Nhựa Bình Minh (BMP) báo lãi sau thuế quý IV/2022 đạt 248 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) theo đó tăng từ 1.399 đồng lên 3.035 đồng. |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV, Công ty CP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) ghi nhận doanh thu đạt 1.407 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điểm sáng là chi phí giá vốn hàng bán đã được BMP tiết giảm khá tốt, chỉ còn 933 tỷ đồng so với mức 1.132 tỷ đồng của quý IV/2021, giúp lợi nhuận gộp đạt 475 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. Tương ứng, biên lãi gộp cải thiện từ 20,2% lên 33,7%.
Quý vừa qua, hoạt động tài chính đem lại cho BMP 18 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% cùng kỳ; ngược lại doanh nghiệp chi ra gần 39 tỷ đồng cho hoạt động này, giảm nhẹ gần 2 tỷ đồng.
Về chi phí vận hành, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp duy trì ở ngưỡng 26 tỷ đồng, chi phí bán hàng của BMP tăng khá cao từ 83,5 tỷ đồng lên 117,3 tỷ đồng, tức gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân là do doanh nghiệp phát sinh tăng thêm 40 tỷ đồng chi phí hệ thống phân phối.
Kết quả, BMP báo lãi sau thuế quý IV/2022 đạt 248 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) theo đó tăng từ 1.399 đồng lên 3.035 đồng.
Được biết, những tháng gần đây, giá hạt nhựa PVC đầu vào liên tục giảm mạnh kể từ mức đỉnh hồi quý II/2022. Là doanh nghiệp sản xuất có nguyên liệu chủ yếu là PVC (chiếm khoảng 70%, theo ước tính của các công ty chứng khoán), cho nên diễn biến trên đã giúp BMP giảm tải hàng trăm tỷ đồng chi phí giá vốn trong quý IV/2022.
Lũy kế cả năm 2022, "ông lớn" ngành nhựa công bố doanh thu đạt 5.808 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 696 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và 224% so với thực hiện năm 2021. Với kết quả này, BMP đã vừa đủ đáp ứng kế hoạch doanh thu đặt ra, nhưng vượt tới 55% kế hoạch về lợi nhuận.
Đi kèm kết quả kinh doanh khả quan, dòng tiền thuần kinh doanh của BMP cũng cải thiện tích cực, thu về gần 890 tỷ đồng thay vì âm 30 tỷ đồng như năm trước. Từ đó tạo nền tảng cho doanh nghiệp tăng cường hoạt động đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, đồng thời mở rộng quy mô hoạt động.
Bên cạnh đó, lượng tiền dồi dào giúp BMP có thể "mạnh tay" chi tiền cổ tức cho cổ đông. Năm 2022, dòng tiền chi trả cho cổ tức là 466 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm trước đó (284 tỷ đồng).
Thời điểm chốt năm 2022, tổng tài sản của BMP đạt 3.039 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Doanh nghiệp có hơn 1.322 tỷ đồng (hơn 43% tài sản) là tiền các loại, bao gồm tiền mặt, các khoản tương đương tiền, và tiền gửi có kỳ hạn.
Trong khi đó, với vốn chủ sở hữu 2.623 tỷ đồng, BMP là doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn khá thấp, chỉ khoảng 0,16 lần. Các chuyên gia phân tích nhận định, điều này sẽ tạo lợi thế cho BMP trong bối cảnh lãi suất tăng cao hiện nay.
Trên thị trường, đóng cửa phiên 16/1, cổ phiếu BMP tăng 2,31% lên 62.000 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh đạt 113.400 đơn vị.
Thanh Phong