NHNN chủ động bơm thanh khoản kỳ hạn dài hơn, đảm bảo nhu cầu vay vốn

10/12/2022 - 17:37
(Bankviet.com) Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng lại hợp đồng giấy tờ có giá với kỳ hạn lên tới 3 tháng. Với việc kéo dài kỳ hạn từ 14 ngày lên 91 ngày, nhà điều hành gửi đi tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản hệ thống.

Cổ phiếu ngân hàng phân hóa phiên cuối tuần, khối ngoại tiếp tục chuỗi mua ròng

Trái phiếu VAMC được phép lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước

Tuần qua, trong 2 ngày 7/12 và 8/12 đã ghi nhận diễn biến đáng chú ý trong hoạt động điều tiết thanh khoản hệ thống của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Cụ thể, phiên giao dịch ngày 8/12, NHNN đã sử dụng nghiệp vụ mua kỳ hạn trên thị trường mở nhằm bơm thanh khoản hỗ trợ hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM).

Trong đó, giấy tờ có giá kỳ hạn 91 ngày tiếp tục được NHNN chào mua thành công với giá trị lên đến gần 3.000 tỷ đồng, lãi suất 6,33%/năm. Bên cạnh đó, giao dịch hơn 526 tỷ đồng giấy tờ có giá kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6%/năm cũng được thực hiện với 2 thành viên tham gia và trúng thầu.

NHNN chủ động bơm thanh khoản kỳ hạn dài hơn. Ảnh minh họa
NHNN chủ động bơm thanh khoản kỳ hạn dài hơn. Ảnh minh họa

Phiên giao dịch ngày 7/12 cũng ghi nhận 4.029 tỷ đồng được bơm ra thông qua hoạt động cho vay cầm cố giấy tờ có giá kỳ hạn 14 ngày. NHNN cũng cho 4 thành viên khác vay gần 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 91 ngày.

Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, nhà điều hành phải sử dụng đến giao dịch mua kỳ hạn lên tới 91 ngày để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống các ngân hàng. Như vậy, 6.000 tỷ đồng nêu trên sẽ lưu thông trong nền kinh tế trong khoảng 3 tháng mới quay trở lại NHNN.

Với kỳ hạn dài hơn, đây cũng được xem là động thái hiện thực hóa thông điệp đẩy ra thị trường một lượng vốn dài hạn hơn thường thấy để đáp ứng nhu cầu cho vay sau khi nới hạn mức tín dụng.

Nguồn: NHNN
Nguồn: NHNN

Trước đó, NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết với mức tăng 1,5-2% tương đương với 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Đến thời điểm hiện nay tăng trưởng tín dụng 12,2%. Như vậy room tín dụng mà theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian tới.

Báo cáo tiền tệ mới đây của Công ty CP Chứng khoán SSI ước tính tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400.000 tỷ đồng.

Mặc dù tỷ lệ phân bổ về từng ngân hàng chưa được công bố, NHNN đã nêu nguyên tắc ưu tiên nới room tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có năng lực tài chính đảm bảo đạt các yêu cầu theo đánh giá của cơ quan quản lý, có thanh khoản tốt, lãi suất thấp hơn, hay các TCTD đang được giao hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng TMCP 0 đồng hay hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân.

Chuyên gia cho rằng điều này đồng nghĩa với việc nhóm các NHTM mới thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn. Tuy nhiên, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các NHTM là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn – tín dụng ở mức âm.

Mới đây, NHNN đã ban thành Thông tư 16 quy định việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước (hiệu lực 17/01/2023), trong đó bổ sung một số loại giấy tờ có giá. Điều này được cho là sẽ tạo hành lang pháp lý để các ngân hàng được sử dụng thêm các loại giấy tờ có giá khác để giao dịch vay cầm cố tại NHNN ngoài các loại giấy tờ có giá thanh khoản cao theo quy định hiện hành.

Bên cạnh việc đẩy mạnh bơm thanh khoản, NHNN cũng không phát hành thêm tín phiếu hút tiền về trong 13 phiên liên tiếp gần đây.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán