VN-Index đánh dấu tuần tăng điểm thứ 7 liên tiếp với chốt tuần (26/8) đứng ở mức 1.282,57 điểm, tương ứng tăng 13,39 điểm (+1,06%) so với tuần trước đó. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó với tổng giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường đạt 17.974 tỷ đồng/phiên, giảm 1,4%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 2% và đạt 16.044 tỷ đồng.
Giới chuyên gia cho rằng áp lực trên thị trường trong ngắn hạn được cho là vẫn còn lớn, tuy nhiên thị trường đã qua giai đoạn xấu nhất, sự tiêu cực đã gần như phản ánh vào giá cổ phiếu. Trong thời gian tới, nhìn chung sự tích cực vẫn nhiều hơn là tiêu cực.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới Chứng khoán TP.HCM (HSC), dự báo GDP quý III Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 10.x%. Do đó, tâm điểm thị trường nhiều khả năng sẽ tập trung vào các nhóm ngành phục hồi sau dịch. Nửa cuối tháng 9, mùa KQKD quý III dần tới và kỳ vọng có thể xoay quanh nhóm cổ phiếu này. Nếu thị trường điều chỉnh, nhóm cổ phiếu được quan tâm khả năng là Hàng không, Hàng tiêu dùng cá nhân, Bán lẻ, Xây dựng, Sản xuất dầu khí…
Tương tự, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco cho rằng, các nhóm ngành dẫn dắt trong thời gian tới bao gồm: Nhóm Bán buôn, bán lẻ điện tử, do hiện tại là thời điểm tựu trường, nhu cầu sắm các thiết bị văn phòng cũng như máy tính-điện thoại tăng lên, và tháng 9 cũng là thời điểm dòng điện thoại iPhone mới ra mắt.
Thứ 2 là nhóm lương thực, phân bón, khi Trung Quốc đang trải qua mùa hạ khắc nghiệt và nhiều nhà máy phân bón tại Trung Quốc và châu Âu đang phải cắt giảm công suất do mất điện và giá khí đốt cao kỷ lục.
Cuối cùng là nhóm hàng không – du lịch, khi các tháng vừa qua cũng ghi nhận lượng khách tăng mạnh do là cuối Quý II và Quý III là cao điểm du lịch.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, nhóm ngân hàng có thể là nhóm dẫn dắt thị trường sắp tới với lý do định giá hấp dẫn, kết quả kinh doanh bán niên tích cực và thông tin mở room tín dụng.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu đầu tư công khả năng vẫn sẽ còn xung lực khi Chính phủ đang nỗ lực đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công khi thời điểm cuối năm đang gần kề.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, tình trạng khô hạn ở châu Âu và Trung Quốc khiến tình trạng khan hiếm lương thực ở khu vực này có thể đặt vào tình trạng rủi ro lớn. Nhu cầu lương thực có thể đối diện với cú shock cung khiến giá lương thực có thể tăng vọt, nhóm cổ phiếu có liên quan đến xuất khẩu lương thực có thể hưởng lợi từ yếu tố này.
Linh Đan