệu quả...

TS Nguyễn Minh Quý, Phó Viện trưởng  Viện Dầu khí Việt Nam
TS Nguyễn Minh Quý, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam

Đánh giá chung về hoạt động KHCN ngành Công Thương thời gian qua, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Lý Quốc Hùng cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn từ những vướng mắc trong các quy định hiện hành và bối cảnh triển khai, đặc biệt đối với các nhiệm vụ có tính ứng dụng, gắn với doanh nghiệp, tuy nhiên, công tác KHCN trong ngành Công Thương vẫn ghi nhận những kết quả tích cực.

Trong năm 2022-2023, đã có 130 đơn vị trong và ngoài Bộ (riêng khối các Viện nghiên cứu, Trường đại học chiếm 40%) tham gia triển khai thực hiện các đề tài, dự án KHCN thuộc các Chương trình KHCN cấp quốc gia và cấp Bộ do Bộ Công Thương quản lý.

Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ

Ông Lý Quốc Hùng cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ đã phê duyệt trong Chiến lược KHCN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030, theo đó, ưu tiên hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, số hóa nhằm tạo sự đột phá về trình độ, năng lực sản xuất trong các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, ưu tiên, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao…

Nhóm phóng viên

Theo: Báo Công Thương