Khái niệm về ESG
ESG là cụm từ viết tắt từ E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), đây là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Tiêu chuẩn này nhằm đo lường hiệu quả hoạt động của công ty mà các nhà đầu tư có trách nhiệm với xã hội sử dụng để sàng lọc các khoản đầu tư tiềm năng.
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Nội dung 3 khía cạnh ESG
Môi Trường
Tiêu chuẩn về môi trường (Environment) đề cập đến mức độ tác động của doanh nghiệp đến môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất. Nó bao gồm chính sách sử dụng năng lượng, xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm, đối phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đối xử với động vật.
Một doanh nghiệp chú trọng thực hiện theo tiêu chuẩn ESG về môi trường có thể cân nhắc những hành động phù hợp để vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh vừa bảo vệ môi trường. Ngoài ra doanh nghiệp có thể dựa vào ESG để đánh giá rủi ro môi trường có nguy cơ gặp phải. Từ đó có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Xã hội
Tiêu chuẩn về xã hội (Social) xem xét mối quan hệ với các bên liên quan cả trong và ngoài công ty. Nó hướng tới các yếu tố liên quan đến quan hệ với đối tác và khách hàng, cũng như với nhân viên. Trong đó có:
Đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật, đặc biệt đối với thông tin cá nhân của khách hàng.
Hoạt động hướng tới cộng đồng, đảm bảo công bằng xã hội và đạo đức doanh nghiệp, đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và giới tính,…
Đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc của nhân viên. Việc này bao gồm đảm bảo an toàn lao động, công bằng trong đối xử và tuân thủ quy định về mức lương, giờ làm, chính sách bảo hiểm,…Quản trị doanh nghiệp
Quản trị doanh nghiệp
Tiêu chuẩn về quản trị doanh nghiệp (Governance) liên quan đến việc hoạt động minh bạch và tuân thủ quy định về kinh doanh. Trong đó có việc công bố thông tin và kết quả hoạt động hàng năm một cách công khai, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, lựa chọn ban lãnh đạo và chịu trách nhiệm trước cổ đông.
Doanh nghiệp cần minh bạch, chính xác và công bằng trong chọn lọc các thành viên ban lãnh đạo. Đồng thời có những biện pháp chống hối lộ, tham nhũng trong quá trình quản trị. Doanh nghiệp cũng cần đảm bảo tính đa dạng về nguồn gốc của thành viên trong hội đồng quản trị.
Xu hướng đầu tư vào các mã cổ phiếu xanh ESG
Việc đầu tư vào các doanh nghiệp tuân thủ ESG hiện nay vẫn nhận được những ý kiến đa chiều. Trước đây, việc đầu tư vào ESG không được đánh giá quá cao so với lợi ích kinh tế. Chỉ đến khi dịch COVID-19 bùng phát, việc phát triển doanh nghiệp bền vững theo các tiêu chí ESG không còn là lựa chọn mà trở thành quyết định mang tính sống còn của DN.
Có thể nói, chính đại dịch COVID-19 đã góp phần đẩy nhanh hơn xu hướng này, chiến lược đầu tư chuyển dịch sang các yếu tố ESG nhiều hơn so với các chỉ tiêu tài chính truyền thống. Theo Financial Times, bất chấp nhiều người vẫn đang “bán tín bán nghi” về ESG thì dòng tiền đổ vào các doanh nghiệp tuân thủ ESG nhiều hơn bao giờ hết. Ông Carsten Stendevad, Giám đốc đầu tư phát triển bền vững Quỹ Bridgewater Associates cho rằng: “Tham vọng xanh giờ đây đồng bộ với tham vọng an ninh quốc gia, đảm bảo chủ quyền năng lượng, động lực này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo”.
Theo CME Group, khi hệ sinh thái ESG phát triển, số lượng nhà đầu tư, các khoản đầu tư vào ESG phải theo kịp tốc độ. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp lấy tiêu chuẩn ESG làm giá trị cốt lõi trong hoạt động kinh doanh đang được giới đầu tư rót mạnh tiền đầu tư.
Diệp Oanh