Dự án Nhơn Trạch 3&4 bước vào giai đoạn hoàn thiện
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 tiếp tục là tâm điểm đầu tư của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, HOSE: POW). Đến thời điểm hiện tại, tiến độ triển khai hợp đồng EPC đã đạt khoảng 95%. Một cột mốc quan trọng đã được thiết lập vào ngày 11/1/2025 khi nhà máy điện LNG Nhơn Trạch 3 chính thức thực hiện đốt lửa lần đầu. Đây là bước đệm quan trọng trong quá trình đưa dự án điện LNG đầu tiên của Việt Nam vào vận hành thương mại.
Toàn cảnh nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4 |
Về các hợp đồng quan trọng liên quan đến dự án, PV Power đã ký Hợp đồng mua bán điện (PPA) với EPTC vào ngày 18/9/2024. Đối với Hợp đồng mua bán khí (GSA), công ty đang làm việc với Ban quản lý dự án điện để xem xét dự thảo hợp đồng khung với PV GAS, nhằm đảm bảo nguồn cung LNG cho dự án.
Về vấn đề thu xếp vốn, PV Power khẳng định sẽ đảm bảo đủ nguồn tài chính cho dự án từ các khoản vay xuất khẩu ECA và nguồn vốn trong nước. Tính đến ngày 29/1/2025, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 đã hoàn thành kiểm tra vận hành không tải với tốc độ 3.000 vòng/phút và chuẩn bị hòa lưới điện lần đầu vào ngày 1/2. Nếu không có thay đổi, dự kiến nhà máy Nhơn Trạch 3&4 sẽ chính thức vận hành thương mại vào tháng 6/2025.
Tính đến cuối năm 2024, PV Power đã rót tổng cộng 18.700 tỷ đồng vào dự án Nhơn Trạch 3&4, tăng 130% so với đầu năm. Việc đẩy mạnh đầu tư khiến tổng dư nợ của công ty cũng tăng vọt lên 22.659 tỷ đồng vào cuối quý IV/2024, cao hơn 79% so với một năm trước đó. Trong đó, khoản vay dài hạn chiếm 9.151 tỷ đồng, bao gồm cả các khoản vay từ ngân hàng trong nước và quốc tế.
Tổng nguồn vốn của PV Power tính đến tháng 12/2024 đạt 81.281 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 34.607 tỷ đồng. Với nguồn lực tài chính hiện có, công ty đang tập trung tối đa vào việc đưa dự án Nhơn Trạch 3&4 đi vào vận hành đúng tiến độ, đồng thời đảm bảo ổn định sản lượng điện và hiệu quả kinh doanh trong năm 2025.
Mục tiêu lợi nhuận 2025 thấp nhất trong lịch sử hoạt động
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2025 vừa được PV Power công bố, doanh nghiệp kỳ vọng tổng doanh thu đạt 38.185 tỷ đồng, tăng gần 27% so với năm 2024. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm mạnh tới 67%, chỉ còn 439 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ khi công ty công bố báo cáo tài chính.
Việc đặt ra kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn này được cho là xuất phát từ những khó khăn tài chính mà PV Power đang phải đối mặt. Theo nhận định của Chứng khoán Vietcap, các yếu tố chính khiến công ty thận trọng trong dự báo lợi nhuận gồm khoản lỗ phát sinh từ dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 và tác động tiêu cực từ biến động tỷ giá. Mặc dù vậy, lịch sử hoạt động của PV Power cho thấy công ty thường xuyên vượt kế hoạch lợi nhuận trung bình 81% trong 5 năm qua, mở ra kỳ vọng khả quan hơn trong thực tế.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 của PV Power cho thấy doanh thu thuần đạt 8.493 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm tới 44%, chỉ còn 186 tỷ đồng.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh thu PV Power tăng trưởng mạnh là sản lượng thương phẩm quý IV/2024 tăng 34% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sản lượng điện tại các nhà máy lớn như Cà Mau, Nhơn Trạch 2 và Vũng Áng đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt 36%, 130% và 17%.
Dù vậy, mức tăng doanh thu này không đủ bù đắp cho sự suy giảm về lợi nhuận. Nguyên nhân chính là giá bán điện trung bình giảm 1%, trong khi chi phí đầu vào lại tăng 14% trên mỗi kWh, do giá than tăng 10%, giá khí đốt tăng 6% và suất hao nhiệt cao hơn. Ngoài ra, PV Power còn phải chịu khoản lỗ tỷ giá khoảng 167 tỷ đồng trong quý IV/2024, trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận khoản lỗ này.
Những khó khăn trên đã lấn át khoản lợi nhuận 400 tỷ đồng từ bồi thường bảo hiểm nhà máy Vũng Áng. Trước đó, PV Power đã nhận được khoản bồi thường bảo hiểm lên tới 1.084 tỷ đồng, nhưng chi phí liên quan cũng lên đến khoảng 700 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2024, doanh thu của PV Power đạt 30.180 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2023. Lợi nhuận ròng đạt 1.252 tỷ đồng, tăng 21%. Việc tăng trưởng lợi nhuận phần lớn nhờ sản lượng điện tăng 11%, đặc biệt tại các nhà máy Cà Mau và Vũng Áng, cũng như khoản bồi thường bảo hiểm. Tuy nhiên, giá bán điện trung bình lại giảm 3%, trong khi chi phí đầu vào tăng 2%, cộng thêm lỗ tỷ giá lên tới 254 tỷ đồng.
Dabaco trở lại với tham vọng lợi nhuận nghìn tỷ đồng năm 2025 Dabaco Việt Nam hướng đến mục tiêu lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2025, đánh dấu bước trở lại mạnh mẽ. Mục tiêu ... |
PVTrans lên kế hoạch lợi nhuận 2025 giảm tới 33% so với kết quả ước tính 2024 Sau một năm 2024 rực rỡ với doanh thu và lợi nhuận đạt đỉnh, PVTrans thận trọng đặt mục tiêu khiêm tốn hơn cho năm ... |
Thu Hà