Động lực cho thị trường bất động sản còn nhiều
Tại báo cáo phân tích về ngành bất động sản vừa công bố, Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định rằng, lãi suất thấp đang là điều kiện hấp dẫn và là nhân tố quan trọng tạo nên sự sôi động cho thị trường trong giai đoạn cuối năm. Bên cạnh đó, việc nới lỏng pháp lý và đẩy mạnh đầu tư công là chất xúc tác trong trung và dài hạn đối với thị trường bất động sản. Theo Agriseco, đầu tư công là phương án khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Thêm vào đó, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đều ra chỉ thị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công với mục tiêu hoàn thành tối thiểu 90-95% kế hoạch cho tới cuối năm nay. “Đây là yếu tố tác động mạnh tới thị trường bất động sản khi thông tin về quy hoạch vùng hoặc kế hoạch triển khai một dự án hạ tầng giao thông có thể làm gia tăng nhu cầu mua nhà đất tại các khu vực hưởng lợi lân cận", báo cáo nhận định.
Với tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát và các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng trong các tháng cuối năm, thị trường bất động sản sẽ sớm sôi động trở lại. Bởi nhu cầu từ nhà ở, thương mại, khu công nghiệp đến du lịch, nghỉ dưỡng vẫn còn rất lớn. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản còn tranh thủ cơ hội mở rộng quỹ đất tiềm năng để đón đầu các xu hướng của thị trường. Với tầm nhìn chiến lược phát triển dài hạn của các doanh nghiệp bất động sản, việc sở hữu quỹ đất lớn là điều kiện cần để triển khai dự án bài bản, đồng nhất với hạ tầng đô thị cũng như phát triển bền vững.
Theo báo cáo phân tích mới đây, Bộ Xây dựng nhận định các doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn trong 4 đợt dịch COVID-19, đặc biệt ở làn sóng dịch gần nhất từ đầu tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn có lãi lớn – nhất là nhóm doanh nghiệp đã niêm yết. Việc thị trường chứng khoán tăng mạnh thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, chuẩn bị nguồn tài chính vững mạnh cho các kế hoạch phát triển các dự án.
Rõ ràng, các tín hiệu trên cho thấy thị trường bất động sản cuối năm còn rất nhiều động lực để phát triển. Song bất động sản không thể “chạy” nếu thiếu sự tham gia của nhóm ngành phụ trợ.
Những nhóm ngành hưởng lợi
Dù ở phân khúc bất động sản dân cư, khu công nghiệp hay đầu tư công, một trong những ngành hưởng lợi trực tiếp chính là thi công, xây lắp. Bên cạnh đó còn có vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi mắng, cát, đá…).
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng để triển khai một dự án là nguồn vốn – bên cạnh các vấn đề pháp lý. Đó là nguồn vốn cho một chuỗi thi công từ chủ đầu tư, tổng thầu, nhà thầu chính đến các nhà thầu phụ.
Nắm bắt được nhu cầu đó, PVcomBank mới đây đã triển khai sản phẩm tín dụng xây lắp mà đối tượng chính là các khách hàng nằm trong chuỗi thi công nói trên. Để đáp ứng tối đa nhu cầu vốn cho việc triển khai công trình, ngân hàng này cũng đa dạng hình thức cấp tín dụng như phát hành bảo lãnh, cho vay ngắn – trung hạn và phát hành LC với thời hạn, hình thức trả gốc, lãi linh hoạt.
Sản phẩm của PVcomBank bao quát hết được các đối tượng khách hàng theo chuỗi, được thiết kế chuyên biệt dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, thi công với mô hình công trình được phân loại rõ ràng gồm: nhóm 1 gồm các công trình cho PVcomBank tài trợ vốn, tập đoàn EVN/PVN làm chủ đầu tư; nhóm 2 gồm các công trình do Bộ, Cục, Sở, UBND, Cơ quan hành chính sự nghiệp, tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp FDI làm chủ đầu tư và nhóm 3 gồm các công trình còn lại. Với thiết kế trọn gói, sản phẩm được đánh giá là có tính cạnh tranh cao khi có thể đáp ứng hầu hết các nhu cầu của doanh nghiệp trong từng giai đoạn từ đấu thầu, thi công, đến nghiệm thu thanh toán công trình…Với hạn mức cấp tín dụng lên tới 80% giá trị hợp đồng, khách hàng sẽ chủ động nguồn tài chính cho các nhu cầu để thi công công trình và mua máy móc, tài sản cố định.
“Không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn để triển khai các dự án, PVcomBank còn cấp tín dụng cho mục đích thanh toán tiền lương, chi phí nhân công, chi phí khối gián tiếp, văn phòng của khách hàng. Bởi khi các dự án triển khai trở lại, nhu cầu nguồn nhân lực là rất lớn và các khách hàng sẽ cần có nguồn tài chính để chi trả cho các mục đích về nhân sự nhằm thu hút người lao động trở lại làm việc”, đại diện PVcomBank cho biết thêm.
Tuy tiềm năng là rất lớn song thị trường bất động sản ít nhiều vẫn chịu tác động bởi dịch bệnh. Vì vậy, nguồn tài chính được xem là “liều vaccine” nhằm tăng sức đề kháng, tạo động lực cần thiết cho toàn bộ chuỗi thi công.