Những lý do cần sửa đổi Luật Điện lực: Kỳ 1- Hiện thực hoá chiến lược của Đảng về năng lượng

31/03/2024 - 21:31
(Bankviet.com) Sau 20 năm thực hiện Luật Điện lực, đã có nhiều bất cập cần phải điều chỉnh cho phù hợp với chiến lược, chỉ đạo của Đảng cũng như tình hình thực tiễn.
Bộ Công Thương họp Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Luật điện lực (sửa đổi)

Báo Công Thương sẽ phân tích, tổng hợp những cơ sở, lý do, nội dung còn bất cập để góp phần cùng làm rõ sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi).

Năng lượng nói chung và điện lực nói riêng là một ngành công nghiệp đầu vào của sản xuất và có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, cũng như sự phát triển của đất nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu sắc, toàn diện. Việc xây dựng và phát triển ngành/thị trường năng lượng tự chủ, bền vững, phù hợp với xu hướng chung của thế giới là yêu cầu quan trọng, cấp thiết.

Chính vì vậy, ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW), trong đó đã đưa ra quan điểm chỉ đạo “nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng” nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát “Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Như vậy, Nghị quyết số 55-NQ/TW giao nhiệm vụ phải đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể: “cần phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo, kết nối với thị trường khu vực và thế giới” và “sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành về dầu khí, điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hơn cơ chế thị trường”.

Ngày 02/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị; trong đó, tại điểm a khoản 2 Phần II có giao Bộ Công Thương: “Nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định trong Luật Điện lực và các văn bản có liên quan về giá điện, điều tiết điện lực, chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện và thị trường điện phù hợp với lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh”.

Đồng thời, triển khai Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 -2025. Đối với nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết đã nêu “Đẩy mạnh rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, chưa đầy đủ hoặc vướng mắc, nhất là về quy hoạch, đầu tư, kinh doanh, đất đai, tài chính, ngân sách, tài sản công, thuế... theo hướng vướng mắc ở cấp, ngành nào thì cấp, ngành đó chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện; nghiên cứu khẩn trương sửa đổi, thay thế các cơ chế, chính sách không còn phù hợp với thực tiễn để tháo gỡ điểm nghẽn và giải quyết những vấn đề tồn đọng gây thất thoát, lãng phí, bảo đảm tổng thể, toàn diện và sự thống nhất trong hệ thống pháp luật”.

Ngày 16 tháng 6 năm 2022 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 61/2022/QH15 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Trong đó, Quốc hội giao Chính phủ: “Tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các nội dung có liên quan đến quy hoạch trong các luật, văn bản quy phạm pháp luật để khẩn trương trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật”.

Ngày 26 tháng 8 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

Do đó, cần thiết phải thể chế hóa đầy đủ các nội dung của Nghị quyết số 55-NQ/TW tại Luật Điện lực, tổ chức triển khai và thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ về rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Những lý do cần sửa đổi Luật Điện lực: Kỳ 1- Hiện thực hoá chiến lược của Đảng về năng lượng

Theo đánh giá của Bộ Công Thương cũng như nhiều chuyên gia kinh tế - năng lượng, Luật Điện lực năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự) đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm thi hành và qua 3 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Thực tiễn thi hành pháp luật về điện lực cho thấy còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về điện lực, đồng thời giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực hiện đang thiếu cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Cụ thể nhóm vấn đề thứ nhất là vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch phát triển điện lực quốc gia vì liên quan nhiều đến các quy hoạch ngành khác nên vướng mắc trong thực hiện; Cơ chế, chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ; hạn chế về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương trong thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực; vốn đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo..

Nhóm vấn đề thứ 2 là những yêu cầu thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý để phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới (NLTT) phù hợp với xu hướng và cam kết hội nhập quốc tế về chống biến đổi khí hậu…

Nhóm vấn đề thứ 3 liên quan đến điều kiện hoạt động điện lực và cấp, miễn trừ, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực (điều kiện/hồ sơ cấp giấy phép hoạt động điện lực; miễn trừ, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực)

Nhóm vấn đề thứ 4 liên quan đến giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo định hướng phát triển thị trường điện.

Nhóm vấn đề thứ 5 là những vướng mắc về quản lý, vận hành hệ thống điện

Nhóm vấn đề thứ 6 liên quan đến kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện, an toàn điện sau công tơ và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

Còn tiếp...

Nguyên Vũ

Theo: Báo Công Thương