Nếu xem là vật dụng thì đã từ rất lâu, xơ mướp, không xa lạ đối với nhiều người dân Việt Nam, nhất là người dân khu vực nông thôn. Xơ mướp được sử dụng như một sản phẩm đa năng (làm cây gãi lưng, miếng chùi nồi, lót nồi và miếng cọ rửa…) thể hiện sự sáng tạo trong cuộc sống và lao động của người dân.
Ý nghĩa của sự sáng tạo đó chính là tính phù hợp và khoa học. Với kết cấu thú vị của xơ mướp và với bản chất hữu cơ, xơ mướp ngày nay trở thành sản phẩm sạch, sản phẩm xanh đúng nghĩa đã và đang được thị trường trong nước và quốc tế ghi nhận, tiêu thụ và trở thành mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Đó là câu chuyện nhỏ về sự phát triển sản phẩm từ xơ mướp, nhưng nếu liên hệ với xu hướng tất yếu của thời đại phát triển xanh và yêu cầu về bảo vệ môi trường, thì sự phát triển của những sản phẩm như xơ mướp và tương tự như sản phẩm này sẽ đặt ra yêu cầu đổi mới về các hoạt động kinh tế, xây dựng và thực thi chính sách để phát triển kinh tế xanh.
Tương tự như vậy, nhìn sang hoạt động động tín dụng xanh, phát triển tín dụng xanh cũng cùng xu hướng đó và gắn liền với một số yêu cầu cụ thể đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quá trình thực hiện:
Trước tiên là việc triển khai hiệu quả cơ chế chính sách và làm tốt công tác truyền thông. Về mặt chính sách, Ngân hàng Trung ương (NHTW) đã và đang triển khai thực hiện kế hoạch hành động ngành về thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Các chỉ thị về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó các TCTD cần nắm bắt và quán triệt, thông tin phổ biến và tuyên truyền đến toàn thể cán bộ nhân viên tại đơn vị, qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện, góp phần quan trong trong phát triển và thực hiện tốt các nội hàm của ngân hàng xanh; tín dụng xanh.
Nhiệm vụ này, với yêu cầu phải được thực hiện thường xuyên và vận dụng cách làm sáng tạo, bằng các hoạt động thiết thực, cụ thể: từ việc sử dụng thiết bị, phương tiện làm việc sử dụng năng lượng sạch và môi trường làm việc xanh vừa có ý nghĩa thiết thực vừa mang lại hiệu ứng lan tỏa lớn trong công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách.
Thứ hai là việc tiếp tục mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh hiệu quả. Trên cơ sở quy chế cho vay và những quy định, hướng dẫn có liên quan về tín dụng xanh (Thông tư 17/2022/TT-NHNN, hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng) cùng với xu hướng phát triển nhanh của một số ngành lĩnh vực về năng lượng (điện gió; điện mặt trời); việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; và các giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… sẽ là những yếu tố thúc đẩy mở rộng tăng trưởng tín dụng xanh.
Mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng (khoảng 5%), song tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao - luôn cao hơn mức bình quân chung và cao hơn một số lĩnh vực khác trong những năm gần đây - cho thấy tín dụng xanh đã và đang phản ánh xu hướng tăng trưởng tích cực, các TCTD cần quan tâm và chủ động các giải pháp thúc đẩy, không chỉ là tất yếu khách quan kết nối và mở rộng khách hàng mà còn tạo cơ sở tiền đề và dư địa tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo, khi kinh tế xanh trở thành một trong động lực tăng trưởng mới.
Thứ ba là phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xanh. Phát triển kinh tế xanh hiện nay, là xu hướng tất yếu. Sản phẩm xơ mướp xuất khẩu chỉ là vấn đề thực tế minh chứng và cụ thể hóa xu hướng này, sẽ còn nhiều sản phẩm xanh, sạch và truyền thống được phát triển và nhân rộng xuất phát từ nhu cầu của thị trường – thị trường sẽ là động lực cho phát triển kinh tế xanh.
Bên cạnh đó, sẽ có những sản phẩm sản xuất bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật về sản phẩm xanh, sạch mới tiêu thụ được. Những yêu cầu này trực tiếp đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới phương thức sản xuất và ứng dụng công nghệ hiện đại đảm bảo đáp ứng yêu cầu về sản phẩm và bảo vệ môi trường. Những thay đổi đó từ doanh nghiệp, sẽ dẫn đến những thay đổi từ hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng từ các TCTD để phát triển. Điều này đòi hỏi các TCTD phải chủ động trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng, nhất là các sản phẩm dịch vụ huy động vốn và cho vay vốn với định hướng tập trung và đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít cacbon để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng.
Nguyễn Đức Lệnh