Như Kinhtechungkhoan.vn đã đưa tin, Viện KSND TP. Hà Nội vừa thông báo về việc truy tố bị can Lê Thanh Thản – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất, xuất nhập khẩu Bemes; Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, hay còn được gọi với cái tên thân mật là “đại gia điếu cày” về tội lừa dối khách hàng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội).
Trong cùng vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội cũng truy tố 6 cán bộ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vì có liên quan đến sai phạm của ông Lê Thanh Thản. Trong đó có các bị can Nguyễn Duy Uyển - Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng; Vương Đăng Quân - nguyên Phó chánh Thanh tra xây dựng quận Hà Đông và Mai Quang Bài - cán bộ Đội quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông, và 3 người khác.
'Hai bàn tay trắng' xây lên chuỗi khách sạn lớn nhất châu Á
Ông Lê Thanh Thản sinh năm 1949 tại Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1974, khi sắp tốt nghiệp cấp 3, ông ngưng việc học và nhập ngũ trong những năm cuối cùng của cuộc chiến chống Mỹ với vai trò là chiến sĩ thông tin.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Lê Thanh Thản được cấp trên điều đi học rồi phân công tăng cường cho tỉnh Lai Châu. Ông Thản về làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Lai Châu và đến năm 1984 được điều động về làm Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Mường Lay.
Khi Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển kinh tế, ông Thản bắt đầu tham gia vào lĩnh vực kinh doanh bằng việc thành lập lập Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, (sau đổi thành Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu, và nay là Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên), có trụ sở tại Điện Biên.
"Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản. |
Bất động sản và khách sạn là hai lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên. Năm 1993, ông tiến hành xây dựng khách sạn đầu tiên của Lai Châu tại Điện Biên. Sau một năm thi công, khách sạn được đưa vào hoạt động đúng vào thời điểm kỷ niệm 40 năm giải phóng Điện Biên.
Đến năm 1996, tỉnh Lai Châu đã đề nghị ông nhượng lại khách sạn Điện Biên và trao đổi bằng một lô đất có giá trị khác. Chính từ lô đất này, ông đã xây dựng nên khách sạn Mường Thanh Điện Biên, tiền thân của chuỗi khách sạn Mường Thanh hiện nay, và được đưa vào hoạt động từ tháng 7/1997.
Năm 2003 đã đánh dấu bước ngoặt trên con đường phát triển của Mường Thanh khi ông Thản quyết định chuyển hướng đầu tư về Hà Nội và cho ra đời Mường Thanh Linh Đàm. Năm 2016, Mường Thanh đã mở khách sạn đầu tiên ở Lào, đánh dấu một bước tiến mới trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Theo thông tin trên website, hiện này, hệ thống Mường Thanh Hospitality có gần 60 khách sạn với 6 thương hiệu khác nhau, bao gồm Mường Thanh, Mường Thanh Luxury, Mường Thanh Grand, Mường Thanh Holiday, Mường Thanh Green Land, Mường Thanh Golf Club.
Hệ thống khách sạn Mường Thanh được công nhận là Tập đoàn khách sạn tư nhân lớn nhất ở châu Á với trên 10.000 phòng, chiếm khoảng 1/10 tổng số phòng tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên ở Việt Nam. Bên cạnh đó, tập đoàn còn sở hữu một số trung tâm giải trí (Vinh Recreation Center), Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, một số trung tâm thể hình...
Nối dài thành công với phân khúc nhà ở
Khi đã có nền tảng vững chắc trong tay nền tảng vững chắc tại mảng khách sạn, ông Thản tiếp tục lấn sân sang mảng kinh doanh bất động sản nhà ở với chiến lược “mua rẻ - bán rẻ”, khu đất ở bán đảo Linh Đàm được ông lựa chọn là nới ghi dấu ấn đầu tiên tại Thủ đô trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, cái tên Lê Thanh Thản chỉ thực sự được biết đến khi ông thâu tóm 21ha đất ở Xa La, Hà Đông, Hà Nội để xây dựng khu đô thị Xa La. Tiếp đó, ông Thản nổi đình đám khi đưa ra thị trường những căn hộ giá siêu rẻ, chỉ 10 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 600 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/căn hộ.
Từ khi thành công với Khu đô thị Xa La (Hà Đông), vị đại gia này tiếp tục đầu tư xây dựng một số chung cư, điển hình, trong đó có, khu đô thị Đại Thanh, tổ hợp 12 tòa nhà HH Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ, VP Linh Đàm và mới nhất là Thanh Hà Cienco 5.
Hệ thống khách sạn Mường Thanh phủ sóng khắp các địa phương tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. |
Để có thể trở thành “ông trùm nhà giá rẻ”, vị đại gia này chia sẻ bí quyết để bá nhà thấp hơn thị trường nhưng vẫn có lãi là thực hiện thi công một cách nhanh nhất có thể, tăng mật độ xây dựng, không dùng vốn vay, không tiếp thị quảng cáo… Cùng với đó, ông Thản quản lý chặt chẽ vật tư và hạn chế các khâu không cần thiết. Thay bằng việc thuê đơn vị thiết kế hàng chục tỷ đồng thì đơn vị này tự làm để tiết giảm chi phí.
Lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp chỉ đạo trực tiếp quá trình thi công dự án, không qua một trung gian. Ngoài ra, đơn vị này tự sản xuất một số vật liệu để kiểm soát được chất lượng và giá thành.
Ông Thản từng nói về nguyên nhân chọn phân khúc nhà ở giá rẻ: "Làm kinh tế không ai muốn bán rẻ sản phẩm của mình. Tôi chỉ muốn làm những căn nhà giá rẻ vì tôi nghĩ nếu muốn thành công phải làm ra sản phẩm được nhiều người sử dụng, những người có nhu cầu ở thực sự. Nước mình người nghèo là phần đông. Vậy tôi xây nhà phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình và người nghèo, bán với giá phải chăng. Tuy nhiên, nhà giá rẻ cũng có nhiều loại. Ai ở thực mới thấy được chất lượng của nhà tôi xây dựng, tất nhiên phải so với căn hộ khác có giá tương ứng".
Thực tế, kể từ khi những dự án này ra đời đã giải quyết được nhu cầu nhà ở cho rất nhiều người có thu nhập thấp. Theo chia sẻ của chị Thanh Hoa (cư dân HH2 Linh Đàm), nếu không có dự án của ông Thản cùng gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng thì không biết bao giờ gia đình chị mới có một ngôi nhà để “chui ra, chui vào”.
Không chỉ giải quyết vấn đề nhà ở cho nhiều người, phân khúc nhà giá rẻ cũng giúp ông Thản bán hết “hàng” một cách nhanh chóng, thu hồi vốn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, chiến dịch “thần tốc” này cũng khiến ông Thản chịu nhiều tai tiếng và vướng vào pháp luật với dự án CT6 Kiến Hưng.
Sụp đổ vì nóng vội
Theo quyết định, Công ty Bemes của ông Thản được xây dựng tại dự án CT6 Kiến Hưng hai toà tháp là CT6A (làm nhà ở) và CT6B (làm khách sạn) và 15 căn nhà thấp tầng, khu nhà trẻ...Tuy nhiên, từ tháng 10/2010 đến 11/2012, ông Thản trực tiếp tổ chức chỉ đạo xây dựng công trình dự án sai quy hoạch được duyệt, tạo lập các căn hộ trái pháp luật.
Cụ thể, Bemes đã tăng chiều cao công trình từ 31 lên 32 tầng, giảm 1 tầng hầm. Thay đổi công năng sử dụng một số khu dịch vụ thương mại thành căn hộ ở, xây dựng tăng từ 231 căn hộ và 495 phòng khách sạn lên 1.582 căn hộ. Số nhà thấp tầng cũng tăng từ 15 lên 38 căn.
Dự án CT6 Kiến Hưng khiến ông Lê Thanh Thản vướng vòng lao lý. |
Kết quả điều tra xác định có 520 căn hộ người dân đã mua nhưng không được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp sổ đỏ, 160 căn hộ khách chưa làm thủ tục cấp sổ đỏ và 6 căn hộ chưa được bán.
Đồng thời, vi phạm nghiêm trọng tại dự án CT6 Kiến Hưng đã phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng, xã hội, nhu cầu trường học, bệnh viện, công tác phòng cháy... khi phải chịu áp lực số lượng người dân tăng đột biến khi sinh sống tại dự án.
"Quá trình xây dựng, ông Thản trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Việc kinh doanh, quyết định giá bán căn hộ tại dự án đều do ông Thản quyết định", kết luận nêu.
Nhìn lại hoạt động kinh doanh của ông Thản cho thấy không phải đến dự án CT6 Kiến Hưng những sai phạm trong các dự án “thần tốc” của ông Thản mới “lộ diện” những sai phạm.
Chẳng hạn như tại dự án Mường Thanh Khánh Hòa (TP. Nha Trang), doanh nghiệp xây hơn 43 tầng, nhưng chỉ được phép 40 tầng. Hay trường hợp của Mường Thanh Cần Thơ, chủ đầu tư đưa dự án vào hoạt động khi chưa có văn bản thẩm duyệt hệ thống phòng cháy chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền.
Mới đây, dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) được Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cấp phép năm 2016 với quy mô 42 tầng và 2 tầng hầm. Trong đó, từ tầng 2 đến tầng 5 được cấp phép xây dựng làm bãi đỗ xe, nhà trẻ, hồ bơi… Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi công năng 4 tầng trên thành 104 căn hộ. Ngoài ra, một số tầng xây dựng sai phép cũng buộc phải tháo dỡ.
Theo chia sẻ của lãnh đọa một doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, với cách làm của ông Lê Thanh Thản, nếu là một dự án quy mô nhỏ thì có thể làm được. Tuy nhiên, với những công trình quy mô hàng chục tầng với cả nghìn căn hộ và tâm lý thúc tiến độ càng nhanh càng tốt thì dễ dẫn tới tình trạng "vỡ trận" khi không kiểm soát được chất lượng công trình.
Bên cạnh câu chuyện chất lượng công trình do những sự cố liên tiếp, các câu chuyện quá tải về hạ tầng khiến "chung cư ông Thản" giờ không chỉ là nỗi ám ảnh của người mua nhà mà còn cả đối với cơ quan quản lý, chính quyền địa phương.
Về phía các tội danh của ông Thản, theo các chuyên gia pháp lý, nếu TAND Thành phố Hà Nội xét xử đồng ý với nội dung cáo trạng, kết tội của cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát có thể ông Thản sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù. Mức phạt tiền cao nhất tới 500 triệu đồng và mức phạt tù cao nhất có thể tới 5 năm tù.
Nếu tòa án lựa chọn hình phạt tiền, sẽ không phạt tù đối với "đại gia điếu cày". Ngoài ra số tiền thu lợi bất chính sẽ trả cho người bị hại hoặc sung vào công quỹ nhà nước theo nguyên tắc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự.
Đề nghị truy tố ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh về tội Lừa dối khách hàng Ông Lê Thanh Thản, chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh bị đề nghị truy tố về tội Lừa dối khách hàng do có sai phạm ... |
Cổ phiếu PDC bất ngờ trần 8 phiên liên tiếp với thanh khoản tăng mạnh Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu PDC của CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông được giới đầu tư chú ý với ... |
Tài sản "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản ra sao khi cổ phiếu PDC tăng sốc? Ông chủ Mường Thanh sau khi thâu tóm khách sạn hạng sang bậc nhất TP Vinh thì kinh doanh cũng không mấy khởi sắc. Tuy ... |
Quang Đăng