Nhìn lại một tuần lịch sử của ngân hàng trung ương toàn cầu

28/03/2024 - 19:38
(Bankviet.com) Cả thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua một tuần với nhiều quyết định có tính bước ngoặt của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
nhatboj.jpg
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - Ảnh: Bloomberg

Trong tuần này, các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới đã trải qua một bước ngoặt quan trọng, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ trở thành NHTW đầu tiên trong nhóm các nền kinh tế phát triển của thế giới hạ lãi suất, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong khi đó nâng lãi suất cơ bản đồng Yên lần đầu tiên trong 17 năm.

Các thị trường hiện vẫn đang đánh giá xem liệu khi nào những NHTW có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới sẽ thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ mà họ đã áp dụng trong vòng 2 năm qua để kiềm chế lạm phát cao.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản


Trong nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới, Nhật Bản là một ngoại lệ. Quốc gia này đã duy trì lãi suất âm trong suốt 17 năm để có thể kích thích kinh tế tăng trưởng và đẩy tăng lạm phát. Chính sách kiểm soát đường cong lợi suất kết hợp với các biện pháp nới lỏng định lượng cuối cùng đã kết thúc.

Trong thời gian tới, dự kiến mức lương thưởng của người lao động tại Nhật Bản sẽ tăng lên, đó là kết quả trực tiếp từ các cuộc đối thoại giữa người lao động và giới chủ. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Nhật Bản cho rằng, mức lương cao hơn sẽ giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa, kết quả là đẩy tăng lạm phát.

Đồng Giám đốc của Pimco Japan, ông Tomoya Masanao cho rằng, ảnh hưởng trung và dài hạn từ sự điều chỉnh chính sách này sẽ có thể lớn hơn so với kỳ vọng của thị trường, vấn đề mấu chốt chính là liệu lạm phát của NhậtBản có bình ổn thời kỳ hậu đại dịch COVID-19?

“Dù rằng tái khẳng định cam kết lạm phát 2%, BOJ sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để có thể đạt được lạm phát mục tiêu 2%”, ông Masanao nói.

“Sự điểu chỉnh chính sách của BOJ trong trung hạn sẽ liên quan đến việc giảm quy mô bảng cân đối kế toán cũng như nâng lãi suất. Dù rằng sẽ có những thách thức từ việc kinh tế toàn cầu chậm lại và nhiều NHTW lớn khác hạ lãi suất, BOJ nhiều khả năng sẽ giảm quy mô bảng cân đối kế toán chậm và chắc”, Giám đốc Pimco Japan nhận định.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ


Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) vào ngày thứ Năm (ngày 21/3) đã khiến cho thị trường ngạc nhiên khi hạ lãi suất chính sách 0,25 điểm phần trăm xuống 1,5%. Cơ quan này khẳng định rằng lạm phát nhiều khả năng sẽ vẫn giữ ở ngưỡng dưới 2% trong tương lai gần.

Chỉ số lạm phát lõi và lạm phát toàn phần tại Thụy Sỹ đã duy trì dưới ngưỡng mục tiêu liên tục từ tháng 5/2023. SNB đã hạ dự báo lạm phát xuống còn 1,4% vào cuối năm 2024, 1,2% vào năm 2025 và 1,1% vào năm 2026.

Theo lý giải của SNB, sự tăng giá của đồng Franc Thụy Sỹ cũng ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của cơ quan này.

Chuyên gia tại tổ chức BCA Research trong nghiên cứu công bố vào ngày thứ Sáu nhấn mạnh: “Khi mà lạm phát rơi xuống dưới mốc 2%, sự mạnh lên của đồng tiền tiềm ẩn rủi ro giảm phát cho kinh tế Thụy Sỹ. Hơn thế nữa, đồng Franc Thụy Sỹ mạnh làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu Thụy Sỹ, điều này đặc biệt đáng lưu tâm trong bối cảnh hoạt động kinh tế toàn cầu khó khăn”.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ


Vào ngày thứ Tư (ngày 20/3), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất ổn định ở ngưỡng 5,25% - 5,5% theo đúng kỳ vọng. Đồng thời tái khẳng định về lộ trình ba lần hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong năm nay

Tính toán của CME Group’s FedWatch cho thấy các thành viên thị trường tài chính đang dự báo về khả năng FED sẽ hạ lãi suất cơ bản lần đầu tiên vào tháng 6/2023. Kỳ vọng hạ lãi suất này được đưa ra bất chấp những dự báo về việc kinh tế tăng trưởng cao hơn kỳ vọng, thất nghiệp thấp hơn, lạm phát lõi cao hơn kỳ vọng.

Đồng Trưởng bộ phận thu nhập cố định tại Goldman Sachs Asset Management (GSAM), ông Whitney Watson, khẳng định: “Việc lãi suất chính sách tăng thực sự đáng quan tâm. Thị trường kỳ vọng cao hơn, tuy nhiên động thái mới nhất khiến cho thị trường tin rằng chu kỳ cắt giảm lãi suất có thể thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu”.

GSAM tin rằng bất chấp việc lạm phát tăng, phần lớn các NHTW trên thế giới sẽ hạ lãi suất trong những tháng tới.

Ngân hàng Trung ương Anh


Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) duy trì lãi suất cơ bản đồng bảng Anh ổn định ở mức 5,25%, tuy nhiên phát đi thông điệp mềm mỏng trong thời gian tới.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, ông Andrew Bailey khẳng định, các yếu tố căn bản của thị trường đang diễn biến đúng hướng để Anh có thể hạ được lãi suất. Lạm phát toàn phần tại Anh giảm nhanh hơn so với kỳ vọng, thị trường lao động hạ nhiệt và tăng trưởng mức lương chững lại.

Đăng Tuấn

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ