Những loại trái cây bình dân được gia chủ săn lùng mua trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

09/02/2024 - 16:39
(Bankviet.com) Nếu trái thanh long vỏ màu đỏ hồng tượng trưng cho may mắn thì trái sung tượng trưng cho mong muốn sung túc cả năm được gia chủ săn lùng mua trong dịp Tết này.
Mức xử phạt cao nhất 60 triệu đồng đối với hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý Thị trường 29 Tết: Cau tươi, hoa hồng tăng giá mạnh Giáp Tết, trái cây là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc

Những ngày cận Tết, giá thanh long tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP. Hà Nội tăng chóng mặt, đến những người đi buôn hoa quả cũng phải giật mình. Chị Thu Hòa, tiểu thương chợ Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, chỉ hôm trước chị bán ra giá 35.000 đồng/kg, nhưng hôm sau đi lấy hàng đã không còn mua được giá mình đã bán ra trước đó.

Thanh long đắt hành dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Thanh long đắt hành dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương những ngày cận Tết (từ 27 Tết đến 30 Tết) tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như: Chợ Kim Liên, chợ Thành Công, chợ Hoàng Văn Thụ, chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm – Đức Viên, giá thanh long phổ biến từ 50.000 – 70.000 đồng/kg tùy loại.

Trong giỏ hàng Tết bầy mâm ngũ quả của các bà, các mẹ, bên cạnh nải chuối xanh, quả bưởi, quả cau,… thì trái thanh long là không thể thiếu.

Bởi quan niệm thanh long nghĩa là "rồng xanh", từ quan niệm trong dân gian và các truyền thuyết, những chiếc tai màu xanh tựa như chiếc vảy rồng. Những vật phẩm mang biểu tượng rồng xanh trong phong thủy đều có ngụ ý bảo vệ chủ nhân, dẹp trừ tiểu nhân và thích hợp cho những người đang phấn đấu công danh.

Hơn nữa, quả thanh long có vẻ ngoài đẹp đẽ, trang nhã và sang trọng nên được bà nội chợ thường chọn để bày biện trên bàn thờ gia tiên. Màu đỏ hồng rực rỡ, tươi tắn đẹp mắt ấy khi bày cùng các loại quả khác sẽ tạo nên sự hài hòa về phong thủy, đủ về ngũ hành. Chính vì vậy mà thức quả thanh long càng có ý nghĩa tốt lành và may mắn, được bày lên bàn thờ những ngày mùng 1, rằm, lễ tết, đặc biệt trong cả Tết Nguyên đán.

Cầu tăng, giá bán thanh long tại các nhà vườn cũng tăng trong những ngày cận Tết Giáp Thìn. Theo đó, tại huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh trồng thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang, thương lái hiện thu mua tại vựa với giá 32.000 - 35.000 đồng/kg và thanh long ruột trắng có giá từ 25.000 – 28.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với tháng trước.

Theo nhà vườn, giá thanh long tăng cao trong dịp Tết vì thị trường Trung Quốc bắt đầu hút hàng trở lại và nhu cầu thị trường nội địa thì nhộn nhịp với nhiều sự kiện lễ hội mùa Xuân 2024.

Giá mua thanh long ở tỉnh Tiền Giang tăng cao và dự báo sẽ còn đứng ở mức cao đến hết tháng Giêng năm Giáp Thìn.

Cùng với trái thanh long, trái sung - một loại quả quanh năm giá rẻ, rất ít người tìm mua thì ở chợ Tết Nguyên đán Giáp Thìn lại đắt khách.

Tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, trái sung được bày bán kèm theo các loại trái cây khác. Nhiều người chọn mua bày mâm ngũ quả, mong một năm sung túc đúng như tên gọi của nó.

Một chùm sung có giá dao động từ 50.000-70.000 đồng, tương đương 200.000-250.000 đồng/kg. Mức giá này gấp 20-25 lần giá bán ngày thường.
Một chùm sung có giá dao động từ 50.000-70.000 đồng, tương đương 200.000-250.000 đồng/kg. Mức giá này gấp 20-25 lần giá bán ngày thường.

Nếu như ngày thường, giá sung chỉ trên dưới 10.000 đồng/kg thì những ngày cận Tết này, sung được bán theo chùm chứ không bán theo cân như các loại trái cây khác. Một chùm sung có lá đầy đủ giá dao động từ 50.000 - 70.000 đồng (khoảng 3 lạng), tương đương 200.000 - 250.000 đồng/kg. Mức giá này gấp 20 - 25 lần giá bán ngày thường nhưng vẫn đắt khách.

Chị Trần Thị Hảo, đầu mối bán trái cây ở Trung Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội), cho hay, đa phần khách mua 2 - 3 chùm, có khách chỉ đặt mua 1 chùm. Nhà có nhiều ban điện hoặc gom đặt chung lượng sung 5 - 20 chùm không nhiều.

Theo dân buôn hoa quả, vào mỗi dịp Tết, sung trở thành hàng đắt khách với giá cao chót vót vì có tên gọi mang ý nghĩa sung túc. Trước kia, sung chùm thờ Tết chỉ phổ biến ở các tỉnh trong Nam. Nhưng từ Tết năm 2013 đến nay, khách sỉ ngoài Bắc, đặc biệt ở Hà Nội rất nhiều.

Trong tâm thức của người Việt, bàn thờ không chỉ là nơi linh thiêng, tụ khí, tụ tài mà còn là nơi con cháu bày tỏ lòng thành kính. Bởi vậy, những vật phẩm được bày biện trên bàn thờ đều phải mang ý nghĩa tốt lành nhất.

Chính vì thế, từ bánh kẹo đến hoa trái đều phải lựa chọn cẩn thận. Đặc biệt là các loại hoa quả tươi mang sinh khí dùng để thắp hương cần đạt yêu cầu về cả hình thức lẫn ý nghĩa.

Nếu như hoa dâng trên bàn thờ mang những điều thơm thảo, rực rỡ, nở rộ nhất thì quả ngọt tượng trưng cho sự cô đọng tất thảy những tinh túy của cây trái.

Bởi với quả ngọt chính là ý niệm của sự viên mãn, đủ đầy nên loại quả dâng lên bàn thờ thường mang ý nghĩa giàu có, thịnh vượng và sinh sôi, nảy nở.

Thanh long không chỉ có vỏ ngoài màu đỏ sáng cùng những chiếc tai xanh của quả thanh long luôn hướng lên trên ngụ ý cho sự sinh sôi, phát triển.

Còn với trái sung, theo quan niệm dân gian, sung là loại cây cảnh mang ý nghĩa văn hóa tâm linh, tượng trưng cho sự sung mãn, tròn đầy. Vì vậy nhà dù nghèo hay giàu Tết đến cũng có cành đào (hoặc mai) và một mâm ngũ quả thắp hương gia tiên, trong đó có cả trái sung.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương