Những doanh nhân nổi tiếng bước ra từ bục giảng

20/11/2023 - 17:37
(Bankviet.com) Trước khi thành danh trên thương trường, không ít doanh nhân Việt Nam từng có thời gian gắn bó vởi “bảng đen”, “phấn trắng” trên giảng đường.
Những doanh nhân nổi tiếng bước ra từ bục giảng
Nhà sáng lập ngân hàng ACB Trần Mộng Hùng

Nhà sáng lập ngân hàng ACB Trần Mộng Hùng

Không nhiều người biết rằng, trước khi gây dựng nên một trong những nhà băng hàng đầu Việt Nam như hiện nay, ông Trần Mộng Hùng, nhà sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, HOSE: ACB) từng bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò người thầy trên giảng đường. Sau khi tốt nhiệp cử nhân chuyên ngành Ngân hàng tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, ông Hùng trở thành giảng viên Trường Cao cấp nghiệp vụ Ngân hàng và gắn bó với bục giảng trong suốt 3 năm, từ năm 1978 đến năm 1980.

Tuy nhiên, sau đó, ông Trần Mộng Hùng lại quyết định lựa chọn con đường kinh doanh và trải qua nhiều vị trí khác nhau như Phó giám đốc Công ty Hóa nhựa TP Hồ Chí Minh, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn. Kết thúc chuỗi ngày làm thuê, sẵn có kiến thức chuyên môn về ngân hàng, ông Hùng cùng gia đình và bạn bè đã cùng nhau thành lập ngân hàng ACB.

Trong năm đầu tiên hoạt động, ông Trần Mộng Hùng giữ chức vụ Tổng giám đốc rồi sau đó đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT trong suốt 15 năm. Dưới sự dẫn dắt của ông Hùng, ACB dần xác lập được vị thế riêng trong ngành ngân hàng khi trở thành ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên của Việt Nam phát hành thẻ tín dụng quốc tế ACB-MasterCard (1996); đơn vị đầu tiên tại Việt Nam thành lập Hội đồng quản lý tài sản Nợ-Có ALCO (1997); ngân hàng đầu tiên thực hiện huy động và cho vay bằng vàng (1998), đơn vị đầu tiên được NHNN cho phép kinh doanh vàng ở nước ngoài và kinh doanh vàng trên tài khoản,...

Năm 2008, ông Hùng rút khỏi HĐQT và lui về với vai trò cố vấn quản trị. Tuy nhiên, năm 2012, khi biến cố “bầu Kiên” xảy ra, nhà sáng lập ACB đã phải trở lại đưa con thuyền “vượt bão”. Dù vậy, ông Hùng không trở lại “ghế” Chủ tịch HĐQT mà chỉ thực hiện vai trò cố vấn với vai trò thành viên HĐQT. Vị trí lãnh đạo cao nhất được giao cho người con trai cả là ông Trần Hùng Huy.

Đến năm 2018, sau khi ACB vượt qua thời kỳ khủng hoảng, ông Hùng một lần nữa lui về “hậu trường” làm cố vấn quản trị, chuyển nhượng cổ phiếu của mình cho các con. Hiện tại, nhà sáng lập ACB Trần Mộng Hùng đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban quản lý rủi ro và không nắm giữ cổ phần nào tại nhà băng này.

Những doanh nhân nổi tiếng bước ra từ bục giảng
Chủ tịch HĐQT VnDirect Phạm Minh Hương

“Thuyền trưởng” của VnDirect Phạm Minh Hương

Tương tự ông Trần Mộng Hùng, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VnDirect cũng có thời gian ngắn làm giảng viên Đại học. Sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ Hệ thống thông tin - Đại học Bách khoa Kiev - Liên Xô - Nga năm 1986, bà Hương được phân công dạy tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông với mức lương 105.000 đồng/tháng.

Sau 2 năm công tác trong ngành giáo dục, cảm thấy bản thân không “hợp nghề”, bà Hương chuyển hướng sang kinh doanh và lập tức cho thấy tài năng trên thường trường. Chỉ sau 6 tháng làm việc tại Citibank N.A, bà Phạm Minh Hương đã được bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc kinh doanh tiền tệ và thị trường tài chính của ngân hàng này. Trong 8 năm gắn bó với Citibank, bà Hương được ghi nhận là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của nhà băng này tại Việt Nam.

Rời Citibank, bà Phạm Minh Hương gia nhập Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (sau này là Công ty CP Chứng khoán SSI, HOSE: SSI) với vai trò Tổng giám đốc và đạt được những thành công nhất định.

Năm 2006, bà Hương cùng cộng sự thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Tài chính IPA (sau này là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư IPA, HNX: IPA) và sau đó là Công ty CP Chứng khoán VnDirect. Đáng nói, không giống như những “ngày tháng ngọt ngào” tại SSI, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến VnDirect chịu thiệt hại nặng nề. Dù vậy, bằng kinh nghiệm và tài năng trên thương trường, bà Phạm Minh Hương đã đưa VnDirect “vực dậy” mạnh mẽ và trở thành công ty chứng khoán có tổng tài sản lớn thứ hai trên thị trường.

Những doanh nhân nổi tiếng bước ra từ bục giảng
Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh

Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh

Khác với ông Trần Mộng Hùng hay bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh gắn bó với giảng đường trong suốt hơn 30 năm. Xuất thân là sinh viên Đại học Xây dựng, ông Thanh tiếp tục đồng hành với mái trường này với vai trò là giảng viên từ năm 1971, sau đó trở thành giảng viên chính, Chủ nhiệm bộ môn. Trong thời gian đứng trên bục giảng, ông vẫn thường tư vấn cho nhiều dự án xây dựng.

Mãi đến năm 2003, dưới sự thuyết phục từ doanh nhân Lương Xuân Hà, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico), ông Đào Ngọc Thanh mới quyết định rời bục giảng và làm việc tại Vihajico, nay là Công ty CP Tập đoàn Ecopark, cùng ông Hà trở thành những người “khai móng” cho siêu dự án Ecopark – khu đô thị sinh thái bậc nhất phía đông Hà Nội.

Từ năm 2004 đến nay, ông Thanh đảm nhận vị trí quản lý và điều hành tại nhiều doanh nghiệp như: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Cotana, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng - chủ đầu tư dự án khu đô thị Ecopark.

Năm 2018, khi Nhà nước thoái toàn bộ vốn tại Vinaconex, ông Thanh được bầu làm Chủ tịch HĐQT quản trị với vai trò đại diện cổ đông An Quý Hưng. Với cương vị là lãnh đạo cao nhất của Vinaconex, ông Thanh từng chia sẻ sẽ ưu tiên việc tạo bản sắc riêng cũng như hưóng đi mới trong mô hình kinh doanh. Dưới thời ông Thanh, không chỉ liên tiếp trúng được các gói thầu có giá trị lớn tại công trình giao thông trọng điểm, Vinaconex còn đẩy mạnh các lĩnh vực đầu tư như bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng nằm rải rác khắp các tỉnh Quảng Ninh và Cát Bà, Hà Nội.

Mặc dù đã chuyển hướng sang kinh doanh song ông Đào Ngọc Thanh hiện vẫn tham gia công tác giáo dục trên cương vị thành viên hội đồng trường Đại học Xây dựng.

Những doanh nhân nổi tiếng bước ra từ bục giảng
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình

Nhắc tới doanh nhân Trương Gia Bình là nhắc tới một hệ sinh thái công nghệ, viễn thông đến giáo dục.

Thực tế, ông Bình cũng từng có nhiều năm gắn bó với ngành giáo dục. Từ một cán bộ nghiên cứu với tấm bằng tiến sĩ Toán – Lý danh giá tại Liên bang Nga, ông Trương Gia Bình về nước năm 1982 và công tác tại Viện cơ học, thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Giai đoạn 1983 - 1989, ông công tác tại các viện nghiên cứu tại Nga và Đức.

Đến năm 1988, ông Bình đã quyết định thành lập Công ty Công nghệ Thực phẩm cùng với các kỹ sư và nhà khoa học khác, tiền thân của Tập đoàn FPT ngày nay. Năm 1995, nhận thấy tin học ngày càng phát triển, Chủ tịch Trương Gia Bình đã quyết định chuyển hướng phát triển mạnh lĩnh vực công nghệ. Đến năm 2002, công ty chính thức đổi tên thành Công ty CP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT.

Từ đó đến nay, dưới sự điều hành của Chủ tịch Trương Gia Bình, FPT đã vươn lên trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu Việt Nam về công nghệ với hàng chục công ty con, công ty liên kết và phủ sóng tại 45 quốc gia trên thế giới.

Ngoài sáng lập và ngồi “ghế nóng” FPT, ông Trương Gia Bình còn từng là Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (VINASA) từ năm 2001, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam (với số lượng thành viên lên tới 2500 doanh nghiệp trên 43 tỉnh thành của Việt Nam) từ năm 1998,..

Khác với nhiều doanh nhân xuất thân nghề giáo nhưng sau đó “rẽ ngang” sang kinh doanh, ông Truong Gia Bình được đánh giá là một người “nặng lòng” với sự nghiệp giáo dục. Năm 1995, ông Bình thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội) vào năm 1995 và dần đưa Khoa trở thành một trong những địa chỉ đào tạo MBA có tiếng tại Việt Nam.

Năm 2006, doanh nghiệp của Chủ tịch Trương Gia Bình đã mở trường Đại học FPT - trường đại học tư nhân đầu tiên của Việt Nam do ông nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT. Vị doanh nhân sinh năm 1956 này cũng tham gia vào hoạt động giảng dạy một số môn học như: Nghệ thuật lãnh đạo, Văn hóa doanh nghiệp...

Những doanh nhân nổi tiếng bước ra từ bục giảng
Cựu Tổng giám đốc Saigonbank Trần Thị Việt Ánh

Cựu Tổng giám đốc Saigonbank Trần Thị Việt Ánh

Trong ngành ngân hàng, bên cạnh ông Trần Mộng Hùng, còn một lãnh đạo nổi tiếng khác cũng có xuất thân từ nghề giáo, đó là cựu Tổng giám đốc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, UPCoM: SGB), bà Trần Thị Việt Ánh.

Tương tự ông Hùng, bà Ánh cũng là một giảng viên chuyên ngành Ngân hàng. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế vào năm 1981, bà Ánh về giảng dạy tại khoa Kế toán ngân hàng – Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh. Trong sự nghiệp giảng dạy của mình, “nữ tướng” một thời của Saigonbank cũng đã lên đến vị trí Phó chủ nhiệm khoa trước khi bước chân vào ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, những thành công ấy dường như vẫn là chưa đủ với người phụ nữ luôn mang trong mình bầu nhiệt huyết cháy bỏng niềm đam mê kinh doanh như bà Ánh. Năm 1994, bà Trần Thị Việt Ánh chuyển công tác về SaigonBank giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc. Trải qua gần chục năm phấn đấu, bà Ánh trở thành một trong những người có tiếng nói quyết định đến những chiến lược đầu tư kinh doanh của Saigonbank. Tới tháng 11/2004, bà Ánh tiếp tục được tín nhiệm với cương vị là Tổng Giám đốc SaigonBank.

Kể từ giữa năm 2017, bà Trần Thị Việt Ánh thôi đảm nhiệm chức danh tổng giám đốc để nghỉ hưu sau hơn 20 năm gắn bó.

Những doanh nhân nổi tiếng bước ra từ bục giảng
Chủ tịch Tập đoàn BKAV Nguyễn Tử Quảng

Chủ tịch Tập đoàn BKAV Nguyễn Tử Quảng

Trước khi trở thành doanh nhân, ông Nguyễn Tử Quảng từng là sinh viên xuất sắc của Khoa công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sự nghiệp của ông sau này cũng gắn liền với ngôi trường này.

Năm 2005, ở thời điểm mà Việt Nam vẫn chưa hòa mạng toàn cầu, khi còn là sinh viên năm thứ 3, ông Quảng đã cùng bạn bè thực hiện các chương trình chống virus và cung cấp miễn phí cho cộng đồng mạng.

Năm 1997, sau khi tốt nghiệp, ông Quảng được giữ lại làm giảng viên bộ môn Kỹ thuật máy tính, khoa Công nghệ Thông tin. Dù mới chỉ là giảng viên, ông Nguyễn Tử Quảng đã được Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội bổ nhiệm làm Giám đốc trung tâm An ninh mạng Bách Khoa (BKIS) - tiền thân của BKAV sau này thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội và được Bộ Khoa học Công nghệ đầu tư trang thiết bị.

Năm 2005, khi BKAV được thương mại hoá, Tập đoàn Công nghệ BKAV ra đời. Dưới sự dẫn dắt của ông Quảng, đến nay BKAV có 6 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực như Phần mềm, An ninh mạng, Chống mã độc, Nhà thông minh, với các sản phẩm, dịch vụ về an ninh mạng, phần mềm, smartphone và các thiết bị điện tử thông minh...

Những “bông hoa” 9x tài sắc vẹn toàn trên thương trường

Không chỉ có ngoại hình xinh đẹp, các nữ doanh nhân trẻ còn gây ấn tượng lớn với người xung quanh bởi thành tích học ...

Điểm lại dàn "nữ tướng" tiếng tăm lừng lẫy, sức ảnh hưởng rộng khắp Việt Nam

Họ là những nữ doanh nhân lừng danh, sở hữu khối tài sản "khủng" ở Việt Nam. Những "bóng hồng" quyền lực đã ngày đêm ...

Những “bông hồng thép” quyền lực trong giới địa ốc

Thị trường địa ốc lâu nay đã không còn là “sân chơi” riêng của cánh mày râu, đặc biệt là khi những “bông hồng thép” ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán